Bình luận về Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam

Bình luận về Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam

Friday 15 June 2012

52 * NGÔ THỊ VÂN.* HCM ĐẾN LƯ SƠN * NGHỆ AN

 
NGÔ THỊ VÂN * HCM ĐẾN LƯ SƠN

Hồ Chí Minh bí mật đến Lư Sơn

Mùa hè năm 1959, cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc được tổ chức tại Lư Sơn. Lúc bấy giờ, đối với quốc tế là một tin tức tuyệt mật. Nhưng lại có một vị nguyên thủ quốc gia của nước ngoài một mình đến Lư Sơn. Người ấy là ai? Người ấy đến Lư Sơn có công việc gì? Câu chuyện bí mật xảy ra cách đây hơn 50 năm đến nay cần được biết rõ.

Một mình lên Lư Sơn
Tháng 8/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam sang thăm Liên Xô, lúc về qua Bắc Kinh, nghe ông Trần Nghị nói Mao Trạch Đông và các đồng trí khác đều đang họp tại Lư Sơn, Hồ Chí Minh quyết định một mình đến Lư Sơn. Theo nhật lý của ông Dương Thượng Côn và hồi ký của các nhân vật có liên quan thời kỳ bấy giờ, Hồ Chí Minh ngồi máy bay hàng không dân dụng Trung Quốc cất cánh tại sân bay Bắc Kinh, sáng sớm ngày 9/8, khoảng độ 10 giờ sáng hôm đó đã đến sây bay Thập Lý Phố của thành phố Cửu Giang. Khi Hồ Chí Minh vừa ra khỏi máy bay, các ông Dượng Thượng Côn, Uông Đông Hưng đã đón chờ từ lâu liền mang hoa đến, ông Dương Thượng Côn nói to lên: “Chúc Chủ tịch mạnh khoẻ, Mao Chủ tịch cử chúng tôi đến đón Bác”.


d

Hồ Chủ Tịch và Thủ tướng Chu Ân Lai


Vì ở Lư Sơn đang có “cuộc họp bí mật”, nên ở Bắc Kinh Hồ Chí Minh đã nói trước là không tổ chức nghi thức đón tiếp, không đưa tin, không xuất hiện công khai. Lúc bấy giờ, Hồ Chí Minh thấy ông Dương Thượng Côn đặc trách xuống núi đón, người liền nói: “Là người cùng một nhà, đã nói trước rằng đừng có xuống núi đón tiếp cơ mà” và tươi cười hai tay nhận lấy bó hoa tươi.


Tiệc đón tiếp
Hai xe cùng lúc chạy theo hướng Lư Sơn, Dương Thượng Côn và Hồ Chí Minh ngồi xe thứ nhất, Uông Đông Hưng, Trình Tiên Hỷ và phiên dịch Việt Nam ngồi xe thứ hai. 12 giờ trưa, hai xe cùng đỗ tại toà biệt thự số 394, Dương Thượng Côn mời Hồ Chí Minh xuống xe, nghỉ ngơi tại đây. Nào ngờ Hồ Chí Minh lắc đầu và kiên quyết nói rằng: “Hiện giờ tôi đi gặp Mao Chủ tịch, tôi muốn sớm được gặp ông ta”.
Hôm ấy tại phòng khách gác 2 biệt thự số 180, đều bày đủ các món ăn, đồng thời bày thêm hai chai rượu Mao Đài. Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo khác mời Hồ Chí Minh ngồi ở chỗ thượng toạ, Hồ Chí Minh nhìn vào Mao Trạch Đông vừa cười vừa nói: “Ở đây đều là đồng chí anh em cả, ai lớn tuổi thì ngồi thượng toạ”. Mao Trạch Đông với giọng vùng Thiệu Sơn nói to rằng: “Được được, đồng chí Chu Đức lớn tuổi nhất ngồi thượng toạ, liền sau đó là Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Dương Thượng Côn… ngồi theo thứ tự.

Hồ Chí Minh nâng cốc, thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam cám ơn những người cộng sản Trung Quốc, và nói rằng: “Chúng ta vừa là đồng chí, vừa là anh em thật sự”. Câu nói ngắn gọn của Hồ Chí Minh làm xúc động nhiều người”.


Sáng sớm đã đột nhiên “mất tích”
Buổi chiều hôm đó, Hồ Chí Minh từ biệt thự số 180 trở về biệt thự số 394. Thể theo quy định thống nhất của cuộc họp, những người quản lý nói chung không ngủ tại toà biệt thự. Trình Tiên Hỷ không ngủ tại toà biệt thự này. Sáng hôm sau, khi anh Hỷ bước vào toà biệt thự 394 cảm thấy rất kỳ lạ, không thấy Bác Hồ, kể cả anh phiên dịch và vệ sĩ cũng tìm không thấy. Đang lúc anh Hỷ nóng ruột cầm điện thoại định hỏi rõ nguyên nhân, thì anh phiên dịch được người lái xe đưa về nhà, nói rằng Bác Hồ một lúc nữa sẽ về, đừng nóng ruột. Vậy Bác Hồ sáng sớm đi đâu, anh phiên dịch nói luôn một câu tiếng Trung Quốc rất mẫu mực là: “Hãy tạm thời giữ bí mật”.


Lúc bấy giờ, Hồ Chí Minh đang ở trước cửa số nhà biệt thự 124 ngay cạnh con đường có cây thông, Bác đang nói chuyện với Lưu Thiếu Kỳ chăng? Không, Bác đang một mình ngồi trên ghế đá ngay trước cửa. Vì Hồ Chí Minh không cho phiên dịch trình bày, cũng không cho phép anh vệ sĩ đi báo cáo, còn Lưu Thiếu Kỳ và thư ký của ông ta vì tối thức khuya, nên chưa ai thức dậy, còn các nhân viên khác đều không nhận ra Hồ Chí Minh, anh quản lý Bành Dục Viêm mấy lần đều hỏi, có cần gọi thủ trưởng thức dậy không, Bác đều tỏ ý không cần thiết, vì chẳng có việc gì cả, ngồi tại đây chờ đồng chí Lưu Thiếu Kỳ ngủ dậy cũng chẳng sao.

Hồ Chí Minh nói tiếng Trung Quốc lưu loát, ăn mặc giản dị, trên đầu lại đội chiếc mũ vải màu ghi, người ta khó mà nhận ra ông già gầy còm này là một nguyên thủ nước ngoài. Khoảng độ 30 phút, Lưu Thiếu Kỳ ngủ dậy, cậu Viêm mới thông báo tình hình này, thư ký riêng mới mở cửa ra ngó nhìn, vào báo cho Lưu Thiếu Kỳ ra ngoài cửa mời Hồ Chủ tịch vào trong nhà.

Lưu Thiếu Kỳ cùng Hồ Chí Minh xem kịch Giang Tây
Tối ngày 11/8, Trình Tiên Hỷ đưa Hồ Chí Minh đến kịch viện nhân dân Lư Sơn xem vở kịch Truy ngưthuộc loại kịch của tỉnh Giang Tây. Vì quãng đường rất gần, Hồ Chí Minh không lên xe, mấy người cuốc bộ đến kịch viện. Khi đến kịch viện, đã trông thấy Lưu Thiếu Kỳ đứng đợi trước cửa. Khi thấy Hồ Chí Minh, Lưu Thiếu Kỳ liền bước đến gần nói: “Hồ Chủ tịch, Mao Chủ tịch dặn dò tôi đến cùng với Chủ tịch xem vở kịch này”. Tiếp đó, Hồ Chí Minh đi trước, bước vào kịch viện. Vở kịch Truy ngư là vở kịch xuất sắc của Đoàn kịch tỉnh Giang Tây, về lối hát, động tác và ánh đèn đều thuộc loại hạng nhất. Hồ Chí Minh chăm chú xem, cho tới lúc nghỉ nửa buổi, mới hỏi Lưu Thiếu Kỳ: “Về kịch Giang Tây với Kinh kịch, cách hát rõ ràng có khác nhau, song động tác múa trong vở kịch thì khác nhau không nhiều?” Ngày thường, Lưu Thiếu Kỳ ít khi bỏ thì giờ đi xem phim, còn xem kịch lại càng ít, nên đành thú thật nói rằng: “Tôi rất ít đi xem kịch, nghe nói các động tác trong Kinh kịch là hay nhất trong các loại kịch, nên các loại kịch khác cũng phỏng theo Kinh kịch”. Hồ Chí Minh liền gật đầu nói: “Loại kịch Giang Tây chưa được trình diễn ở Việt Nam, song Việt kịch của Quảng Đông thì ở Việt Nam được người ta hoan nghênh, Việt kịch tương đối chú trọng cách hát”.

Bị các đồng chí nữ đòi ăn kẹo cưới
Chiều ngày 12/8, đội quân nữ giới xông vào, trong đó có bà Thái Xướng vợ Lý Phú Xuân, bà Đặng Dĩnh Siêu vợ Chu Ân Lai, bà Khang Khắc Thanh vợ Chu Đức, bà Vương Quang Mỹ vợ Lưu Thiếu Kỳ cùng một số người nữ khác, nét mặt của các bà tươi cười, ai nấy đều mời Hồ Chí Minh ở lại thêm vài ngày nữa tại Lư Sơn.
Hồ Chí Minh nói: “Được được, khi nào Việt Nam thống nhất, tôi sẽ ở Lư Sơn trên nửa năm hay một năm gì đó”.
Bà Thái Xướng nói một cách lắt léo rằng: “Xin đừng đến một mình nhé”.
“Lẽ tất nhiên, tôi sẽ mời một số đồng bào cùng tôi sang đây ở”.
“Không, chỉ mời Bác và phu nhân”.
Bác cười, rồi nói thư thả: “À, té ra Đặng Dĩnh Siêu góp ý kiến trên hội đồng phụ nữ không muốn làm chiếc áo bông sợi tơ cho tôi là như thế này đấy”.
Một bà nhanh nhảu nói rằng: “Đúng vậy, bây giờ Bác nên lấy một bà vợ cách mạng, đừng có cứ bóc lột bà Đặng Dĩnh Siêu mãi”, trong phòng vang lên tiếng cười khà khà.
Hồ Chí Minh lâu nay vẫn sống một mình. Bao năm nay nhiều đồng chí Việt Nam và Trung Quốc đều quan tâm đến việc hôn nhân của Bác. Song khi còn trẻ, Bác đã có chí hướng: Tổ quốc không độc lập không thống nhất sẽ không kết hôn. Như vậy, những người bạn cũ quen biết lâu năm như Chu Ân Lai và Đặng Dĩnh Siêu đành phải thường xuyên quan tâm đến sự mặc ấm cúng của anh cả này. Năm 1957, bà Đặng Dĩnh Siêu đã tự mình làm chiếc áo bông sợi tơ cho Bác.
Các đồng chí nữ luôn miệng nói đùa rằng: “Khi Hồ Chủ tịch sang đây lần nữa, chúng tôi phải đòi bác cho ăn kẹo cưới”.
6 giờ 30 phút sáng ngày 13/8, chiếc xe con đỗ ngay trước cửa toà biệt thự số 394. Trước lúc chia tay, Hồ Chí Minh tặng cho mỗi người làm việc trong biệt thự một cuốn sổ tay có mang chữ ký của Bác và huy hiệu kỷ niệm “Việt Trung hữu hảo”, đồng thời chụp ảnh kỷ niệm chung với mọi người làm việc ở đây.
(Trần Thiện - Xưa & Nay, số 331, 5 – 2009)
bee.net.vn
 




 

Dấu ấn văn hoá xứ Nghệ trong cuộc đời Hồ Chí Minh

Mỗi một con người, dù người đó là ai – là một người bình thường hay là một vĩ nhân, đều có một quê hương. Quê hương là nơi mỗi chúng ta được sinh ra và đón nhận những dấu ấn đầu đời. Những dấu ấn, cảm nhận đó đi sâu vào trong tiềm thức của mỗi chúng ta, từ đó hình thành nên những tâm tư tình cảm, tư tưởng, phong cách của mỗi con người trong cuộc sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta cũng vậy, Bác được sinh ra và sống những năm tháng tuổi thơ ở quê hương xứ Nghệ. Đây là một miền quê nghèo, người dân quanh năm phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt để sinh sống và chống giặc ngoại xâm để bảo vệ quê hương.


Chính vì vậy, con người xứ Nghệ luôn có những đức tính cần, kiệm, yêu lao động, đặc biệt là tinh thần yêu nước nồng nàn, sự đoàn kết, yêu thương, nhân ái. Bên cạnh đó, con người ở đây còn có tinh thần lạc quan, ham học hỏi để khắc phục thiên nhiên, cải tạo cuộc sống. Mang đậm dấu ấn văn hoá của núi Hồng, sông Lam, những làn điệu dân ca, câu hò ví dặm….đã tạo nên những nét độc đáo, riêng biệt không thể lẫn với bất cứ vùng nào. Sống trong một miền quê trù phú về văn hoá, tiếp xúc và cảm nhận được những tình cảm quê hương – từ nhỏ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được lắng nghe những điệu hò, câu ví qua giọng hát của bà, của mẹ, tiếp xúc với những tình cảm của xóm làng. Lớn lên được sự chỉ bảo, dạy dỗ nghiêm khắc của cha, sự yêu thương của mẹ và nhất là sự kèm cặp của ông ngoại, nên dấu ấn văn hoá xứ Nghệ càng thấm sâu vào trong tư tưởng, tình cảm của Người. Dấu ấn xứ Nghệ ấy trong Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp một phần rất lớn trong việc hình thành phong cách của Người.
Cụ thể, dù bôn ba khắp thế giới để tìm đường cứu nước; dù trong lao tù của thực dân, đế quốc hay trong gian khổ của cuộc trường kỳ kháng chiến nhưng lúc nào Người cũng luôn đau đáu nỗi nhớ về quê hương – nơi có những người thân yêu nhất của mình. Với Người, tình cảm quê hương là những gì thiêng liêng nhất:
Quê hương nghĩa trọng tình cao
Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình.
Những cán bộ, nhân viên, chiến sỹ…có vinh dự được sống gần gũi với Người đều có chung một nhận xét: Từ thuở niên thiếu cho đến lúc về già, từ người thanh niên yêu nước đến khi trở thành lãnh tụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mang đậm phong cách quê hương xứ Nghệ qua từng lời nói, việc làm.

Trong tư tưởng tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự giản dị đơn sơ trong cuộc sống là sự chí công vô tư, vượt lên hết thảy mọi sự ham muốn vật chất đời thường và đó cũng là sự cần, kiệm trong cuộc sống – một đức tính tốt đẹp của người dân xứ Nghệ.
Như chúng ta đã biết, sau khi giải phóng Thủ đô, cuối năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh về sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch. Lúc đầu Thường vụ Trung ương Đảng sắp xếp cho Người ở tại ngôi nhà trước đây của Toàn quyền Pháp – một ngôi nhà sang trọng và đầy đủ tiện nghi. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khước từ và chọn cho mình một ngôi nhà của một người thợ điện để làm việc cho gần gũi với anh em và các đồng chí của mình. Sau này nơi ở của Người ngôi nhà sàn đơn sơ giữa vườn cây, ao cá giản dị đã đi vào huyền thoại.

Những đồng chí có dịp được ở gần Người, khi tận mắt chứng kiến bữa ăn của một vị Chủ tịch nước đều nhận xét: Người vẫn nhớ những món ăn đạm bạc của quê hương. Trên mâm cơm vẫn bát canh, quả cà, miếng cá kho hoặc miếng thịt kho, tuyệt nhiên không thấy những món ăn đặc sản, xa cách với người lao động.
Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận xét: “Dùng cơm với Cụ hàng trăm lần, lần nào cũng thấy Cụ tém vén không để rơi một hạt cơm nào, bởi vì Cụ trọng công đức của người lao động đã làm ra hạt lạc, hạt gạo. Chuyện nhỏ, đức lớn hài hoà ở một con người”.

Cách ăn mặc của Người cũng giản dị, thanh tao từ quần áo Người mặc, đôi dép cao su Người đi đều đã mang đậm dấu ấn cần, kiệm của văn hoá xứ Nghệ.
Trong Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện nay vẫn lưu giữ bộ quần áo kaki Người mặc lúc sinh thời. Trước đây, khi thấy Người mặc bộ quần áo kaki cũ, các đồng chí phục vụ có ý đề nghị thay bộ mới hơn, Người nói “Dân ta còn nghèo, đang khó khăn nhiều, Bác có bộ quần áo này là đầy đủ lắm rồi”. Xí nghiệp May 10 của Tổng cục Hậu cần gửi biếu Bác bộ quần áo kaki mới, Bác nhận, song Người gửi lại để xí nghiệp làm phần thưởng thi đua cho anh em công nhân.

Trên cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước bận trăm công nghìn việc, nhưng Người vẫn dành thời gian để tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi cá…quanh ngôi nhà Bác ở là một khu vườn với nhiều loại cây, hoa trái, trong đó có hàng dâm bụt – gợi nhớ quê nhà.
Như vậy, chỉ với những gì xung quanh thể hiện qua cách ăn, ở, mặc và sinh hoạt ta cũng đã thấy ở trong Chủ tịch Hồ Chí Minh có thấp thoáng dấu ấn quê hương, đó là sự giản dị, cần, kiệm, trọng lao động. Qua những hành động đó ta còn thấy được tình cảm sâu sắc của Người đối với quần chúng nhân dân, một tình yêu san sẻ không muốn sống “trên mức sống của một người dân bình thường”.

Tình nhân ái và yêu thương mọi người còn thể hiện rất nhiều qua những cử chỉ và hành động của Người, nhưng ở đây tôi chỉ muốn nhắc đến cái khái quát cao nhất đó là trong tư tưởng để Người đi đến hành động: Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn đến tột bậc, đó là nước nhà được độc lập, nhân dân được tự do, ai cũng có ăn, có mặc và ai cũng được học hành. Từ những mong muốn đó mà Người đã ra đi tìm đường cứu nước, vượt qua mọi gian khổ hi sinh. Tính nhân ái đó không chỉ thể hiện cho dân tộc Việt Nam mà cho những người dân lao động khổ cực trên thế giới, đi đến đâu, bất cứ nơi nào Người cũng cảm thấy đau xót trước những người dân mất nước, nô lệ lầm than. Tình nhân ái, và một tình cảm trân trọng tất cả những người xung quanh mình, đó còn là sự nâng niu tình cảm con người, sự bao dung khi đối với những người mắc sai lầm trong quá khứ, từ đó mà khơi gợi lại cho họ những đức tính tốt đẹp, hướng họ đến cái chân – thiện – mỹ.


Tinh thần lạc quan, ham học hỏi của con người xứ Nghệ, cũng được thể hiện rõ nét hơn qua cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng ta biết rằng, với tình yêu nước nồng nàn, để tìm đường cứu nước làm cho dân có ăn, có mặc và ai cũng được học hành, Người đã ra đi bằng hai bàn tay trắng, không kể giá lạnh của băng tuyết Người vẫn miệt mài làm việc như bồi bàn, quét tuyết, chụp ảnh… để có tiền hoạt động cách mạng. Rồi khi bị trong tù thì tinh thần của Bác vẫn không hề bị nao núng. Vượt qua những gian khổ ấy là nhờ người có một niềm tin vững chắc ở phía trước, một tinh thần lạc quan yêu đời. Những vần thơ với những trăn trở về thiên nhiên, quê hương đất nước là một bằng chứng về tinh thần lạc quan của Người. Hồ Chí Minh ngay từ khi còn nhỏ đã rất ham học hỏi và đức tính đó là một trong những truyền thống của quê hương. Sau này cũng vậy, dù ở đâu trong hoàn cảnh nào Người cũng luôn tranh thủ học ngoại ngữ, đọc sách và nghiên cứu những vấn đề trên thế giới. Chính điều đó đã cho Người một kiến thức uyên bác về thế giới và về thời cuộc.

Như vậy, văn hoá xứ Nghệ được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu một cách có chọn lọc. Những tinh hoa văn hoá ấy đã ăn sâu vào trong tiềm thức của Người, là một phần rất quan trọng trong việc hình thành phong cách Hồ Chí Minh. Vì thế, ở Hồ Chí Minh, bất cứ làm việc gì, khi còn trẻ hay đã già, trong phong cách ứng xử, sinh hoạt, làm việc, tư duy…vẫn mang đậm dấu ấn văn hoá quê hương. Có được điều đó cũng bởi từ rất sớm Người yêu tha thiết mảnh đất xứ Nghệ giàu truyền thống, yêu tha thiết những người dân lam lũ nhưng lạc quan yêu đời. Trước khi rời khỏi thế giới này, Bác vẫn nhớ da diết về quê hương xứ Nghệ của mình. Trong nhạc phẩm “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” của nhạc sĩ Trần Hoàn vẫn để lại một tình cảm xúc động cho chúng ta “…Chuyện kể rằng Bác đòi nghe câu Ví, nhớ làng Sen từ thửa ấu thơ…Bác muốn nghe một câu hò xứ Nghệ, bởi làng Sen day dứt trong tim…”.
Qua con người Hồ Chí Minh, chúng ta – những người dân Xứ Nghệ càng thêm tự hào và thêm yêu quê mình – một xứ Nghệ đã in đậm trong trái tim và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá kiệt xuất./.
Theo Ngô Thị Vân – Gv Khoa Xây dựng Đảng
Truongchinhtrina.gov.vn
Huyền Trang (st)
http://tennguoidepnhat.net/category/cu%E1%BB%99c-d%E1%BB%9Di-h%E1%BB%93-chi-minh/cpv.org.vn

No comments:

Post a Comment