Bình luận về Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam

Bình luận về Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam

Friday 29 June 2012

156. BIỆN HỘ* TRÂN XUÂN AN, TÂM TRANG, TRẦN ĐẮC THỌ


Thực trạng độc thân của Bác Hồ

Posted by txawriter on 24.02.2009
hidden hit counter
NHẬT KÍ TÌM HIỂU THỰC TRẠNG ĐỘC THÂN
CỦA NHÂN VẬT LỊCH SỬ HỒ CHÍ MINH

Trần Xuân An

Đánh giá một con người, căn cứ vào mức độ cống hiến của người ấy cho dân tộc và nhân loại, chứ không phải căn cứ vào sự bình thường hay không bình thường của bộ phận nào đó trong cơ thể. Người xưa thường nói “nhân bất thập toàn”. Nhưng điểm tật về chức năng một bộ phận cơ thể của nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh và anh chị ruột của Người chỉ minh định thể trạng hiền nhân thuần khiết bẩm sinh của họ, như nhân dân Nam Đàn, Nghệ An ca ngợi: “Nam Đàn sinh Thánh”. Hồ Chí Minh là thánh nhân cần thiết phải xuất hiện trong tình hình đấu tranh cận - hiện đại, đặc biệt là đấu tranh về tôn giáo, ý thức hệ, trước các thủ đoạn xuyên tạc, bôi nhọ ngày càng tinh vi, thâm độc.

Bài viết này góp phần vào việc phê bình trong tinh thần dân chủ đối với cuốn “Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh” và phê phán tiểu thuyết “Đỉnh cao chói lọi” của nhà văn sa-đích Dương Thu Hương.

— Trong bài viết, khi phân tích tư liệu sấm kí “Nam Đàn sinh Thánh”, tôi có đề cập đến giai đoạn lịch sử từ khoảng cuối thế kỉ mười bảy (XVII) đến khoảng cuối thế kỉ mười chín (XIX). Trong quãng thời gian lịch sử này, công lao của các chúa Nguyễn và những thành tựu nội trị, phương cách đối phó trước thách đố do tình thế chung của vương triều Nguyễn vẫn được khẳng định, đề cao, mặc dù tôi không viết thành câu chữ (bởi đã viết nhiều lần ở những bài khác, sách khác). Nhưng cũng không phải công lao, thành tựu và phương cách đối phó cùng tư thế đứng trước thách đố của thời thế ấy không ở trong bối cảnh “Đàng Trong – Đàng Ngoài” tại nước ta, và càng không phải ở ngoài toàn cảnh thế giới trước hiểm họa “truyền đạo” đi đôi với “tìm đất” của thực dân Phương Tây, Âu Mỹ…


1.

Nhật kí ngày 12-01 HB9 (2009)

Cuộc sống độc thân trọn đời của nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh, từ mấy mươi năm trước, không một ai trên đất nước Việt Nam không biết. Cũng như vậy, nhiều người trên thế giới đã biết đến, như lâu nay chúng ta từng tiếp xúc với nhạc sĩ thiên tài Trịnh Công Sơn. Và lòng ngưỡng mộ trong nước, ngoài nước về Hồ Chí Minh không vì thế mà suy giảm hay tăng lên. Nhưng trong thời gian gần đây, nhất là khi cuốn “Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh” tung ra trên mạng toàn cầu, kế đến là xuất hiện tiểu thuyết “Đỉnh cao chói lọi” của Dương Thu Hương với bản điện tử và bản in giấy, vấn đề trở nên ồn ào đáng lưu ý.

Tôi không muốn viết một điều gì về sử học, về người thật, việc thật, nếu không có đầy đủ tư liệu gốc, tư liệu khả tín trong tay. Những trang viết suy diễn, dựa vào những gì “nghe nói”, nghe kể”, chỉ tổ làm mất uy tín của người cầm bút mà thôi.

Trước đây, tôi đã từng đọc và suy ngẫm nhiều về một khổ thơ của Nguyễn Đình Thi, vốn được ông viết từ 1950, trước chiến thắng Điện Biên Phủ, và đã tái bản nhiều lần:

“Nơi đây sống một người tóc bạc
Người không con mà có triệu con
Nhân dân ta gọi Người là Bác
Cả đời Người là của nước non”

(Quê hương Việt Bắc1950)

Gần đây, tôi cũng tìm được trên một trang thông tin điện tử văn bản lá thư Hồ Chí Minh gửi bác sĩ Vũ Đình Tng, bộ trưởng Bộ Thương binh – Cựu binh (từ 1947 đến 1959). Xin lưu ý rằng, đây là lá thư gửi cho một bác sĩ y khoa, tín đồ Thiên Chúa giáo, nguyên giám đốc Nha Y tế Bắc Bộ trước 1945 (lưu dung). Văn bản này chắc vẫn còn đươc lưu trữ;hiện nay, hẳn rất thuận lợi để giám định khoa học thực nghiệm lá thư ấy (bản thủ bút). là một văn bản thuộc loại tư liệu gốc, có giá trị khả tín cao nhất, chỉ sau những hồ sơ theo dõi sức khỏe của Hồ Chí Minh. Nhưng rất đáng tiếc là tôi chỉ được biết qua bản sao nguyên văn (1) hoặc lời dẫn như sau:

“Cuộc đời Bác còn có gì đặc biệt? Trong thư gửi bác sĩ Vũ Đình Tng, Bác đã tự nhận là người không có gia đình và không có con nhưng “gia đình tôi là Việt Nam, con cái tôi là các thanh niên Việt Nam” (1).

Những thông tin đó không có gì mới. Như đã nói, toàn dân và thế giới đều biết. Vấn đề là từ chỗ chúng ta hoàn toàn tin tưởng, nay bỗng thấy nên kiểm tra lại sự tin tưởng của chúng ta, trước những cuốn sách chứa đựng những điều trái ngược, mặc dù chúng cũng cũ mèm nhưng gây nhiều chấn động bởi phương tiện truyền thông hiện đại.

Tôi lại tiếp tục tìm kiếm, và tìm thấy những bài sấm kí quá quen thuộc, đã khắc vào trí nhớ tôi từ gần 30 năm trước, hồi tôi còn dạy học ở một vùng rừng khai hoang. Chúng thuộc loại tư liệu dân gian, sấm kí (không thuộc loại sử liệu có giá trị khả tín cao) rất phổ biến ở Nghệ An và trên toàn quốc:

“Đụn Sơn phân giái (:giới)
Bò Đái thất thanh
Thủy đáo Lam Thành
Nam Đàn sinh (:sanh) Thánh”

(dịch nghĩa:

Núi Đụn nứt hai [: chia ranh giới]
Bò Đái mất tiếng
Nước lụt đến Lam Thành
Nam Đàn sinh ra thánh nhân).

Thử tìm hiểu lại bài sấm kí này, trước hết, về hiện tượng thiên nhiên được miêu tả.

Theo báo điện tử Vĩnh Phúc (bài của Mai Hiên): “Núi Đụn chính là núi Hùng Sơn ở phía tây huyện Nam Đàn. Năm 722, Mai Thúc Loan (tức là vua Mai Hắc Đế) xây dựng kho quân lương ở trên núi để chống giặc Đường nên gọi là Núi Đụn. Khe Bò Đái (tên gọi trong dân gian) chảy từ vách đá dựng đứng ở Rú Kia (còn gọi là Cơ Sơn), nước chảy ồ ồ và tung bọt trắng xóa. Trong một trận động đất, núi Đụn bị phân đôi, khe Bò Đái cũng bị rạn nứt, nước chảy nhưng bị thẩm thấu lan toả nhiều vào lòng đất đá nên không phát ra tiếng ồ ồ như trước” (2).


                                    
Xem bản đồ và thông tin ở cuối bài


Bây giờ, chúng ta thử ngẫm nghĩ các từ ngữ, hình ảnh.

Phân giái” còn có dị âmphân giới và ở một dị bảnphân giải. Chữ giới có âm khác là giái, giái hợp vần với chữ đái ở câu dưới hơn. Cònphân giải”, nghĩa đen là tách ra, tan rã, nhưng trong Hán văn cũng như trong tiếng Việt đều dùng với nghĩa là phân trần, giải thích, hòa giải; riêng trong ngành hóa học, dùng với nghĩa phân tích, hóa phân (3). “Thất thanh” (trong tiếng Việt) còn có nghĩa là tiếng kêu thảng thốt, kinh ngạc, đến mức kêu không thành tiếng, như trước một trận động đất dữ dội chẳng hạn.

Lam Thành là tên khác của núi Hùng Sơn. Nhiều dị bản không có câu thứ 3 này, nhưng theo tôi, câu thứ 3 này vừa hợp với thể thơ (4 câu), vừa miêu tả thêm về lưu lượng và dung lượng của nguồn nước lũ lụt phi thường.

Hình ảnh thơ nổi bật và tạo ngay ấn tượng cho người đọc là các biểu tượng âm dương (sông núi); dùng hình tượng núi non, suối khe để miêu tả sinh thực khí (linh vật linga, yoni; nõn [nõ], nường) của trời đất.

Địa danh “Bò Đái” (chữ Nôm) lại là cách so sánh ngầm (ẩn dụ) có tính cụ tượng, trực quan sinh động. Trong ngữ cảnh này, người đọc nhận ra hình tượng Bò thần Nandin [Nandi], biểu tượng của thần Hủy diệt và Sáng tạo Shiva (Isana): quyền lực và sinh nở, trong tôn giáo Bà La Môn (tiền thân của tôn giáo Hindu [Ấn Độ giáo]).

Cả cụm hình tượng ở 3 câu 1, 2 và 3 vừa thể hiện sự thiêng liêng (thánh hóa) vừa cho người đọc cảm nhận trần tục (thậm chí vật hóa), để đi đến câu kết (câu 4), thể hiện hiện tượng siêu phàm: “Nam Đàn sinh Thánh” — thánh nhân thường được hiểu là thuần khiết tuyệt đối (không vợ không chồng). Đây là một cách tôn vinh theo phong cách sấm kí, ngôn ngữ dân dã.

Nếu không chấp nhận cách giải mã nghệ thuật này, sẽ không hiểu vì sao lại sử dụng địa danh “Bò Đái” trong khi nó có tên khác trang nhã hơn: Vũ Nguyên; và cả câu 2 có thể là: “Nguồn Vũ” thất thanh hay Vũ bộc thất thanh.

Thử đọc cả câu 1, câu 2 theo cách đó:

“Hùng Sơn [Hùng Lĩnh?] phân cốc,
Vũ bộc thất thanh”

(Núi Hùng chia hang,
Thác Vũ mất tiếng).

“Bò Đái” rõ ràng có chức năng nghê thuật là một nhãn từ (nhãn tự: chữ mắt)! Xin nhớ là “Đại Nam nhất thống chí” đã ghi rõ là suối Vũ Nguyên còn có tên thường gọi là khe Bò Đái, nguyên văn trong sách: “Ngạn ngữ có câu: “Bò Đái thất thanh’” (4). Đó là một câu không phải thuộc loại đã bị thay đổi, sửa chữa.

Ngoài ra, việc không dùng địa danh Hùng Sơn (hay Hùng Lĩnh?) mà dùng địa danh núi Đụn (đụn thóc, gạo…: quân lương thời Mai Hắc Đế [gốc Chăm?]), trong ngữ cảnh nhất định này, còn gợi cho người đọc ý niệm ước muốn phồn thực, với nghĩa cụ thể là thực phẩm dồi dào (không chỉ sinh con đẻ cháu đông đúc mà còn no ấm).

Thánh nhân (thuần khiết) ra đời từ ước vọng ấm no, hạnh phúc, sum vầy. Phải là bậc thánh nhân (thuần khiết) như thế mới cứu được đất nước, lo được cho nhân dân như ước vọng ấy. Phải chăng đó là ý tưởng xuyên suốt và bao trùm bài tứ tuyệt tứ ngôn sm kí dân dã trên (vốn xuất hiện vài ba trăm năm trước đây)?

Là con người, cho dù là Phật, Chúa, Tiên, Thánh, tất cả đều được sinh ra từ sinh thực khí (linga [nõn / nõ] – yoni [nường], riêng yoni [nường] bao gồm cả hai bầu sữa của người mẹ). Vì vậy, khi thánh thiêng hóa, vật thiêng hóa sinh thực khí, đồng nhất hóa sinh thực khí với núi non, sông suối quê hương, là đã tôn vinh, tôn vinh trong niềm ước vọng, về một Thánh nhân sẽ ra đời, cứu dân, cứu nước hay tế độ chúng sinh.

Điểm cuối, xin minh định rằng, nguyên văn bài sấm kí dân dã trên đúng y như thế. Chính vì sững sờ bởi địa danh “Bò Đái”, được dùng như nhãn từ, nên tôi thử đưa ra một cách giải mã dựa trên tín ngưỡng tôn thờ sinh thực khí thánh thiêng hóa của người Chăm (theo đạo Bà La Môn [Hindu, Ấn Độ]) và ở nhiều vùng khác tại Bắc Bộ, Trung Bộ nước ta (hiện vẫn còn tín ngưỡng nõn nường thánh thiêng hóa hoặc đang ảnh hưởng như một nếp văn hóa vô thức). Đây chỉ là một cách giải mã thử nghiệm, nếu có gì sơ suất, xin niệm tình lượng thứ.

Tôi thấy mình nên ngừng lại, nhưng rồi không thể không tìm hiểu thêm.

Cũng từ báo điện tử Vĩnh Phúc: “Theo thuyết phong thuỷ trong dân gian ở vùng Nam Đàn vẫn truyền tụng câu: “Bạch tượng uyển hồ, Hồ trung nhất huyệt, nhất đại đế vương” (nghĩa là ở trên con voi trắng trong xứ Ao Hồ có một huyệt đạo, phát làm vua một đời)” (2).

Liệu tác giả Mai Hiên viết và chép đã đúng chưa? Tôi giở sách để tra cứu.

Theo “Đại Nam nhất thống chí” (tập 2, sđd.), ở Nghệ An có một gò đất gọi là Gò Hồ. Phải chăng Uyển Hồ chính là Gò Hồ này? Uyển, theo chữ Hán, là khu vườn hoặc là nơi có cây cối xanh tốt; Uyển Hồ là địa danh theo kết cấu tiếng Việt, như Thành Vinh, Thành Hà Nội, Thành Huế? Vì không có bản chữ Hán trên tay để mở từ điển tra lại mặt chữ, tôi nghĩ, chắc hẳn không phải “uyn”, mà là “uyên”: vực sâu; Uyên Hồ (kết cấu theo Hán ngữ): xứ Hồ có vực sâu (vì bài báo vừa dẫn đã đưa ra câu dịch nghĩa, trong đó có địa danh là Ao Hồ)? Nhưng chắc chắn hơn, “bạch tượng uyển hồ” (con voi trắng – hồ nước ở khu đất tươi tốt) chỉ là tên gọi một dạng thế đất tốt để làm huyệt mộ, theo thuật địa lí – phong thủy?  

Nhưng điều cần chú ý hơn là câu cuối: “Nhất đại đế vương”. Theo ngữ nghĩa, câu nói theo thuyết phong thủy này không nhằm nói đến chế độ dân chủ. Chế độ dân chủ không theo lệ phong kiến cha truyền, con nối. Chắc hẳn câu sấm chỉ nói đến vị thánh thuần khiết (không vợ con) của Nam Đàn: Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quay lại với bài sấm, như bài báo “Lời sấm đất Nam Đàn” trên Trang thông tin huyện Nam Đàn, Nghệ An (5), câu thứ 4 của bài sấm vừa được đề cập ở phần trên “Song Ngư thủy biển (:thiển)”, về sau được các nhà nho cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX sửa lại là “Nam Đàn sinh Thánh”.

Theo đó, chúng ta có thể thấy rằng, cả bài sấm đã được phân tích ở trên và câu nói theo thuyết phong thủy vừa bàn đến, đều nhắm đến Nguyễn Ái Quốc (chủ tịch Hồ Chí Minh về sau). Ngay Phan Bội Châu cũng nghĩ như vậy.

Thực ra, tôi không bao giờ mê tín vào loại sấm kí, phong thủy ở góc độ huyền bí. Nếu thuật phong thủy vẫn còn có giá trị là ở phương diện thẩm mĩ, nó có thể giúp ta chọn được cuộc đất đẹp, thì sấm kí còn có giá trị chăng là ở chỗ phán đoán được xu thế thời đại, gồm xu thế chính trị, kinh tế, quân sự, mà thường một người ưu thời mẫn thế có thể tổng hợp thông tin, đưa ra lời ước đoán khá chính xác (tuyệt nhiên không có chút nào huyền bí trong đó). Trong trường hợp bài sấm cũng như câu nói theo thuyết phong thủy trên, chúng ta còn rút ra được một lượng thông tin là sự ghi nhận thực tại nhãn tiền chứa đựng trong chúng nữa. Nói giản đơn hơn, người ta thấy Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh thuần khiết (không vợ không con) nên người ta sửa chữa sấm kí, câu nói theo thuyết phong thủy lại cho phù hợp. Thế thôi. Ngoài ra, cũng có người dựa vào sự đồng âm Hán – Việt, cho rằng sau khi ông Nguyễn Sinh Khiêm cải táng di cốt mẹ là bà Hoàng Thị Loan ở xứ Gò Hồ này, nên Nguyễn Ái Quốc (già Thu) lấy họ Hồ; còn tên ghép Chí Minh là để nhớ ơn Hầu Chí Minh, khi bị giam tù tại Trung Quốc (1942-1943); nhưng có thể đây chỉ là sự suy diễn hoặc ngẫu nhiên, tuy hợp lí hơn giả thuyết nguyên gốc họ Hồ làng Quỳnh Đôi trong tiểu thuyết “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng.

Ở đề mục này, tôi muốn khai thác bài sấm kí và câu nói theo thuyết phong thủy trên về phương diện ghi nhận sự thật về Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh theo cách sửa chữa câu chữ cho phù hợp như vừa trình bày.

Rốt lại, với tư liệu thuộc loại cần tra cứu kĩ, vốn có trong trí nhớ và trên mạng toàn cầu, đáng tin cậy nhất vẫn là hai tư liệu dưới đây:

1) Tư liệu gốc: Thư Hồ Chí Minh gửi bác sĩ Vũ Đình Tng (1). Cần tìm ra bản gốc ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và tiến hành giám định thực nghiệm văn bản này.

2) Tư liệu thứ cấp: Khổ thơ Nguyễn Đình Thi, viết năm 1950, đã xuất bản và tái bản nhiều lần.

Tìm hiểu (không thể nói là nghiên cứu) với những tư liệu như vậy, thật không yên tâm chút nào. Thế mà có người dám viết bừa đến mấy trăm trang sách, không viện dẫn được một nguồn tư liệu nào! Thật đáng sợ.


2.

Nhật kí ngày 10-02 HB9 (2009):

Sau Tết Nguyên đán vừa rồi, nhân đọc một mẩu tin về Lễ hội Vua đen Mai Hắc Đế (Mai Thúc Loan), tôi lại giở sách để suy ngẫm thêm và suy ngẫm trên cơ sở tư liệu chứ không phải suy diễn kiểu bá vơ như Dương Thu Hương hay ghi chép sơ khởi những “nghe nói”, “nghe kể” của GS. Nguyễn Đăng Mạnh.

“Đại Việt sử kí toàn thư” ghi:

“Nhâm tuất, [722], (Đường, Huyền Tông, Long Cơ, Khai Nguyên năm thứ 10). [...] Mai Thúc Loan chiếm giữ châu, xưng là Hắc đế, bên ngoài liên kết với người Lâm Ấp, Chân Lạp, số quân nói là 30 vạn” (6).

“Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn ghi nhận:

“Đền Mai Hắc đế: ở địa phận xã Hương Lãm, huyện Nam Đường. Thần họ Mai, tên Thúc Loan, mặt sắt, mình đen, hình dáng hùng vĩ, nhiều người tin tưởng vui theo. Bấy giờ nước ta thuộc nhà Đường, khoảng niên hiệu Khai Nguyên, Quang Sở Khách làm đô hộ An Nam, chính lệnh tham bạo, dân không chịu nổi, nhiều người phải trốn vào rừng làm việc trộm cướp. Thúc Loan bèn dấy quân ở Hoan Châu, những người trộm cướp ở các quận đều hàng phục, bèn liên kết với các nước Lâm Ấp và Chân Lạp, số quân có đến 30 vạn, chiếm cứ Giao Châu mà xưng đế, đóng ở thành Vạn Yên (Sa Nam). Nhà Đường sai nội thị là Dương Tư Húc đem quân sang đánh, vua bèn rút quân đến đóng ở núi Hùng Sơn. Khi mất, táng ở phía nam núi đất, người địa phương lập đền thờ” (7).

Một lần nữa, tôi thử tìm kiếm trên mạng toàn cầu qua Google:

Đây rồi, báo điện tử Sài Gòn Giải Phóng: Người đọc Lương Thị Thu Cúc (Bình Định) đặt câu hỏi (trích): Tại sao có các địa danh nôm na như: khe Bò Đái?”.

Nhà nghiên cứu Lê Trung Hoa trả lời: Một trong những đặc điểm của các địa danh do người bình dân đặt là tính nguyên sơ, dân dã.

[…]

Còn Bò Đái là tên khe núi tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, được ghi nhận trong Sổ tay địa danh Việt Nam của Đinh Xuân Vịnh (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002). Bò Đái là một địa danh thuần Việt nhưng gốc Tày, Nùng, nguyên dạng là Bó Đảy. Bó: nguồn nước, Đảy: nứa tép. Bó Đảy là nguồn nước có nhiều cây nứa tép (Hoàng Văn Ma, Địa danh vùng Tày Nùng trong Những vấn đề ngôn ngữ học, Viện Ngôn ngữ học xuất bản, 2002, tr.202-213).

Như vậy, vì Bó Đảy gần âm với Bò Đái, người Kinh đã dùng từ tổ có sẵn trong tiếng Việt đ phiên âm(8).

Tôi không đồng ý với nội dung trả lời này.

Địa danh phần lớn đều có dấu vết văn hóa, gồm cả văn hóa vô thức. Cũng cần lưu ý là nhiều nền văn hóa, nguồn văn hóa đan xen, chồng lớp lên nhau (Việt cổ – Tày Nùng – Chăm – Kh’Mer…). Cơ sở cổ sử thời Vua đen Mai Hắc Đế cho thấy là vùng đất Nam Đàn (Nghệ An) có sự giao lưu văn hóa giữa Việt cổ và Lâm Ấp (Chăm-pa), Chân Lạp (Kh’Mer).

Dẫu sao, sự ổn định lâu đời của địa danh Bò Đái, không những trên cửa miệng người dân mà cả trong sử sách, cũng là sự lựa chọn của người Việt địa phương.

Phải chăng sự lựa chọn này cũng do văn hóa vô thức (nõn nường, linga – yoni, Shiva – Bò thần Nandin) chi phối? Hoặc giả, nguyên do trực tiếp chỉ là ấn tượng trực quan sinh động của khe nước chảy mạnh từ vách núi, trông như con bò đang đứng đái mà thôi, chứ chẳng phải có nguồn gốc địa danh Tày Nùng gì cả.

Vấn đề là ngữ nghĩa của địa danh thuần Việt Bò Đái và hình tượng so sánh con bò đang đứng đái, trong một bài sấm kí nghiêm túc, nói về sự đản sanh của một vị thánh. Thật sự không ai dám đùa bỡn với sự đản sanh đó. Đành rằng có một số địa danh có thể được đặt ra với sự tinh nghịch dân dã, nhưng khi đưa vào bài sấm kí nghiêm túc mà không dùng tên chữ “Vũ Nguyên” (Nguồn Vũ), lại dùng “Bò Đái”, hẳn có một dụng ý nhất định.

Nội dung cả bài sấm kí 4 câu là nói đến sự rung chuyển long trời lở đất của thế cuộc, là cơn trở dạ dữ dội của non sông đất nước Nam Đàn và của nguyên khí âm – dương vũ trụ khi sinh nở ra vị thánh nhân. Toàn cảnh gợi đến Shiva (hiện thân là Bò thần Nandin), vị thần Hủy Diệt và Sáng Tạo.

Nhưng hiện tượng long trời lở đất, cơn trở dạ của non sông đất nước Nam Đàn và của nguyên khí âm – dương vũ trụ ấy đã diễn ra từ vài ba trăm năm trước ngày Nguyễn Sinh Cung (Hồ Chí Minh) được sinh ra đời vào năm 1890. Cuốn “Nghệ An ký” của Hoàng giáp Bùi Dương Lịch, người Hà Tĩnh, viết vào cuối thế kỷ 18 (5), sách “Đại Nam nhất thống chí” (4) và bài báo “Lời sấm đất Nam Đàn” trên Trang thông tin huyện Nam Đàn, Nghệ An (5) cho chúng ta biết điều đó. Nguyên văn từ bài báo: Cách ngày nay khoảng trên dưới 300 năm, núi bỗng nhiên nứt ra làm đôi, vết nứt dài đến mấy trăm mét và sâu đến dăm, bảy chục métkhe Bò Đái mất tiếng đã từ lâu, cách ngày nay ít nhất cũng trên 200 năm. Bài báo “Lời sấm đất Nam Đàn” cho biết thêm: “Còn 2 câu sau “Thủy đáo Lam Thành, Song Ngư thủy thiển” thì cũng đã rõ. Vào thời Tự Đức, nước lũ sông Lam đã cuốn mất làng Triều Khẩu thuộc huyện Hưng Nguyên và nước sông Lam đã chảy đến chân núi Lam Thành (rú Thành), còn 2 đảo Ngư là hòn Son và hòn Mực ở Cửa Hội thì nước ở đây ngày một cạn dần, bãi bồi nổi lên trước ngày một lớn và rộng ra” (9).

Theo đó, người đọc chúng ta nhận thấy từ thời điểm hiện tượng long trời lở đất, cơn trở dạ của non sông đất nước và của nguyên khí âm – dương vũ trụ ấy đã diễn ra cho đến khi Nguyễn Sinh Cung chào đời cũng khoảng 200 năm (lúc núi Đụn nứt đôi), khoảng 100 năm (lúc khe Bò Đái tắt tiếng), khoảng 50 năm (trận bão lụt khủng khiếp). Đây là thời gian sấm kí, huyền thoại nhưng cũng là thời gian lịch sử. Nếu lấy 1890 trừ đi 200 hoặc 100 hoặc 50, chúng ta sẽ áng chừng được thời điểm diễn ra hiện tượng long trời lở đất của thế cuộc, cơn trở dạ của non sông đất nước, nguyên khí vũ trụ khởi đầu từ cuối thế kỉ mười bảy (XVII), cuối thế kỉ mười tám (XVIII) và giữa thế kỉ mười chín (XIX)…

Đó là các thời đoạn nào trong lịch sử nước ta và thế giới? Ở nước ta, ấy là thời đoạn diễn ra Trịnh – Nguyễn phân tranh và phong trào Tây Sơn, đồng thời cũng là quãng lịch sử Thiên Chúa giáo và thực dân Pháp thực sự can dự vào diễn biến cùng những biến cố trên đất nước, đặc biệt là sự phân liệt “lương – giáo”, mầm mống của vết thương Bến Hải chia cắt Tổ quốc về sau… Trên thế giới, phải chăng đó là thời đoạn chủ nghĩa thực dân Phương Tây đã và đang tiến hành “truyền đạo” kết hợp với “tìm đất” như nhận định của Trần Trọng Kim, tác giả “Việt Nam sử lược”.

Thời gian cưu mang, trở dạ rồi sinh nở ra một thánh nhân, theo sấm kí – huyền thoại – lịch sử là thế đó.

Bây giờ, chúng ta quay lại với hình tượng Shiva (hiện thân là Bò thần Nandin), vị thần Hủy Diệt và Sáng Tạo.

Vấn đề khốc liệt từ cách giải mã này là đưa đến sự mâu thuẫn văn hóa trong tiếp nhận của người đọc. Có biết bao nhiêu phong tục, tập quán, nếu người thuộc nền văn hóa X, không thể hiểu nổi văn hóa Z; và ngược lại. Nhưng nếu chúng ta thấy được linga – yoni, nõn – nường vốn là biểu tượng nguyên sơ, hồn nhiên tối cổ đã được biểu trưng hóa thành âm – dương (Kinh Dịch) rồi trừu tượng hóa thành quy luật mâu thuẫn – thống nhất (biện chứng pháp), sẽ hóa giải được sự xung khắc khốc liệt vừa nói, và tìm ra mẫu số chung của nhân loại. Mẫu số chung của nhân loại còn thể hiện ở tín ngưỡng vật tổ (totem): Bò thần (Ấn), Chó ngao (Anh), Gà trống (Pháp), Chim Lạc, Rồng – Tiên (Việt – Kinh)…

Nếu với nhãn quan văn hóa khác, chúng ta còn thấy trong thiền học cũng có những công án có cách diễn đạt phá chấp khốc liệt như vậy, chẳng hạn, khi được hỏi “Phật tính” là gì, câu trả lời là “càn thỉ quyết” (que cứt khô) (10).

Tuy vậy, tôi vẫn trích dẫn câu trả lời của nhà nghiên cứu Lê Trung Hoa trên báo điện tử SGGP. (30/08/2006) để tham khảo thêm, dè chừng sự giải mã khiên cưỡng bài sấm kí có địa danh ấy.

Nhân đây, cũng xin nói thêm ít dòng về “Nam Đàn sinh (sanh) Thánh”. Dẫu sao, bài sấm kí này cũng mang phong cách dân gian, xuất hiện và định hình trong bối cảnh tư tưởng tôn giáo, tín ngưỡng chiếm ưu thế.

Hồ Chí Minh (Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc) lại là một lãnh tụ cộng sản, cho dù là một lãnh tụ cộng sản Việt Nam, Châu Á, vốn xuất thân từ một gia đình Nho học (”kính quỷ thần nhi viễn chi”: tôn kính quỷ thần nhưng nên xa lánh quỷ thần). Là người cộng sản, Hồ Chí Minh dĩ nhiên phê phán “chủ nghĩa khổ hạnh kiểu thầy tu” (cụm từ như một thuật ngữ), mà đề cao lối sống bình thường, có vợ có chồng nhưng mẫu mực. Là người xuất thân từ gia đình nhà nho, chắc hẳn đối với Hồ Chí Minh việc có con nối dõi tông đường là không thể xem nhẹ (“bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”: tội bất hiếu có ba loại, mà không có con nối dõi là tội lớn nhất) (11). Truyền thống lịch sử Việt Nam cũng không có minh chủ, lãnh tụ nào không vợ con (ngoại trừ Phạm Sư Ôn, một tu sĩ Phật giáo thời cuối Trần, đầu Hồ). Nhiều lãnh tụ cộng sản khác cũng vào sinh ra tử nhưng đều lập gia đình riêng, mặc dù có thể thời gian sống với vợ con không nhiều. Chính Hồ Chí Minh cũng tự nhận khuyết điểm của mình là không lấy vợ (và khuyết điểm thứ hai là nghiện thuốc lá), có nghĩa là Hồ Chí Minh không bao giờ đề cao lối sống trọn đời độc thân. Khi xem việc không lấy vợ là khuyết điểm thứ nhất của đời mình, Hồ Chí Minh tự biết bản thân Người, riêng về khía cạnh này, không phải là điển hình lí tưởng (hình tượng chuẩn mẫu) theo nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa và Nho giáo.

Từ những chứng cứ đó, chúng ta nên hiểu thánh nhân ở bài sấm kí trên là thánh nhân bẩm sinh.

Cuối cùng, tôi tự tạm thời kết luận với một sự yên tâm đáng kể:

ANH HÙNG DÂN TỘC HỒ CHÍ MINH CÓ MỘT ĐỜI SỐNG RIÊNG TƯ GIẢN DỊ VỚI THỂ TRẠNG HIỀN NHÂN THUẦN KHIẾT BẨM SINH, KHÔNG THỂ NGHI NGỜ.

Đó là điều tôi muốn thể hiện ở những trang nhật kí này. Dẫu sao, đây chưa phải là một bài nghiên cứu như những bài thuộc thể loại này, tôi từng viết.


 Trần Xuân An
15: — 16:31, 10-02 HB9

(Có sửa chữa một ít chữ, bổ sung vài dòng và viết thêm đoạn cuối, : 8:20 — 9:19& 15:40, 11-02 HB9; 8:10, 12-02 HB9; 8:46, 13-02 HB9 )
Viết nhân ngày Lễ hội Vua đen Mai Hắc Đế tại Nam Đàn, Nghệ An năm nay, Rằm tháng Giêng, Kỉ sửu HB9.


SÁU (06) CỨ LIỆU CHÍNH CỦA BÀI VIẾT NÀY:
         1. “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái”
         2. Người không con mà có triệu con”
         3. “Nam Đàn sinh Thánh”
         4. “Nhất đại đế vương”
         5. Hồ Chí Minh thừa nhận việc không có vợ con là khuyết điểm thứ nhất của cuộc đời Người. Nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa và Nho giáo không đề cao “chủ nghĩa độc thân”, “chủ nghĩa khổ hạnh kiểu thầy tu”.
         6. Anh chị ruột của Bác Hồ (bà Nguyễn Thị Thanh, ông Nguyễn Sinh Khiêm) cũng không có chồng, có vợ và con cháu ruột. Đó là sự thật tuyệt đối đến mức 100%.
TRONG ĐÓ, BỐN (04) CỨ LIỆU 1, 2, 5 & 6 LÀ CĂN BẢN
  

_________________________

(1) Nguyên văn lá thư được viết với ngôn từ ngoại giao, tôn giáo vận (gọi bác sĩ Vũ Đình Tụng bằng “ngài”…). Tôi nhấn mạnh câu cần lưu ý:

Gửi bác sĩ Vũ Ðình Tụng,

Thưa ngài,

Tôi được báo cáo rằng: Con giai ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ Quốc.

Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột.

Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ Quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam.

Họ là con thảo của Ðức Chúa, họ đã thực hiện cái khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ Quốc. Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Ðồng bào và Tổ Quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ.

Ngài đã đem món của quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ Quốc. Từ đây chắc ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng.

Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn ngài, và gửi ngài lời chào thân ái và quyết thắng.

Tháng 1 năm 1947
Hồ Chí Minh

Nguồn: http : // hodovietnam . vn / index. php? option= com_ content & task= view&id= 474& Ite mid= 30 & các nguồn khác: Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Lãnh đạo – net, Tuổi Trẻ online…
http: // fpe. hnue .edu. vn / index. php? Showpost = 1190
http : // lanhdao. net / vn/ hautruong / chinhkhachvn / 120707 / index. aspx

(2) Nguồn: tác giả Mai Hiên, bài “Lịch sử và huyền thoại mộ bà Hoàng Thị Loan”, báo Vĩnh Phúc, 07:41:13, 15/05/2008.
http : // baovinhphuc . com . vn / front-end / index. Php ?type= ARTICLE & fuseaction = DISPLAY_ SINGLE_ ARTICLE & article_ id= 6790& website_id =1&channe l_id= 401 & parent_ channel _id= 412 & hide_ channel =0
Đại Nam nhất thống chí, bản dịch, tập 2, Nxb. Thuận Hóa, 1992, tr. 156 và 158 xác định: núi Hùng Lĩnh chính là nơi có vệ Vạn An, còn dấu vết lũy cũ của Mai Hắc Đế và miếu thờ ông, và rào Gang (Găng?) được ghi là sông Cương; nên chắc chắn Hùng Lĩnh chính là núi Đụn. Cũng sách này, ghi rõ núi Hùng Sơn chính là núi Lam Thành hay còn có tên khác là núi Đồng Trụ, núi Tuyên Nghĩa, núi Nghĩa Liệt.

Đại Nam nhất thống chí, bản dịch, tập 2, Nxb. Thuận Hóa, 1992, tr.157:

Núi Đại Huệ: ở cách huyện Nam Đường [Nam Đàn – TXA. chua thêm] 54 dặm về phía đông, hình núi như quả chuông úp, trên đỉnh có động Thăng Thiên, trong động có chùa Đại Tuệ, bên tả có suối, bên hữu có giếng, sườn núi cây chè xanh tốt, hồ Nộn và sông Lam bao quanh, thuyền ghe xuôi ngược trong khoảng sáng sớm mù chiều, thật là một danh thắng trong tỉnh Nghệ An”.

Đại Nam nhất thống chí, bản dịch, tập 2, Nxb. Thuận Hóa, 1992, tr.165-166:

 “Gò Hồ: ở cách huyện Nam Đường [Nam Đàn – TXA. chua thêm] 56 dặm về phía đông, phía tây liền với các núi Kim Bồn và Xuân Lâm, phía nam liền với các núi Hùng Lĩnh [núi Đụn – TXA. chua thêm] và Vân Đồn, ngoài núi thì sông Lam làm hào tự nhiên; phía bắc liền với các núi Thanh Thủy, ngoài núi khe suối quanh co. Tấn quốc nhà Lê là Nguyễn Cảnh Hoan đóng quân ở đây để chống cự với tướng Mạc là Nguyễn Quyện, dấu vết lũy cũ vẫn còn.

Lưu ý 2 câu in đậm: “Núi Đại Huệ: ở cách huyện Nam Đường [Nam Đàn – TXA. chua thêm] 54 dặm về phía đông…” Gò Hồ: ở cách huyện Nam Đường [Nam Đàn – TXA. chua thêm] 56 dặm về phía đông…”. Như vậy, Núi Đại Huệ và Gò Hồ rất gần nhau (cách nhau 02 dặm ta, tức là 425 m x 02 = 850 m, chưa tới một cây số ngàn [01 km]) hoặc cùng thuộc một vùng. Liệu núi Đại Huệ và Gò Hồ đều thuộc xứ Ao Hồ chăng?

(3) Đào Duy Anh, “Từ điển Hán – Việt”, Nxb. KHXH. tái bản, 2001, tr. 105.

(4) Quốc sử quán triều Nguyễn, ĐNNTC., tập 2, bản dịch Phạm Trọng Điềm, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb. Thuận Hóa, 1992, tr. 171: Suối Vũ Nguyên: tuc gọi là khe Bò Đái, đổ xuống từ ngọn Cơ Sơn trong dãy núi Thiên Nhận [Nhẫn – TXA. chua thêm] thuộc huyện Thanh Chương, ở đây vách đá cheo leo hàng vài ba mươi trượng, rồi chảy vào sông Lam; dưới suối có vực; tiếng nước xối xuống nghe như tiếng sấm; ít lâu nay đất cát bồi lấp, vực thành bãi phẳng, không nghe tiếng suối nữa. Ngạn ngữ có câu:’Bò Đái thất thanh’ là thế”.

(5) Không thấy đề tên tác giả bài báo (Google search):

http : // www. Namdan .gov. vn / Chiti%E1 %BA %Bfttint %E1 %BB%A9 c/tabid /10852 /ArticleId/ 406 /tid/10841 /Default .aspx

(6) Trích nguyên văn từ “Đại Việt sử kí toàn thư”, bản in nội các quan bản (1697), bản dịch (3 tập), tập 1, Nxb. Văn hoá – Thông tin, 2003., tr. 269 (NK. [ngoại kỉ], q. [quyển] V, [tờ] 4b.

(7) Trích nguyên văn: Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam nhất thống chí”, tập 2, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb. Thuận Hoá, 1992, tr. 188 – 189.

(8) Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng: Cập nhật ngày 30/08/2006 lúc 11:20′ (GMT+7).

http : // www. sggp. org. vn / bandocdatcauhoi / 2006 / 8 / 59058 /

(9) Về câu sấm thứ 3, tham khảo thêm vào triều Thiệu Trị (chứ không phải triều Tự Đức): “Đại Nam thực lục”, kỉ III (Thiệu Trị), ghi nhận vào năm 1842: “Nghệ An có bão lớn (bão nổi từ canh 2 đêm, đến sáng rõ mới dứt). Nước biển dâng lên quá mức thường 13 – 14 thước [ta]. Có 40.753 hộ nhà cửa bị đổ nát, 696 chiếc thuyền buôn và thuyền đánh cá bị chìm đắm, 5.240 người dân bị chết bẹp hoặc chết đuối. Đặc biệt những dân ven biển ở các hạt Đông Thành, An Thành và Chân Lộc càng bị hại nhiều hơn (hạt An Thành có thôn hơn 300 người, chỉ còn sống hơn 10 người) (ĐNTL., kỉ III, tập sáu, bản dịch Viện Sử học, Nxb. Giáo Dục tái bản, 2007, tr. 397). Năm 1842 cũng là thời điểm thực dân Pháp bắt đầu gây hấn để thực hiện ý định xâm lược nước ta, mặc dù đến 1847 chúng mới nổ súng gây hấn, rồi 1858 mới thực sự đổ quân viễn chinh, tiến hành xâm lược.   

(10) Vô vị chân nhân: càn thỉ quyết = Chân-nhân-không-ngôi-thứ (bổn lai diện mục, Phật tính) que hay cọc còn dính phân khô. Đây là lời của thiền sư Lâm Tế, một trong các vị tổ của Thiền tông. Xem: Daisetz Teitaro Suzuki, “Thiền luận”, Trúc Thiên dịch, 3 quyền, quyển thượng, Nxb. TP.HCM., 1992, tr. 24.

Đây chỉ là một cách nói trong các công án thiền, lúc thiền sư gợi ý, truy vấn cho các thiền sinh giác ngộ, theo tôn chỉ “trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật”. Nếu ở bên ngoài văn cảnh và khung cảnh ấy, chắc hẳn là cách nói loạn ngôn, báng bổ. Nói chung, mỗi hình tượng, ngôn từ đều phải được hiểu trong một không-thời-gian và ngữ cảnh thuộc một văn bản cụ thể.

Trong tập thơ “Nhật ký trong tù”, Hồ Chí Minh cũng đã có lần gây “sốc” cho người đọc bằng thủ pháp nghệ thuật dung tục hóa: dung tục hóa khát vọng tự do, một giá trị thiêng liêng, cao quý nhất, để làm nổi rõ một mặt khác của tự do, ấy là tính cụ thể, bình thường, thậm chí là tầm thường, dơ bẩn nhưng vô cùng cần thiết: “đi đồng” (đi tiêu). Qua đó, Hồ Chí Minh cũng không tự thần thánh hóa mình:

Một hữu tự do, chân thống khổ
Xuất cung dã bị nhân chế tài
Khai lung chi thời đỗ bất thống
Đỗ thống chi thời lung bất khai
(Hạn chế)

Đau khổ chi bằng mất tự do
Đến buồn đi ỉa cũng không cho
Cửa tù khi mở không đau bụng
Đau bụng lại không mở cửa tù.
(Bị hạn chế –  Nam Trân dịch


(11) Anh chị ruột của Bác Hồ (bà Nguyễn Thị Thanh, ông Nguyễn Sinh Khiêm) cũng không có chồng, có vợ và con cháu ruột. Đó là sự thật tuyệt đối đến mức 100%. Theo suy luận của tôi, chắc hẳn hai người này cũng là thánh nhân thuần khiết bẩm sinh. Đây là một chứng cứ bổ trợ để chứng minh cho thể trạng thánh nhân thuần khiết bẩm sinh của Bác Hồ. Ở đây, tôi cũng chỉ nhấn mạnh đến yếu tố gien thể chất, không đề cập đến tác nhân môi trường xã hội trong việc hình thành tính cách, tư tưởng.

TXA.
_____________________

Phụ đính
MỘT ÍT THÔNG TIN ĐỂ XÁC ĐỊNH VỊ TRÍ ĐỊA LÍ CỦA NÚI ĐỤN, KHE BÒ ĐÁI
& NÚI LAM THÀNH
(ĐỐI CHIẾU VỚI 3 BẢN ĐỒ)

“… Núi Đụn nằm trong phạm vi 2 xã Đông Liệt (nay là xã Nam Thái) và Khả Lãm (nay là xã Nam Thượng), ở phía tây – bắc huyện, cạnh đường quốc lộ 46 Vinh – Đô lương, cách huyện lỵ Nam Đàn khoảng 3 km. Núi cao khoảng 300m, sườn núi dốc thoai thoải, cây cối xưa kia nhiều, nay không còn mấy. Núi có rào Gang vòng ở phía Bắc và sông Lam vòng ở phía Nam…”.
“… Khe Bò Đái, còn gọi là khe Ồ Ồ, hay suối Võ Nguyên chảy từ vách đá dựng đứng ở rú Kia (Cơ Sơn) ở làng Chi Cơ (kẻ Kia) thuộc xã Võ Nguyên xuống trên một chiều dài vài chục trượng, rộng trên vài chục thước ta, nước chảy từ trên núi dốc xuống đất, tung tóe trắng xóa, trông giống con bò cái đang đái, tiếng khe chảy ồ ồ, ngoài mươi dặm còn nghe thấy. Ngày nay khe Bò Đái vẫn còn chảy, nhưng tiếng không còn vang vọng ra xa nữa; tiếng vang vọng mất đi từ khi núi Đụn nứt đôi, hình thành một cái vực thẳm ở giữa…”.
(“Lời sấm đất Nam Đàn”, Trang thông tin huyện Nam Đàn, Nghệ An)


Bản đồ huyện Nam Đàn, Nghệ An
Nguồn ảnh: Tuổi Trẻ trực tuyến

“… Trở về với Nam Đàn yêu thương, theo núi Đụn, dòng Lam, ta sẽ về với Nam Thượng, đây là một xã còn nhiều khó khăn vất vả của huyện Nam Đàn. Trước kia xã chia làm hai thôn, đó là thôn Chi Cơ có tên Nôm là Kẻ Kia thuộc xã Võ Nguyên (nay là HTX. Đại Đồng) với 340 hộ, 1800 khẩu và thôn Khả Lãm thuộc xã Hương Lãm, tổng Xuân Liễu (nay là HTX. Hùng Sơn) với số hộ là 145, 750 khẩu. Hai thôn ở ven bờ sông Lam, đối diện qua suối Vũ Nguyên, tục gọi là khe Bò Đái. Tuy đất không rộng, người không đông (cả xã có 535 hộ, 2600 nhân khẩu), mặc dù còn nhiều khó khăn song Nam Thượng luôn tự hào với truyền thống hiếu học, giàu nghĩa khí, trọng nghĩa nhân…”.
“… do dòng sông ngăn cách nên trường phải học ở hai phân hiệu Đại Đồng và Hùng Sơn…”.
(Đinh Xuân Khang
http : // giaoan. violet. vn / uploads / resources / 508 / 108448 / preview. swf
Trích báo cáo truyền thống “Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Trường PTCS. Nam Thượng [9-1947 – 9-2007] và khánh thành trường cao tầng”)

 
Bản đồ huyện Hưng Nguyên, Nghệ An


Nguồn ảnh: Du lịch đất Nghệ trực tuyến

Núi Lam Thành (còn gọi là núi Hùng Sơn, núi Nghĩa Liệt, Đồng Trụ Sơn) thuộc địa phận hai xã Hưng Phú và Hưng Lam (Hưng Nguyên, Nghệ An), nhân dân địa phương thường gọi rú Thành – là ngọn núi cao nằm sát bên bờ sông Lam. Trước đây trên núi có nhiều cây xanh, động thực vật sinh sống. Dưới chân núi là xóm làng trù phú, đồng ruộng màu mỡ. Tất cả hoà quyện vào nhau như một bức tranh thuỷ mặc.  
(Linh Nga, “Di tích núi Lam Thành…”, Trang thông tin điện tử TP.Vinh, 22/11/2008 
http : // www. vinhcity. gov. vn / news / ?url = detail &id = 11267 & language = 1 )

THAM KHẢO THÊM: XỨ AO HỒ [GÒ HỒ (?)]
 “… Có một điều ngẫu nhiên đã diễn ra trong lịch sử là tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1942) khi hài cốt bà Hoàng Thị Loan được đưa lên cát táng trên núi Động Tranh thấp thuộc dãy núi Đại Huệ ở xã Hữu Biệt (nay là Nam Giang) huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, thì tháng 8 năm 1942, ông già Thu ở căn cứ cách mạng, tỉnh Cao Bằng lần đầu tiên lấy tên là Hồ Chí Minh rồi đi sang Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng cách mạng của người Việt Nam và lực lượng của đồng minh. Và từ đó Hồ Chí Minh là biểu tượng vô cùng cao đẹp, là lãnh tụ tối cao và anh linh của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất tổ quốc, xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do, dân chủ, văn minh, cường thịnh…”.
(Trần Minh Siêu, “Huyền thoại huyệt đạo bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh”, (Chương II), Nhà xuất bản Nghệ An, 2003). Google search.
 “… Tháng 8/1941, Nguyễn Sinh Khiêm thoát khỏi nhà tù đế quốc đã đi khắp các dãy núi thuộc hai huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên tìm nơi cát táng mẹ. Cuối cùng ông quyết định chọn mỏm núi Động Tranh thấp là nơi hội tụ đủ các tiêu chí về linh địa làm huyệt đạo. Tháng 3/1942, ông dẫn hai người cháu thân tín lên sườn núi Động Tranh thấp đào 9 cái huyệt ở những nơi ông đã đánh dấu. Ông dặn là khi đào xuống gặp phải hòn đá lớn thì dừng lại. Một đêm khuya ông bí mật mang hài cốt mẹ từ vườn nhà làng Sen đến Động Tranh thấp thắp hương khấn vái xin phép thổ thần xứ Ao Hồ rồi đặt hài cốt mẹ vào một cái huyệt và lấp lại. Sau đó ông tiếp tục lấp bằng phẳng số huyệt đã đào. Vì vậy mọi người, kể cả hai người cháu thân tín cũng không biết ông táng mẹ ở đâu…”.
(Mai Hiên, bài đã dẫn, báo điện tử Vĩnh Phúc)

  
Vị trí huyện Nam Đàn: số 6, huyện Hưng Nguyên: số 7
Nguồn ảnh: Web Yeu-xu-nghe — Google search

Lưu ý: Về địa danh và địa giới, qua nhiều thời kì, có ít nhiều thay đổi và không cố định. Dẫu sao những tư liệu về địa lí trên đây (chuẩn xác và chưa được chuẩn xác) cũng cho chúng ta một ý niệm tương đối để hình dung. BÀI VIẾT NÀY KHÔNG ĐI SÂU VÀO LĨNH VỰC ĐỊA LÍ.

TP.HCM., ngày 18 — 22 — 25-02 HB9 ( 2009 ) — Trần Xuân An.

24 — 25-02 HB9 ( 2009 )



12 phản hồi to “Thực trạng độc thân của Bác Hồ”


  1. txawriter đã nói

    BỔ SUNG (25-02 HB9 [ 2009 ]):
    Lo ngại rằng, sẽ có một số độc giả bất bình, thậm chí phẫn nộ, do mâu thuẫn văn hóa trong tâm lí tiếp nhận, bởi tính chất khốc liệt trong việc giải mã nhãn từ “Bò Đái” (*), tôi bổ sung thêm một bài thơ của chính nhà thơ Hồ Chí Minh:
    Trong tập thơ “Nhật ký trong tù”, Hồ Chí Minh cũng đã có lần gây “sốc” cho người đọc bằng thủ pháp nghệ thuật dung tục hóa: dung tục hóa khát vọng tự do, một giá trị thiêng liêng, cao quý nhất, để làm nổi rõ một mặt khác của tự do, ấy là tính cụ thể, bình thường, thậm chí là tầm thường, dơ bẩn nhưng vô cùng cần thiết: “đi đại tiện” (đi tiêu) ” 出 恭 ” (“đi rón rén”) [từ lệch nghĩa]. Qua đó, Hồ Chí Minh cũng không tự thần thánh hóa mình:
    限 制
    沒 有 自 由 真 痛 苦
    出 恭 也 被 人 制 裁
    開 籠 之 時 肚 不 痛
    肚 痛 之 時 籠 不 開
    (Tư liệu Hán – Nôm – Từ điển trực tuyến Việt – Hán – Nôm: NKTT., bài 116
    http : // sager – pc . cs . nyu . edu / ~ huesoft / tulieu / ntnk . htm )
    Hạn chế
    Một hữu tự do, chân thống khổ
    “Xuất cung” dã bị nhân chế tài
    Khai lung chi thời đỗ bất thống
    Đỗ thống chi thời lung bất khai

    Bị giới hạn, ngăn cấm
    Mất tự do vốn có, khổ đau thật sự
    “Đi một cách cung kính” [:“đi rón rén”] mà cũng bị người ta ngăn cấm
    Mở lồng [:lao tù], ấy lúc bụng không đau
    Đau bụng, ấy khi lao tù không mở
    (WebTgTXA. tạm dịch nghĩa)
    Bị hạn chế
    Đau khổ chi bằng mất tự do
    Đến buồn đi ỉa cũng không cho
    Cửa tù khi mở không đau bụng
    Đau bụng lại không mở cửa tù.

    (Nam Trân dịch vần)
    Chắc chắn bản dịch của nhà thơ Nam Trân đã được chính tác giả Hồ Chí Minh đọc duyệt. Bản dịch này đã được đưa vào chương trình ngữ văn các trường phổ thông và đại học từ thuở sinh thời Bác Hồ đến nay.
    Và không chỉ một lần, nhà thơ Hồ Chí Minh còn gây “sốc” ở một bài khác, khi Người sử dụng thủ pháp tả thực, tự nhiên chủ nghĩa kết hợp với biểu tượng hóa, có ý nghĩa khái quát cao: “Ngồi trên hố xí đợi ban mai” (Xí khanh thượng toạ đãi triều [:triêu] lai” 廁 坑 上 坐 待 朝 來 “Ngồi trên hố xí đợi hừng đông đến” [bài 34: “Sơ đáo Thiên Bảo ngục”, nguồn bản chữ Hán: tlđd.; dịch vần: Nguyễn Huệ Chi]).
    17:20, 25-02 HB9 & 26-02 HB9
    ______________________________
    (*) 27-02 HB9: Nhắc lại tổng thể hình tượng bài sấm kí: Nhãn từ chứa đựng ẩn dụ “Bò Đái” trong cụm hình tượng miêu tả những hiện tượng thiên nhiên dữ dội như động đất, núi Đụn nứt hai, suối thác Vũ Nguyên tắt tiếng, lũ lụt dâng lên đến rú Thành dẫn đến sự đản sanh thánh nhân trong bài sấm kí “Nam Đàn sanh Thánh”. Tổng thể cụm hình tượng khiến chúng ta không thể giải mã nếu không vận dụng hình tượng Thần Shiva (hiện thân là Bò thần Nandin). Đó là Vị Thần Hủy diệt và Sáng tạo, biểu tượng của Trời — Đất, nguyên khí vũ trụ âm [-] — dương [+]. Chính vị thần Shiva này đã đản sanh ra thánh nhân. Tôi không đồng nhất Thần Shiva với thánh nhân Hồ Chí Minh và anh chị ruột của Người.
    Trong bài viết, tôi cũng đã xem những hiện tượng thiên nhiên dữ dội kể trên như các ẩn dụ về lịch sử.
    Như vậy, bài sấm kí đã giải thích, tiên đoán về sự vận động, chuyển biến của địa lí và lịch sử bằng động lực siêu nhiên, thần bí và nhãn quan duy tâm, huyền học, tôn giáo Bà La Môn (tiền thân của Hindu).
    Cố nhiên sấm kí không thuộc lĩnh vực nào khác ngoài huyền học!
    Dẫu thế, trong bài viết, tôi cũng đã bày tỏ là không tin tưởng vào những yếu tố thần bí của sấm kí, mà chỉ thu nhặt lấy cái lõi ghi nhận hiện thực — lịch sử từ cuối thế kỉ XVII đến cuối thế kỉ XIX và Hồ Chí Minh (thánh nhân thuần khiết bẩm sinh) — chứa đựng trong chúng.
    Bài sấm kí này cùng một câu theo thuyết phong thủy trong bài viết là hai tư liệu không căn bản, lại quá phức tạp, nhưng cũng khá cần thiết. Vì tính chất phức tạp của chúng, tôi phải phân tích, rút tỉa lượng thông tin, nên những câu chữ viết về chúng chiếm một tỉ lệ đáng kể. Do đó, nếu không lưu ý khi đọc (bảng liệt kê màu vàng), chúng ta sẽ dễ bị lệch trọng tâm chủ đề.
    Trần Xuân An

  2. txawriter đã nói

    LỜI THƯA CUỐI MỘT BÀI VIẾT
    Bài này được khởi viết trong sự bức xúc của công luận về cuốn “Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh” và tiểu thuyết “Đỉnh cao chói lọi” (Dương Thu Hương) cùng những thông tin tuyên truyền có tính chất quảng cáo về hai cuốn sách ấy.
    Bài viết trên đây được khởi công và hình thành từ ngày 02-12 HB8 ( 2008 ) đến hôm nay, 26-02 HB9 ( 2009 ). Trong đó, ngày tôi bắt đầu viết thành bài hẳn hoi như trên, chỉ mới từ hôm 10-02 HB9. Và 16 ngày qua, bài viết đã được chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần. Tuy vậy, nội dung bài viết vẫn nhất quán.
    Bài viết đã được gửi đến các tạp chí điện tử: BBCVietnamese, Chim Việt Cành Nam; các trang thông tin điện tử: Trúc Sơn Trang (nhà văn Xuân Đức), Phong Điệp, Lê Thiếu Nhơn, Lề Bên Trái (nhà văn Đào Hiếu), Ngô Hữu Đoàn; cùng các nhà văn, nhà giáo, các tác giả quen thân khác: nhà văn Trần Thanh Giao, nhà giáo Ngô Vưu, nhà nhiếp ảnh Phạm Bá Thịnh, nhà văn Nguyễn Bội Nhiên, tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Ba, TS. Tôn Thất Dụng, PGS.TS. Hoàng Dũng, TS. Trần Hoàng, nhà giáo Lê Phước Sinh, nhà giáo Lê Thị Bác Nhã, thạc sĩ Lê Tiến Công, nhà văn Võ Nguyên (Võ Văn Tám), nhà giáo Nguyễn Chiến, nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ, nhà báo Lê Đức Dục, TS. Phan Văn Hoàng, nhà thơ Inrasara, nhà thơ Võ Văn Luyến, nhà thơ Võ Văn Hoa…
    Xin cảm ơn sự chia sẻ, đồng cảm, nhất trí và cả những ý kiến dè dặt. Tôi cũng cảm thấy buồn lòng trước sự im lặng, không bày tỏ chủ kiến.
    Trân trọng,
    Trần Xuân An
    26 & 27-02 HB9 ( 2009 )

  3. txawriter đã nói

    THƯ CỦA NGƯỜI ĐỌC TRẦN LIÊNG ( 27-02-”09 ):
    Kính gửi ông Trần Xuân An,
    Tôi có một thu hoạch như sau:
    Bài viết của ông đã đưa ra 2 hướng lí giải:
    1) Theo hướng duy tâm, thần bí (sấm kí, huyền học): “Nhưng điểm tật về chức năng một bộ phận cơ thể của nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh và anh chị ruột của Người chỉ minh định thể trạng hiền nhân thuần khiết bẩm sinh của họ, như nhân dân Nam Đàn, Nghệ An ca ngợi: “Nam Đàn sinh Thánh”. Hồ Chí Minh là thánh nhân cần thiết phải xuất hiện trong tình hình đấu tranh cận – hiện đại, đặc biệt là đấu tranh về tôn giáo, ý thức hệ, trước các thủ đoạn xuyên tạc, bôi nhọ ngày càng tinh vi, thâm độc” (trích từ bài trên).
    2) Theo hướng duy vật (đột biến gène sinh dục, di truyền học): “Anh chị ruột của Bác Hồ (bà Nguyễn Thị Thanh, ông Nguyễn Sinh Khiêm) cũng không có chồng, có vợ và con cháu ruột. Đó là sự thật tuyệt đối đến mức 100%. Theo suy luận của tôi [tức là tác giả TXA], chắc hẳn hai người này cũng là thánh nhân thuần khiết bẩm sinh. Đây là một chứng cứ bổ trợ để chứng minh cho thể trạng thánh nhân thuần khiết bẩm sinh của Bác Hồ. Ở đây, tôi cũng chỉ nhấn mạnh đến yếu tố gien thể chất, không đề cập đến tác nhân môi trường xã hội trong việc hình thành tính cách, tư tưởng” (trích từ bài trên). Đây là hiện tượng không phải xa lạ trong sinh học. Cho dù lí giải theo hướng khoa học, duy vật này, vẫn phải thừa nhận: Trong thực tế đấu tranh về tôn giáo, ý thức hệ, Bác Hồ vẫn là một nhân vật chính trị, nhân vật lịch sử không thể bị xuyên tạc, bôi nhọ về nhân cách, đạo đức, nhất là về lĩnh vực tình dục.
    Ông Trần Xuân An quý mến,
    Tôi nhận thấy cho dù trong xã hội hẳn còn tồn tại lâu dài 2 luồng lí giải như thế, thì Bác Hồ vẫn chỉ là một thánh nhân thuần khiết bẩm sinh hay là người chỉ có chút TẬT nhưng hoàn toàn không thể vướng TỘI (nói văn tắt là CÓ TẬT NHƯNG KHÔNG THỂ CÓ TỘI). Ông viết “cao siêu” quá, tôi chỉ nói ngắn gọn, giản dị thế thôi.
    Đó là điều tôi thu hoạch được từ bài viết của ông Trần Xuân An. Xin nhấn mạnh để chia sẻ với những bạn đọc khác.
    Cảm ơn ông An rất nhiều.
    Trần Liêng

  4. TXA. đã nói

    ÔNG TRẦN LIÊNG BỔ SUNG VÀO LÁ THƯ Ở KHUNG TRÊN:
    Đây là một điều khác tôi thu hoạch được ở bài khác của ông Trần Xuân An:
    “Chuyện phòng the, chăn gối, sinh thực khí hay nói chung là chuyện tình dục của nhân vật lịch sử, nếu không có gì vi phạm luật pháp và đạo lí từ xưa đến nay thì không nên cường điệu, phóng đại tầm mức quan trọng. Vả lại, bàn chuyện này cho thật rốt ráo cũng khó. Nguyên tắc chung vẫn phải có cơ sở: nhân chứng đi đôi với vật chứng được giám định khoa học thực nghiệm; mọi sự tố cáo mà không có nhân chứng đi đôi với vật chứng có giá trị pháp lí đều vi phạm pháp luật, người tố cáo chỉ là kẻ vu cáo, phải chịu án phạt do tòa án xét xử và tuyên án”.
    (TXA., “Ý NGHĨ VỀ DỰ KIẾN SỬA ĐỔI SÁCH GIÁO KHOA VĂN HỌC & SỬ HỌC”, txawriter.wordpress,
    comment-354).
    Tôi không rõ bà Dương Thu Hương đã có quốc tịch Pháp hay chưa, nhưng cho dù bà mang quốc tịch nào và hiện nay đang lưu vong ở hải ngoại, chắc hẳn vẫn có thể khởi kiện, đưa bà ấy ra trước tòa án: Truy tố về tội tố cáo nhân vật chính trị, nhân vật lịch sử không có bằng chứng mang tính pháp lí (nên rõ ràng là xuyên tạc, bôi nhọ). Thế giới không thể sống trong LUẬT RỪNG mãi. Ám sát, thủ tiêu cũng là hành xử theo luật rừng. Xuyên tạc, bôi nhọ cũng là kiểu viết sách báo theo luật rừng.
    Không những đối với nhân vật chính trị, nhân vật lịch sử, mà đối với mọi công dân, đều phải được pháp luật mỗi nước và công pháp quốc tế bảo vệ.
    LOÀI NGƯỜI MÃI SỐNG TRONG LUẬT RỪNG HAY SAO?
    Trần Liêng

  5. txawriter đã nói

    Kính gửi ông Trần Liêng,
    Đơn giản như thế mà chúng ta bàn bạc quá tốn phí thời gian, công sức.
    Thành thật cảm ơn ông Trần Liêng.
    NHÂN ĐÂY, XIN GỬI LỜI THƯA CHUNG:
    VẤN ĐỀ ĐÃ RÕ, WEBTGTXA. XIN ĐƯỢC ĐÓNG LẠI ĐỀ MỤC NÀY.
    THÀNH THẬT CẢM ƠN QUÝ NGƯỜI ĐỌC.
    01-03 HB9

  6. txa đã nói

    GOOGLE LƯU TRỮ:
    GOOGLE LƯU TRỮ — bấm vào đây
    http : // 209 . 85 . 175 . 132 / search?q=cache:sNLEk9tVsEsJ:txawriter.wordpress.com/2009/02/24/thuctrangdocthan-bacho/+%22Th%E1%BB%B1c+tr%E1%BA%A1ng+%C4%91%E1%BB%99c+th%C3%A2n%22+%22H%E1%BB%93+Ch%C3%AD+Minh%22&hl=vi&ct=clnk&cd=1&gl=vn
    THƯ NGÔ HỮU ĐOÀN:
    Vào 10:54 Ngày 03 tháng 3 năm 2009, Ngo Huu Doan:
    Kính tác giả – Nnc. Trần Xuân An
    Rất cảm ơn anh đã gởi cho em bài viết này, mặc dù anh vẫn nói nó không phải là bài ‘nghiên cứu’, nhưng em thấy nó là cái phát hiện mà anh đã tốn nhiều công nghiên cứu. Biết đâu đó là thật sự là những điềm báo trước về sự ra đời của con người tài ba lỗi lạc Hồ Chí Minh – Người đã có công to lớn giải phóng nô lệ cho dân tộc. Theo cái học, cái đọc quá ít ỏi của em, bài này nên được đăng ở một nơi trang trọng và có tính nghiên cứu hơn, vì nó như một phát hiện mới anh à.
    Cảm ơn anh lần nữa!
    NHĐ
    THƯ TRẦN XUÂN AN:
    13:46 Ngày 03 tháng 3 năm 2009, Tran Xuan An:
    Bạn Ngô Hữu Đoàn quý mến,
    Cảm ơn Ngô Hữu Đoàn.
    Đây là bài viết không có nhiều tư liệu, tư liệu có được lại “hóc” quá.
    Vì có những phát hiện mới, nên tôi mới gửi cho Đoàn để phổ biến rộng rãi, mặc dù nó cũng được đăng rồi, 3 phân đoạn cùng ý tứ trên Tạp chí điện tử CHIM VIỆT CÀNH NAM, tháng 01 HB9, và trọn bài mới viết lại, trên Tạp chí điện tử SÁCH HIẾM, hôm kia, ngày 01-3 HB9, hình như vậy…
    Quý mến,
    TXA.

  7. txawriter đã nói

    THƯ CỦA NGƯỜI ĐỌC ĐỖ THÚY:
    Bai viet ve Ho Chi Minh
    Thứ Tư, 4 tháng 3, 2009 08:16
    Người gửi:
    Người gửi này đã có xác minh DomainKey
    “Do Thuy”
    Thêm người gửi vào Danh bạ
    Gửi:
    tranxuanan.writer@gmail.com, tranxuanan_vn@yahoo.com
    từ Do Thuy
    tới tranxuanan.writer@gmail.com,
    tranxuanan_vn@yahoo.com
    ngày 23:16 Ngày 04 tháng 3 năm 2009
    chủ đề Bai viet ve Ho Chi Minh
    được gửi bởi gmail.com
    Xin chào anh An
    Tôi mới đọc bài viết của anh đăng trên mạng sachhiem.net và muốn chia sẻ với anh một vài suy nghĩ xung quanh những thông tin gần đây về Hồ Chí Minh.
    Nói thật với anh, tôi cũng đã đọc nhiều tài liệu, hầu hết là từ hải ngoại, nói về những chuyện liên quan đến đời tư của Hồ Chủ tịch. Nhưng gần đây, lần đầu tiên tôi đọc về điều này từ một người được nuôi lớn lên và trưởng thành dưới chế độ này, đó là cuốn hồi ký của Nguyễn Đăng Mạnh (NĐM). Tìm hiểu thêm về tác giả, tôi mới biết ông đã từng viết nhiều sách giáo khoa, nghiên cứu về văn học Việt Nam, một điều làm tôi rất bất ngờ, rồi tôi đã hiểu tại sao học sinh ngày càng không thích học văn. Có thể nhận xét ngắn gọn về con người NĐM là “hợm hĩnh và vô trách nhiệm”. Hầu hết các tên tuổi lớn trong nền văn học Việt Nam đều bị ông chê bai, đầu tiên là đời tư, sau đó là kiến thức, rồi suy ra đến văn của họ. Một điều quan trọng hơn cả là những thông tin mà ông đưa ra để nói xấu người khác đều là qua miệng người khác, hoặc ông gắn nó vào mồm một ai đó. Đó không thể là tác phong làm việc của một nhà nghiên cứu, một nhà khoa học. Sau khi đọc xong cuốn hồi kí, tôi không thể không có ý nghĩ rằng phải chăng NDM sợ mình không được nổi tiếng bằng những người cùng thời và cả đàn em của ông, nên ông phải viết cái gì đó, cố để gây tiếng vang, kẻo mai chết đi sẽ không có ai nhớ đến những cuốn sách nhàn nhạt kia của ông. Cái này cũng giống như một cô gái mới lớn tuy gái nhưng lại muốn nổi tiếng bèn tung tin rằng đã ngủ với nhân vật này nhân vật kia, mượn mồm người nổi tiếng này chửi người nổi tiếng kia.
    Còn về Dương Thu Hương và cuốn “Đỉnh cao chói lọi”, tôi nghĩ cũng vậy thôi. Tất cả những điều mà DTH viết cũng chỉ toàn chuyện nghe lại từ ai đó, rồi kể lại bằng cái giọng đanh đá, chua ngoa nhất có thể. Chẳng hạn, DTH viết rất tệ về Trần Quốc Hoàn. Trong khi đó, tôi được biết vị bộ trưởng này là do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn. Cụ Hồ không thể dùng một người vô đạo đức như DTH đã vẽ ra, hoặc nghe lại từ đâu đó. Tóm lại, giống như Nguyễn Đăng Mạnh, Dương Thu Hương cũng không vượt qua được cái bản ngã [tự ngã? – ct.] của mình, vẫn luẩn quẩn trong cái ước muốn được nổi tiếng của mấy cô cậu choai choai.
    Vì vậy, sẽ là phí lời nếu bàn thêm về hai người này.
    Quay lại những câu chuyện về đời tư của Hồ Chí Minh, tôi có suy nghĩ thế này: Liệu những gì mà Hồ Chí Minh đã làm cho đất nước này (cả khi sống lẫn khi đã mất) quan trọng hơn hay chuyện Người có vợ hay không có vợ quan trọng hơn. Và nếu (chỉ là nếu) Người đã từng có vợ, hay người yêu, và rồi vì muốn cống hiến trọn đời cho đất nước mà chuyện hôn nhân không vẹn toàn, thì bất kỳ ai, nếu còn một chút tình người, cũng phải nên coi đó là một hy sinh lớn của Người.
    Đôi lời tâm sự cùng anh, rất mong được hồi âm.
    Đỗ Thúy
    THƯ CỦA NGƯỜI CẦM BÚT TRẦN XUÂN AN:
    Kính gửi quý người đọc Đỗ Thúy ( dongocthuy@gmail.com )
    Chắc hẳn quý người đọc Đỗ Thúy đã quá thông cảm đối với tình trạng im lặng, không bày tỏ chủ kiến hoặc chỉ phát biểu đôi dòng, một vài bài báo ngắn để đối phó theo kiểu “chiếu lệ”, qua loa, tránh đề cập trực tiếp, rõ nét về “Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh” và tiểu thuyết “Đỉnh cao chói lọi” (của Dương Thu Hương), nhất là vấn đề đời tư của nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh, theo cách căn cứ vào “cáo trạng” (!) của hai tác giả này để phản biện.
    Quan trọng nhất là vấn đề đời tư nhân vật có tầm vóc chính trị và ảnh hưởng lớn trong thế kỉ XX. Tại sao tình hình chung là im lặng, “chiếu lệ”, qua loa?
    Thứ nhất, đại đa số người ta không rõ.
    Thứ hai, hầu hết người ta chờ thông báo chính thức của giới cấp có thẩm quyền cao nhất về chính trị và sử học.
    Thứ ba, về phía chính quyền, báo chí, giới bảo vệ pháp luật và quyền lợi công dân, người ta không muốn rơi vào quỷ kế của thế lực thù địch, vì cãi lại điều chúng bôi nhọ, xuyên tạc là mắc mưu chúng. Ở trường hợp khác với trường hợp nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh, thường là khó lòng chứng minh trước những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ. Vì thế, người ta chỉ có thể vận dụng pháp luật để truy tố về tội đưa ra “cáo trạng” (!) mà không có bằng chứng, nhân chứng có giá trị và tư cách pháp lí. Pháp luật quy định rõ: những cáo trạng kiểu ấy chỉ là vu cáo mà thôi.
    Thứ tư, đối với giới trí thức, người có quan tâm đến chính trị, sử học, người ta ít nhiều đều biết và biết khá rõ, có tư liệu, có suy luận trên cơ sở tư liệu hẳn hoi, nhưng không muốn chuốc họa vào thân. Nói đúng sự thật, theo nhận thức của mỗi người, cho dù theo hướng ca ngợi hay dung tục hóa, đều có thể dẫn đến nguy cơ chuốc họa ấy. Họa có thể đến từ nhiều phía, từ chính quyền trong nước nhưng cũng có thể từ các thế lực chống chế độ trong và ngoài nước.
    Tôi cũng vậy thôi, thuộc trường hơp thứ tư, nếu báo chí chính thống trong nước không đề cập đến. Thoạt đầu, tôi trực nhận và phỏng đoán thêm, hẳn đã đến lúc sự thật về đời tư Hồ Chí Minh được báo chí chính thống nói rõ, cụ thể, chi tiết. Như thế, tôi không muốn “chiếu lệ”, qua loa hoặc im lặng. Về giới cầm bút (và một người cầm cọ), tôi đã viết 3 bài ngắn, liên hoàn nhằm đưa ra chủ kiến của tôi (đã đăng trên tạp chí điện tử Chim Việt Cành Nam) (1). Nhưng cái chính vẫn là về Hồ Chí Minh. Về khía cạnh quan trọng này, tôi viết, có lẽ với động cơ chính là bởi tôi vốn thích dân chủ trong sử học, không muốn khía cạnh nào đó thuộc sử học cứ mãi bị chìm khuất đến nỗi sai lạc về sau, khi hạn giải mật đã vượt qua quá lâu. Trong đó, tôi cũng đã mạnh dạn viết một cách ngắn gọn nhưng rất cụ thể về đời tư nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh (triển khai từ một chi tiết trong một tiểu thuyết, “Mùa hè bên sông”, tôi đã viết cách đây 12 năm). Quý người đọc Đỗ Thúy có thể tìm đọc.
    Bài mới đây nhất, tôi xoáy sâu vào vấn đề tôi cho là quan trọng nhất, như tôi vừa xác định ở dòng chữ trên, đã đăng trên tạp chí điện tử Sách Hiếm, và quý người đọc Đỗ Thúy cũng đọc rồi.
    Tôi tự biết giới hạn của mình, nhất là về tư liệu, trong những trang viết vừa nói đến. Thực tâm, tôi cũng muốn xới vấn đề lên để đọc được những thông tin từ những nguồn tin đáng tin cậy nhất với đầy đủ sử liệu có giá trị. Nhưng đến lúc này, sau năm ba tháng, từ khi “Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh” và tiểu thuyết “Đỉnh cao chói lọi” (của Dương Thu Hương) công bố, cảnh tượng sự-thật-được-công-bố như trực nhận và phỏng đoán thoạt đầu, vẫn chưa diễn ra: Chưa có bài viết nào bàn cụ thể trên báo chí chính thống, chưa có thông báo chính thức nào của giới cấp có thẩm quyền cao nhất về chính trị và sử học.
    Có lẽ tôi đã bị “hố”, hụt hẫng chăng?
    Ở thư trả lời này, cho phép tôi không bàn đến vấn đề nào khác ngoài vấn đề đời tư Hồ Chí Minh bằng cách đi sâu vào điểm mà quý người đọc Đỗ Thúy đã đưa ra cuối thư gửi cho tôi.
    Quý người đọc Đỗ Thúy viết: “Quay lại những câu chuyện về đời tư của Hồ Chí Minh, tôi có suy nghĩ thế này: Liệu những gì mà Hồ Chí Minh đã làm cho đất nước này (cả khi sống lẫn khi đã mất) quan trọng hơn hay chuyện Người có vợ hay không có vợ quan trọng hơn. Và nếu (chỉ là nếu) Người đã từng có vợ, hay người yêu, và rồi vì muốn cống hiến trọn đời cho đất nước mà chuyện hôn nhân không vẹn toàn, thì bất kỳ ai, nếu còn một chút tình người, cũng phải nên coi đó là một hy sinh lớn của Người”.
    Thật ra, ý nhỏ thứ nhất trong đoạn thư cuối vừa trích lại, tôi đã khẳng định rồi: “Đánh giá một con người, căn cứ vào mức độ cống hiến của người ấy cho dân tộc và nhân loại, chứ không phải căn cứ vào sự bình thường hay không bình thường của bộ phận nào đó trong cơ thể”, có vợ hay không có vợ. Tôi đã đẫn chứng: Lý Thường Kiệt, Lê Văn Duyệt và Trịnh Công Sơn. Tôi cũng đã nhấn mạnh, nhân cách chính trị, nhân cách văn hóa, nhân cách sinh hoạt, ứng xử trong đời thật của Hồ Chí Minh là không thể xuyên tạc, bôi nhọ vì mọi người dân và toàn thế giới đã biết rõ.
    Về ý thứ hai của quý người đọc Đỗ Thúy trong đoạn thư vừa trích, tôi và rất nhiều người khác đã được đọc trên sách báo và cũng đã tiếp xúc với nhiều người có hoàn cảnh đời tư tương tự như vậy. Tâm lí của mọi người Việt Nam từ xưa đến nay, theo bảng giá trị văn hóa nghìn đời của dân tộc, đều ngợi ca những con người vì nước, vì dân, quên thân mình, quên gia đình, vợ con hay chồng con. Có nhiều người cưới vợ, lấy chồng trong 10 phút, có tổ chức chứng kiến, xác nhận, sống với nhau trong mươi ngày, vài tháng, rồi họ bịn rịn chia tay, vợ ở quê nhà (có thể đã mang thai, tiếp đó là mấy mươi năm nuôi con, chờ chồng), chồng lao vào kháng chiến, hoặc mỗi người đảm trách một công tác khác nhau (con được gửi cho cơ sở kháng chiến hay ông bà nội ngoại), mãi cho đến tuổi 50 hoặc cuối đời mới gặp lại nhau. Những đôi vợ chồng đó xứng đáng được ca ngợi và bao nhiêu là sách báo đã ca ngợi. Nhưng ở nhân vật Hồ Chí Minh, Người lại không thuộc vào trường hợp tuyệt đẹp, đẹp nhất, tuyệt đối lí tưởng theo nhân sinh quan nho giáo, nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa như vậy. Người phải cam chịu theo số phận độc thân, mặc dù Người thành thật xem độc thân trọn đời là khuyết điểm thứ nhất trong đời Người. Đó là bất hạnh của Người. Đó cũng là bất hạnh của anh chị ruột của Người. Nhưng đó lại là cái may cho dân tộc và cả cho Người. Họ là những thánh nhân bẩm sinh. Về điều này, tôi đã viết: “Hồ Chí Minh là thánh nhân cần thiết phải xuất hiện [theo yêu cầu lịch sử -- ct.] trong tình hình đấu tranh cận – hiện đại, đặc biệt là đấu tranh về tôn giáo, ý thức hệ, trước các thủ đoạn xuyên tạc, bôi nhọ ngày càng tinh vi, thâm độc”. Câu ấy hiểu theo quan điểm duy tâm, huyền học hay duy vật lịch sử và xét theo trường hợp đột biến gien trong di truyền học cũng được. Trong thực tế, cho đến nay, năm thứ 9 của thế kỉ XXI, Hồ Chí Minh và anh chị ruột của Người vẫn không có một ai là con cháu ruột của họ cả. Nếu có, ai đó đã chính thức, công khai nhìn nhận và được chứng nhận theo thủ tục giám định khoa học thực nghiệm, thủ tục hành chính.
    Tôi nghĩ quý người đọc Đỗ Thúy vì quá kính yêu nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh nên đã đem ước muốn của mình gán vào Người mà thôi. Nếu Hồ Chí Minh thuộc vào trường hợp tuyệt đẹp, đẹp nhất (không thể có trường hợp đẹp hơn, cao cả hơn), tuyệt đối lí tưởng (không có trường hợp nào lí tưởng, cao quý hơn) về đời sống vợ chồng, con cái, theo nhân sinh quan nho giáo (thứ yếu), nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa (chủ yếu), như trên đã đơn cử, thì còn gì bằng. Nhưng sự thật lịch sử là không như vậy, về khía cạnh đời tư của anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh. Người ta thường nói, trong sử học, không có chữ “nếu”, mà chỉ có thể giả định như một thủ pháp hành văn để khẳng định sự thật đã diễn ra, không thể đem ý chí cá nhân hay tổ chức mà khiên cưỡng được.
    Tôi lặp lại, một lần nữa, như đã viết, đó là bất hạnh của Người, đó cũng là bất hạnh của anh chị ruột của Người, nhưng đó lại là cái may cho dân tộc và cả cho Người. Họ là những thánh nhân bẩm sinh. “Hồ Chí Minh là thánh nhân cần thiết phải xuất hiện [theo yêu cầu lịch sử -- ct.] trong tình hình đấu tranh cận – hiện đại, đặc biệt là đấu tranh về tôn giáo, ý thức hệ, trước các thủ đoạn xuyên tạc, bôi nhọ ngày càng tinh vi, thâm độc”. Những khía cạnh khác như về chính trị, các mặt đạo đức khác, kể cả trong sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ thường nhật, đã quá nhiều sách báo bàn đến, nhiều nhân chứng trong và ngoài nước chứng kiến, chúng ta có lẽ không cần phải khẳng định lại. Riêng về khía cạnh “không vợ con”, thánh nhân bẩm sinh này, có lẽ lịch sử sẽ tôn vinh Người, nhân dân thờ kính Người mà không gợn lên trong lòng một mảy may nghi ngờ nào hay có thể giả định một khả năng xấu nào về Người. Các nhân vật thánh thiêng trong tôn giáo như Đức Phật, Đức Mẹ, Khổng Tử… vẫn còn ẩn số tiêu cực, nếu tâm ai đó đôi khi tai quái “giả định” ra. Hồ Chí Minh không thể có ẩn số tiêu cực đó, vì Người là thánh nhân bẩm sinh.
    Chủ kiến của tôi về khía cạnh này hình thành từ những tư liệu tôi đã có được và đã tự thẩm định lại. Nhưng tôi tự biết mình không phải là người có đầy đủ tư liệu đến mức không ai có thể phản bác được.
    Chúng ta phải chờ đợi thông báo chính thức của giới cấp có thẩm quyền cao nhất về chính trị và sử học, đặc biệt là giới sử học, với đầy đủ tư liệu xác thực, kể cả nhân chứng đáng tin cậy nhất, trước khi họ qua đời… Tôi nghĩ các nhà chính trị có thẩm quyền cao nhất, dân chủ nhất, hẳn phải dành cho các nhà sử học quyền công khai và chính thức công bố về điều này, kể cả quyền họ được mời nhân chứng công khai viết, phát biểu. Chẳng lẽ giới sử học hiện nay không đủ quyền bằng các sử thần phong kiến sao!
    Xin đừng để lại một dấu hỏi về anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh, dù chỉ là dấu hỏi về đời tư ở khía cạnh sinh dục.
    Xin thành thật cảm ơn quý người đọc Đỗ Thúy.
    Trân trọng,
    Trần Xuân An
    8: — 11: ngày 05-3 HB9
    15: 00, có sửa chữa vài chữ.
    _____________________
    (1) Cũng có thể xem tại đây:
    http://tranxuanan.writer.googlepages.com/thongbao-update-12
    THƯỞNG NGOẠN, HỌC TẬP, NGHIÊN CỨU VĂN CHƯƠNG LÀ ĐỂ CÙNG NHÀ CẦM BÚT CHÂN CHÍNH VƯƠN TỚI CHÂN THIỆN MĨ VÀ CÙNG NHẮC NHAU LUÔN LUÔN NUÔI DƯỠNG KHÁT VỌNG VƯƠN TỚI ẤY. TRONG CHIỀU HƯỚNG ĐÓ, MỌI NGƯỜI ĐỀU CÓ THỂ MỖI NGÀY MỘT TIẾN GẦN ĐẾN CHÂN THIỆN MĨ HƠN.
    BẢN THÂN NHÀ CẦM BÚT KHÔNG PHẢI LÀ HIỆN THÂN CỦA CHÂN THIỆN MĨ.
    Trần Xuân An, 19-12 HB8
    KHOA HỌC TỰ NHIÊN & CÔNG NGHỆ LÀM GIÀU ĐẸP PHẦN XÁC (DÂN GIÀU NƯỚC MẠNH).
    KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN, ĐẶC BIỆT LÀ VĂN, SỬ, TRIẾT, GIÚP NÂNG CAO PHẦN HỒN (TÂM HỒN, TƯ TƯỞNG CỦA MỖI CÔNG DÂN VÀ CẢ DÂN TỘC).
    PHẢI HỌC VĂN, SỬ, TRIẾT ĐỂ GÓP PHẦN GIẢI QUYẾT NHỮNG VẤN NẠN CHIẾN TRANH, HẬU CHIẾN, HẬU THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC, TỰ GIẢI PHÓNG KHỎI BỆNH SÙNG NGOẠI, NÔ LỆ TƯ TƯỞNG NGOẠI LAI TỪ XƯA ĐẾN NAY, NHẤT LÀ TRƯỚC SỰ XÂM THỰC VĂN HÓA TRONG THỜI “HỘI NHẬP” ĐANG DIỄN RA.
    KHÔNG THÍCH VĂN, SỬ, TRIẾT HIỆN TẠI, LẠI CÀNG PHẢI HỌC ĐỂ ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO MỚI TRÊN CĂN BẢN TÔN TRỌNG SỰ THẬT LỊCH SỬ, PHÁT HUY NHỮNG GIÁ TRỊ THUẦN VIỆT VÀ VIỆT HÓA TRUYỀN THỐNG Ở TẦM CAO MỚI, ĐỒNG THỜI PHÊ PHÁN NHỮNG CÁI CŨ, LẠC HẬU, SUY ĐỒI, LAI CĂNG.
    THẬT KINH NGẠC, ĐÁNG SỢ BIẾT BAO KHI CÓ NHỮNG AI ĐÓ CHÈN ÉP HOẶC XÚI DẠI LỚP TRẺ XA LÁNH, BỎ BÊ VIỆC ĐỌC SÁCH, HỌC TẬP VĂN, SỬ, TRIẾT.
    WebTgTXA., 09-03 HB9

  8. txa đã nói

    Báo SGGP online:
    VĂN HÓA VĂN NGHỆ
    Hướng vào những vấn đề hệ trọng của văn học nghệ thuật
    Thứ năm, 05/03/2009, 01:14 (GMT+7)
    Trích phát biểu của đồng chí TÔ HUY RỨA (ảnh) tại Kỳ họp thứ V của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (nhiệm kỳ Đại hội X)
    http : // www . sggp . org . vn / vanhoavannghe / 2009 / 3 / 183018 /
    “… Về vấn đề triển khai cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, các đồng chí sẽ nghe và thảo luận để xây dựng kế hoạch thực hiện Thông báo Kết luận số 213 của Ban Bí thư về vấn đề quan trọng này. Lúc này, cùng với nhiệm vụ xây dựng, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, văn học, nghệ thuật đang là vấn đề bức xúc, nóng bỏng. Cần phê phán mạnh mẽ các khuynh hướng như: hạ bệ thần tượng, nói xấu chế độ và lãnh đạo của các thế lực thù địch và những người vô tình hay cố ý a dua, làm theo….”.
    Cũng có thể xem: Báo điện tử ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM:
    http : // www . cpv . org . vn / print _ preview . asp ?id = BT 430959441
    Ngày 4/3/2009. Cập nhật lúc 16h 33′
    “… Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy Viên Bộ Chính Trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã tới dự và có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo Hội nghị…” (như trên)
    0==0==0==0==0==0==0==0==0==0==0==0==0==0==0==0==0==0==0==0
    Tự viết châm ngôn cho bản thân:
    HẠ BỆ THẦN TƯỢNG (ANH HÙNG DÂN TỘC) LÀ U MÊ, VONG BẢN, PHẢN QUỐC.
    TUY NHIÊN, RẤT NÊN SƯU TẦM TƯ LIỆU, NGHIÊN CỨU, NHẰM CUNG CẤP CƠ SỞ KHOA HỌC CHO VIỆC TÔN VINH NHÂN VẬT LỊCH SỬ ĐÃ CÓ CÔNG VỚI DÂN, VỚI NƯỚC, CHỐNG NGOẠI XÂM VŨ TRANG, CHỐNG NGOẠI XÂM VĂN HÓA, VÀ ĐÃ TRỞ THÀNH ANH HÙNG DÂN TỘC, ĐỂ SỰ TÔN VINH ẤY KHÔNG PHẢI MÙ QUÁNG, CUỒNG TÍN.
    Trần Xuân An
    05:43, 07-03 HB9 ( 2009 )
    WEBTGTXA. DỨT KHOÁT ĐÓNG LẠI ĐỀ MỤC NÀY. NẾU CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG HỮU TRÁCH NHẬN THẤY CẦN PHẢI XÓA BỎ, XIN VUI LÒNG TRỰC TIẾP THÔNG BÁO CHÍNH THỨC, MINH BẠCH CHO TÔI RÕ. TÔI SẼ XÓA BỎ NGAY, KHÔNG CHẦN CHỪ.

  9. txawriter đã nói

    TRẢ LỜI ÔNG TRẦN LIÊNG VỀ LỜI GIỚI THIỆU TRÊN TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ “SÁCH HIẾM” (Theo thư hỏi ngày 07-03 HB9 [ 2009 ]):
    Nguyên văn “Lời giới thiệu” ấy như sau:
    “LTS: Tác giả Trần Xuân An thường biên soạn, khảo cứu, phản bác & tập hợp một số bài nghiên cứu, các bản phiên dịch của các nhà cầm bút khác. Ông nói, lập trường và quan điểm dân tộc thuần túy luôn luôn là phương châm của ông với ý thức rõ rệt trong các sáng tác hay biên khảo về bất cứ đề tài nào. Nhiều đề tài trong 30 đề tài đăng trong website của ông rất có tầm cỡ trong lãnh vực chính trị, lịch sử và học thuật. Mục đích của ông là sáng tạo một hệ tư tưởng mới, gạt bỏ những yếu tố ngoại lai, nhục quốc thể, khiến cả dân tộc đã hao tổn biết bao xương máu.
    Tác giả Trần Xuân An minh thị bài viết này để phản biện lại 2 cuốn sách của GS. Nguyễn Đăng Mạnh (“Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh”) và của nhà văn Dương Thu Hương (“Đỉnh cao chói lọi”). Nếu bạn đọc có ý kiến về bài viết này, xin gửi thẳng đến tác giả ở địa chỉ như đã ghi trên (SH [Sách Hiếm -- ct.])”.
    Kính gửi ông Trần Liêng quý mến,
    Tôi xin được trả lời như sau:
    I. Thật ra, tôi chỉ tập hợp thêm một số bài viết, bản phiên dịch của các nhà nghiên cứu khác trong 2 cuốn (và chỉ ở trong 2 cuốn này mà thôi): 1) Dạng đọc và bình chú ở cuốn “Nguyễn Văn Tường (1824-1886), một người trung nghĩa” (Nxb. Thanh Niên, 2006); 2) Dạng bản phiên dịch, dạng bài khảo luận nguyên văn, toàn văn nhưng có thêm chú thích, bị chú của tôi ở cuối bài hoặc có thêm bản dịch vần, bản biên dịch (bản dịch biên soạn) của tôi, sau mỗi bản dịch, ở cuốn “Thơ Nguyễn Văn Tường (1824-1886) – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng” (Nxb. Thanh Niên, 2008)…
    II. Lập trường và quan điểm dân tộc thuần túy của tôi không cực đoan, mà luôn luôn biết tiếp thu tinh hoa tất cả các nguồn văn hóa của nhân loại (chủ yếu là các giáo thuyết, học thuyết lớn). Tuy nhiên, điều tôi luôn tâm niệm là, tất cả tinh hoa nhân loại ấy phải được tiếp biến, Việt hóa. Mặc dù chúng ta vẫn ghi rõ xuất xứ của mỗi giá trị văn hóa, dân tộc chúng ta tiếp biến, Việt hóa, nhưng chúng cần được và phải được tiếp thu với ý thức loại bỏ bớt, sáng tạo thêm, Việt hóa thật nhuần nhị. Tôi muốn góp phần sáng tạo nên một hệ tư tưởng Việt Nam mới, trên căn bản chủ yếu là các giá trị truyền thống và hiện đại thuần Việt cùng những yếu tố Việt hóa mới ấy. Mục đích là để các thế hệ mai sau có thể tự hào về dân tộc Việt Nam, không phải mang mặc cảm tự ti về “bệnh sùng ngoại”, “bệnh bê nguyên xi”…
    III. Không kể những các tập thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn liên hoàn, tiểu sử biên niên, truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử v.v… (21 cuốn sách trước tháng 3-2005) và các bài báo nhỏ, mà chỉ kể những bài nghiên cứu, khảo luận công phu, thì cũng ngần ấy: Khoảng ba mươi (30) bài (hay quen gọi là 30 “đề tài”). Thật ra, tôi cũng chưa đếm lại. Xin xem tại đây: TOÀN BỘ TÁC PHẨM TRẦN XUÂN AN TRÊN GOOGLE PAGE CREATOR (21/24 tác phẩm sáng tác, biên soạn, nghiên cứu đã cố định):
    Bấm vào dòng chữ link-hóa này , hoặc:
    http://tranxuanan.writer.googlepages.com/danh_mtpham-tranxuanan
    Mọi lời ngắn gọn, cho dù hết sức trân trọng, của bất kì ai cũng đều có thể thiếu sót, không đầy đủ.
    Thành thật cảm ơn ông đã gửi thư thăm hỏi và nêu thắc mắc…
    Kính chúc ông luôn mạnh khỏe.
    Trân trọng,
    Kính thư,
    Trần Xuân An
    18:32, ngày 08-03 HB9 ( 2009 )
    ___________________________________________________
    12-03 HB9:
    Thư trả lời ông Trần Liêng đã được gửi Tạp chí điện tử Sách Hiếm qua Gmail, lúc 09:18, ngày 10 tháng 3 năm 2009 và qua Yahoo Mail, lúc 19:25 ngày 11 tháng 3 năm 2009, để được đăng tải, tránh những ngộ nhận đáng tiếc.
    15-3 HB9:
    Kính mời ông Trần Liêng và quý người đọc xem nguyên văn thư trả lời ( 08-3 HB9 ) trên Tạp chí điện tử Sách Hiếm:
    http://sachhiem.net/LICHSU/TranXuanAn_3.php
    hoặc:
    http://sachhiem.net/LICHSU/TranXuanAn.php

  10. txa đã nói

    Nhà văn Sơn Tùng: “Nếu không làm được phúc thì đừng gieo hoạ” (4/1/2009 11:01:24 AM) :
    http://hoinhavanvietnam.vn/News.Asp?Cat=28&SCat=&Id=1194
    Mây ôm núi núi ôm mây,
    Lòng sông sạch chẳng mảy may bụi hồng;
    Bùi ngùi dạo đỉnh Tây Phong,
    Trông về cố quốc chạnh lòng nhớ ai

    – (Bản dịch của T.Lan, một bút danh của Bác Hồ) –
    “… tôi muốn nhắc đến câu nói trứ danh của Nhà tư tưởng Pháp Jean-Jacques Rousseau từ thế kỷ XVIII: “Những tâm hồn thấp kém không thể hiểu được các bậc vĩ nhân. Cũng như những tên nô lệ chỉ biết nhe răng cười khi nghe hai tiếng Tự do”.”
    _________________________________________________
    Về “Đỉnh cao chói lọi” của Dương Thu Hương:
    Tiểu luận nguyên tác tiếng Pháp của Janine Gillon, do Cao Việt Dũng dịch ra tiếng Việt
    BBC Vietnamese, 10:07 GMT – Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2009
    “… quả thực câu chuyện nói về – thật là lớn lao! – mối quan hệ đam mê mà “Chủ tịch” (tên thật của ông ta không bao giờ được nói rõ, nhưng ngay cả độc giả thiếu hiểu biết cũng không vướng phải chút nghi ngờ nào) hẳn đã từng có với một người phụ nữ trẻ và xinh đẹp, trong những năm 50… [...] … trên thực tế điều này thuộc về một tập hợp những lời đồn đại mà tất cả những ai viết tiểu sử về Hồ Chí Minh đều đã nói đến từ rất lâu, đồng thời cũng nói rõ rằng không có một bằng chứng nghiêm túc nào cho phép khẳng định các tin đồn ấy…”.
    – Bà Janine Gillon, Phó giám đốc Trung tâm thông tin tư liệu Việt Nam (CIDVietnam) –
    =x=x=x=x=x=x=x=x=x=x=x=x=x=x=
    THỬ CÓ MỘT PHẢN HỒI NHỎ
    TXA.
    Sau khi đọc bài phỏng vấn nhà văn Sơn Tùng, “Nếu không được phúc thì đừng gieo họa” (phongdiep-net) (*), tôi cứ ngẫm nghĩ mãi về bài thơ “Tân xuất ngục, học đăng sơn”, bản dịch ra tiếng Việt với thể lục bát, được đề cập trong bài phỏng vấn ấy. Mặc dù chỉ biết cảm nhận, tra cứu thơ chữ Hán, chứ không rành chữ Hán (link [**]), tôi vẫn mở trang sách cũ, đọc lại:
    TÂN XUẤT NGỤC, HỌC ĐĂNG SƠN
    Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân
    Giang tâm như kính tĩnh vô trần
    Bồi hồi độc bộ Tây Phong lĩnh
    Dao vọng Nam thiên, ức cố nhân
    MỚI RA TÙ, TẬP LEO NÚI
    Mây ôm dãy núi, dãy núi ôm mây
    Lòng sông như tấm gương không chút bụi mờ
    Một mình ta dạo bước trên đỉnh núi Tây phong, trong dạ bồi hồi
    Nhìn về phía trời Nam xa xăm, nhớ người bạn cũ.
    MỚI RA TÙ, TẬP LEO NÚI
    Núi ấp ôm mây, mây ấp núi
    Lòng sông gương sáng bụi không mờ
    Bồi hồi dạo bước Tây Phong lĩnh
    Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa.

    (Thơ Bác Hồ, Nxb. Văn học giải phóng, 1975, tr. 47)
    新 出 獄 學 登 山
    雲 擁 重 山 山 擁 雲
    江 心 如 鏡 淨 無 塵
    徘 徊 獨 步 西 峰 嶺
    遙 望 南 天 憶 故 人
    ( http : // sager-pc. cs. Nyu. edu / ~huesoft / tulieu / ntnk. htm )
    Xin vô phép, mạo muội điều chỉnh lại bản dịch của T. Lan (HCM.) cho thật sát nghĩa và đúng tinh thần bài thơ:
    MỚI RA TÙ, TẬP LEO NÚI
    Mây ôm dãy núi, núi ôm mây
    Lòng sông như gương, trong sạch, không bụi
    Bồi hồi, một mình dạo bước trên đỉnh núi Tây Phong
    Xa xăm trông trời Nam, nhớ người cũ
    MỚI RA TÙ, TẬP LEO NÚI
    Mây ôm, dãy núi ôm mây
    Gương sông sạch chẳng mảy may bụi hồng
    Bùi ngùi dạo đỉnh Tây Phong
    Trông vời cố quốc, nhớ lòng bạn xa.

    Nếu cách hiểu của nhà văn Sơn Tùng là về tình yêu nam nữ, thì đây lại về tình đồng chí cách mạng:
    Rất cần thiết phải nhấn mạnh hai chữ “trùng sơn” (dãy núi) để thấy cả hai câu thứ nhất và thứ hai là tả cảnh, nhưng đồng thời cũng là một ẩn dụ, thể hiện lòng mong ước phút giây gặp lại, Bác Hồ cùng các đồng chí vốn thân cận ôm chầm lấy nhau, như mây trắng ôm chầm lấy các ngọn núi đứng liền nhau và các ngọn núi ấy cũng ôm chầm mây trắng; tình cảm của họ như lòng sông không chút bụi bặm quyền lợi (“bụi hồng”). Hai chữ “cố nhân”, nguyên nghĩa là “người cũ” (người vốn thân quen từ trước), có lẽ phải dịch là “bạn xa” (bạn đang xa cách) .
    Sau khi sáng tác bằng chữ Hán, tự dịch ra tiếng Việt mẹ đẻ, vẫn bị câu thúc bởi vần luật, thể điệu, nên có lắm khi không thể toát hết tinh thần, ngữ nghĩa. Đó cũng là tình trạng chung của các nhà thơ song ngữ, như trường hợp Nguyễn Khuyến, ở một số bài nào đó.
    14:30, 06-4 HB9 ( 2009 )
    TXA.
    __________________
    (*) Bài phỏng vấn do nhóm phóng viên Tuần báo Văn Nghệ thực hiện (Hà Nội, 15-3-2009):
    http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=6946
    14:30, 06-4 HB9 ( 2009 )
    WebTgTXA.
    (**) 14-4 HB9: http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/tho_nvt-vnvcnthvttuong_18.htm
    _____________________________
    Bài phản hồi nhỏ này đã đăng trên điểm mạng toàn cầu Phong Điệp:
    http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=6984
    _____________________________
    07-4 HB9: Câu thứ 3 có thể dịch sát nghĩa hơn: “Bùi ngùi lẻ bước đỉnh Phong (“Bồi hồi độc bộ Tây Phong lĩnh“).
    ______________________________
    08-4 HB9:
    MỚI RA TÙ, TẬP LEO NÚI
    Dãy núi ôm mây, mây khoác (*) núi
    Lòng sông gương sáng bụi không nhòa
    Bồi hồi, Phong Lĩnh mình ta dạo (Đỉnh Phong, lẻ bước bồi hồi dạo)
    Trông lại trời Nam, nhớ bạn xa.

    (Đề xuất điều chỉnh bản dịch của Nam Trân [?])
    —————–
    (*) Có lẽ nên dùng chữ VỖ để thay chữ KHOÁC (quàng, choàng): Dãy núi ôm mây, mây VỖ núi
    WebTgTXA. ( 12-4 HB9 )

  11. txawriter đã nói

    Tham khảo:
    Tạp chí Hán Nôm, số 1-2001:

    http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/0101v.htm
    NHỮNG ĐIỀU TA CHƯA BIẾT VỀ
    NGỤC TRUNG NHẬT KÝ CŨNG NHƯ VỀ
    QUÁ TRÌNH DỊCH THƠ NGỤC TRUNG NHẬT KÝ CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

    TRẦN ĐẮC THỌ
    Nhân một dịp được đi nghỉ ở Quảng Ninh ba tuần lễ, có nhiều thì giờ nhàn rỗi, tôi đã sang Hòn Gai tìm mua sách báo về đọc, trong số đó có cuốn Nhật ký trong tù (NKTT) của Bác Hồ, tái bản năm 1983. Tôi có quyển NKTT in lần đầu tiên năm 1960, nhưng vẫn mua quyển vừa nói để xem có gì khác trước, vì tôi có bản chụp nguyên tác của Bác Hồ với tiêu đề Ngục trung nhật ký (NTNK), tôi đã đọc kỹ và khi đem đối chiếu với bản dịch, tôi có những thắc mắc mà mãi đến nay vẫn chưa được giải đáp. May ở thư viện nhà nghỉ có bản in năm 1960, nên việc so sánh cũng thuận tiện.
    Nhân tu chính các bản dịch của các Nhà xuất bản mà có nhiều người có ý kiến, tôi đã xem lại bản dịch đầu tiên của Nhà xuất bản Văn hóa phát hành vào dịp kỷ niệm Bác Hồ tròn 70 tuổi (19-5-1960). Lần phát hành ấy, bản dịch chỉ có 114 bài (kể cả 1 bài không có trong NTNK là bài Mới ra tù tập leo núi). So với nguyên tác 133 bài, lần xuất bản năm 1960 đã để lại 20 bài không dịch.
    Kể từ năm 1960, hàng triệu bản đã được ấn hành để dùng trong các trường Phổ thông trung học và Đại học, song nội dung vẫn sử dụng bản dịch năm 1960 nên vẫn còn những chỗ thiếu, chỗ dịch sai… thậm chí có chỗ còn sửa văn của Bác. Đó là một điều không thể chấp nhận về mặt văn bản học. Bản năm 1983 có dịch thêm mấy bài, song các bài đã dịch từ năm 1960 hầu như vẫn giữ nguyên như cũ.
    Có lần tôi đã tìm hỏi đồng chí Vũ Kỳ là Bí thư của Bác Hồ (Theo quy định, đồng chí Vũ Kỳ có nhiệm vụ nhận những công văn, giấy tờ, kể cả thư riêng gửi lên Bác và khi Bác trả lời cũng do Văn phòng đồng chí Vũ Kỳ vào sổ, nhập phong bì chuyển đi). Đồng chí Vũ Kỳ cho tôi biết: “[đồng chí] không hề nhận được giấy tờ của ai xin ý kiến sửa đổi thơ Bác”, và tất nhiên cũng không có hồi âm của Bác chuyển qua đồng chí Vũ Kỳ. Duy, khoảng đầu năm 1960, Văn phòng Phủ Chủ tịch có nhận được bản thảo tập NKTT đã được dịch ra thơ quốc văn với đề nghị “Bác xem và cho ý kiến”. Đồng chí Vũ Kỳ vội mang trình với Bác, Bác không xem và bảo: “Chú đọc cho Bác nghe mấy bài”. Đồng chí Vũ Kỳ mở tình cờ mấy trang và đọc cho Bác nghe. Được 3 bài, Bác ra hiệu ngừng và nói: “Chú trả lại ngay cho nơi gửi” và nói; “Thơ các chú dịch hay hơn thơ Bác”. (Lời đồng chí Vũ Kỳ, có được ghi âm).
    Tôi nghĩ tìm hiểu được Bác Hồ viết nhật ký như thế nào và số phận tập Nhật ký đã lênh đênh ra sao cũng là một điều bổ ích và lý thú.
    Tháng 9 năm 1996, trong cuộc họp Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ủy ban Hành chính Bắc Bộ (1946 – 1996) có các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Xiển… dự, tôi được gặp cụ Hồ Đức Thành(1). Cụ Thành năm ấy đã 85 tuổi, từng làm Biện sự xứ ở Long Châu (Trung Quốc) để giúp các tổ chức cách mạng Việt Nam cuối những năm 30, đầu những năm 40 thế kỷ này khi cần liên hệ với chính quyền của Tưởng Giới Thạch. Công khai, cụ còn đi dạy chữ Hán cho học sinh Trung Quốc để lấy tiền hoạt động.
    Mùa hè năm 1943, cụ đã về Lam Sơn (Cao Bằng) gặp đồng chí Lã tức Bắc Vọng, tức Hoàng Đức Thạc là Bí thư Liên tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng. Cụ đã báo cáo tình hình công tác của mình ở Long Châu, được đồng chí Lã cho nghe tình hình trong nước, giao cho một số nhiệm vụ, trong đó có việc “bằng mọi cách tìm ra tung tích Ông Cụ (Bác Hồ); Kết quả ra sao, báo tin về nước ngay”. (ở nhà lúc ấy, nghe phải một nguồn tin thất thiệt cho là Bác Hồ không còn nữa, nên ai cũng lo lắng, bán tín bán nghi).
    Trở lại Long Châu, cụ Hồ Đức Thành vội đến tìm hiểu ở các nhà chức trách Trung Hoa dân quốc, song không ai biết tin gì (Lúc này, Bác Hồ của chúng ta đang trên đường bị “đệ giải” loanh quanh hết huyện này sang huyện khác của tỉnh Quảng Tây, nên không ai rõ tung tích). Mãi đến đầu trung tuần tháng 9 năm 1943, họ mới cho biết Hồ Chí Minh đã được trả lại tự do tại Liễu Châu. Cụ Hồ Đức Thành vội thu xếp đi Liễu Châu ngay và đã được gặp Bác Hồ ở Hợp tác xã của Đệ tứ Chiến khu do Trương Phát Khuê làm Tư lệnh.
    Như vậy, cụ Hồ Đức Thành được gặp Bác Hồ vào khoảng cuối trung tuần tháng 9 năm 1943 sau khi Bác Hồ được trả tự do độ 9, 10 ngày và là một trong số ít người được gặp lại Bác sớm nhất, sau khi Bác ra tù. Bác Hồ, theo lời cụ Hồ Đức Thành, lúc ấy rất yếu, đi không vững. Bác được họ bố trí cho ở ngay trong Hợp tác xã quân đội (giống như kiểu các “căng tin” của ta thời bao cấp, có tổ chức bán cơm bữa cho ai muốn dùng). Bác Hồ được hưởng chế độ ưu đãi, nên có lúc ngồi ăn chung với các sĩ quan của Tướng Trương Phát Khuê(2).
    Đồng chí Hồ Đức Thành với cương vị là Biện sự xứ, hằng ngày được vào Hợp tác xã gặp Bác Hồ, có khi ở lại cả ngày. Chuyến ấy, đồng chí Hồ Đức Thành ở lại Liễu Châu khoảng 20 ngày. Đồng chí báo cáo với Bác Hồ tình hình công tác ở Long Châu, nghe Bác Hồ giảng giải, phân tích những điều chưa hiểu rõ hoặc làm chưa tốt trong công tác Cách mạng ở hải ngoại, nghe Bác nhận xét về một số nhân vật Trung Hoa dân quốc ở Quảng Tây, về các hoạt động của Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam… Được độ hai tuần lễ, câu chuyện vãn dần. Căn buồng của Bác Hồ chỉ rộng hơn 10 mét vuông, có kê một giường gỗ không đến nỗi hẹp lắm, một bàn nhỏ và một ghế gỗ. Một bận đồng chí Hồ Đức Thành và Bác Hồ cùng nằm trên giường nhìn lên trần nhà, đột nhiên Bác hỏi Hồ Đức Thành: “Chú có đếm được số ngói trên trần không?” Hồ Đức Thành nhìn kỹ lại rồi đáp: “Thưa Cụ, tôi chịu”. Bác Hồ liền nói: “Thế mà tôi đếm được đấy; tôi chia mái ngói ra từng ô nhỏ rồi đếm, nhân lên và cộng lại”.
    Có lần, Bác hỏi Hồ Đức Thành: “Chú có làm thơ không?” – “Thưa Cụ có”, đồng chí Hồ Đức Thành đáp.
    - “Chú đọc tôi nghe một bài!” – Hồ Đức Thành dè dặt thưa: “Thưa Cụ, bài này tôi mới làm, chưa được hoàn chỉnh, xin Cụ phủ chính cho ạ!” Rồi Hồ Đức Thành đọc:
    THĂM BÁC VỪA THOÁT NẠN
    Nhớ Bác những ngày tại Liễu Châu,
    Ra tù mươi bữa khóc ôm nhau!
    Thân hình gầy guộc đi không vững,
    Mái tóc lưa thưa lại lở đầu.
    Đôi mắt lung linh ngời ánh sáng,
    Từng lời ấm ấp đậm tình sâu.
    Gông cùm, xiềng xích không lay chuyển,
    Quyết dựng cơ đồ, chí vút cao!
    - “Hừ ! chú này thật đa sự !” Bác nói, rồi chuyển ngay sang chuyện khác.
    Chính ở thời điểm này, một buổi sáng, Bác Hồ đã cho đồng chí Hồ Đức Thành xem tập Ngục trung nhật ký. Nó được đóng bằng những tờ giấy báo cắt ra khâu lại, chữ được viết bằng bút máy, khổ giấy to hơn quyển NTNK bằng giấy bản, hiện lưu trữ ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Xét về mặt văn bản học, quyển mà đồng chí Hồ Đức Thành xem mới đích thực là chính bản; bản lưu trữ hiện nay ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam chỉ là á bản. Theo lời cụ Thành, khi chép lại, Bác Hồ có sửa. Chẳng hạn, bài Khai quyển, bài mở đầu tập NTNK đã được Bác Hồ viết như sau ở chính bản:
    KHAI QUYỂN
    Lão phu bản bất sính ngâm thi,
    Nhân vị ngục trung vô sở vi.
    Liêu tá ngâm thi ma tuế nguyệt ,
    Ngâm thi đẳng đãi tự do thì.
    Bác Hồ khi chép lại, đã sửa thành:
    Lão phu nguyên bất ái ngâm thi,
    Nhân vị tù trung vô sở vi.
    Liêu tá ngâm thi tiêu vĩnh nhật,
    Thả ngâm thả đãi tự do thì.
    Bác Hồ lại cho các đồng chí Hồ Đức Thành biết: bài Vấn thoại, bài thứ 10 trong tập NTNK, được làm sau khi Bác bị Vương Chi Ngũ(3) chất vấn: “Anh sang Trung Quốc liên lạc với Hán gian hay với Nhật Bản?” Bác đáp: “Tôi là người bị bắt, song tôi có nhân cách của tôi, anh hỏi thế, tôi không trả lời”. Chúng bàn với nhau định mang Bác ra tra tấn. Có tên đã nêu ý kiến: “Tra tấn cũng không khai thác được gì đâu. Chi bằng giải lên cấp trên lĩnh thưởng!”. Nghe cụ Thành kể đến đây, người viết bài này mới rõ lý do Bác Hồ viết đầu đề bài thơ là “Vấn thoại” (Hỏi chuyện) mà không phải là “Vấn cung” vì Bác không chịu nhận mình là kẻ có tội, nên không có gì để cung khai; Bác chỉ một mực cho mình là kẻ bị bắt oan.
    Đọc hết tập NTNK, cụ Thành có hỏi Bác Hồ vì sao ở bìa tập nhật ký lại ghi: 29.8.1932 – 10.9.1933. Bác đáp: “Mình muốn đánh lạc hướng, ai hiểu thế nào thì hiểu”.
    Nhân tiện tôi có hỏi cụ Thành về việc có người cho rằng trong NTNK, Bác Hồ đã viết sai chính tả nhiều chữ. Bác Hồ thường viết chữ ( ngã: ta) và ( dục: muốn) là 2 chữ không có trong tự điển thông dụng hiện nay. Cụ Thành nói: “Bậy nào ! ở Trung Quốc, chỉ trong các giấy tờ Nhà nước hay trong sách dùng cho học sinh mới bắt buộc phải viết nghiêm chỉnh, ngang bằng sổ ngay (trừ những chữ đã được thay bằng giản thể do Bộ giáo dục quy định). Bình thường viết cho nhau, người ta có quyền viết tắt gọi là “tỉnh bút” (省 筆). Riêng về chữ “ngã” Bác viết “ ” là một kiểu chữ thảo dùng trong dân dã, nhất là ở hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây là nơi Bác có thời kỳ dài hoạt động Cách mạng, nên không có tự điển thông dụng nào ghi. Bác Hồ viết nhật ký riêng của mình, dùng lối “tỉnh bút” là dĩ nhiên. Trong Trung văn có những chữ nhiều đến trên 30 nét, ai mà nhớ nổi được. Ngay người Trung Quốc có học vấn cao, vẫn phải tra tự điển đối với những chữ nhiều nét hoặc dễ lẫn lộn giữa chữ này chữ kia. Kiểu như ở bên ta, nhiều lúc ta băn khoăn không biết nên viết thế nào cho phải các phụ âm “d”, “gi”, “r”, “s”, “x”, lại phải tra tự điển, mà chữ Quốc ngữ của ta còn đơn giản hơn chữ Trung Quốc nhiều.
    Khi về Pác Bó(4), Bác Hồ đã gửi quyển NTNK cho một nhà cơ sở mà không mang theo vào hang, vì sợ giấy bản không chịu được hơi ẩm trong hang. Cơ quan lúc ấy lại đổi chỗ ở luôn nên sau đó, Bác quên bẵng nơi gửi. Chính đồng chí Hồ Viết Thắng, người đồng hương với Bác Hồ, có thời là Bộ trưởng, là Phó Chủ nhiệm ủy ban Kế hoạch Nhà nước đã phát hiện ra tập nhật ký này và chính tay đồng chí Hồ Viết Thắng đã trao nó lại cho Bác. Đồng chí Hồ Viết Thắng còn nhớ khi nhận được tập nhật ký, Bác đã nói: “Mình cứ tưởng quyển này đã bị mất rồi, may lại tìm thấy” (Phát biểu của đồng chí Hồ Viết Thắng, có được ghi âm).
    Có một điều chúng ta không ngờ: Bác đã cho đưa quyển NTNK vào phòng lưu trữ của Văn phòng Trung ương Đảng.
    Mọi chuyện chìm vào quên lãng. Chúng ta không biết số phận tập NTNK sẽ ra sao nếu không có những sự việc sau đây: Đồng chí Hùng, người giữ Phòng lưu trữ lại không biết chữ Hán và khi gửi tập nhật ký vào, cũng không ai nói về lai lịch tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên đồng chí Hùng xếp vào một góc phòng lẫn với những sách vở tài liệu chữ Hán khác.
    Phải đến đầu năm 1959, quyển NTNK mới được đồng chí Phạm Văn Bình tình cờ phát hiện ra. Đồng chí Phạm Văn Bình nguyên là Trưởng ban Giáo vụ Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc; đồng chí được phân công giảng về Cách mạng Việt Nam thời kỳ 1939 – 1945, nên đã đến Phòng lưu trữ của Trung ương Đảng đọc thêm tài liệu. Trong một góc buồng tối, đồng chí thấy một đống sách chữ Hán. Đồng chí Bình đã từng học mấy năm chữ Hán ở Trung Quốc, nên sau một lúc lục lọi, đồng chí đã moi ra được quyển NTNK to hơn bàn tay một chút của Bác Hồ. Đồng chí mang ra đưa cho đồng chí Hùng. Đồng chí Hùng không biết là quyển gì. Sau khi nghe đồng chí Phạm Văn Bình giảng giải, đồng chí Hùng mới hiểu rõ giá trị quyển “sổ” có bìa lem luốc mà đồng chí đã giữ bấy lâu nay. Đồng chí Hùng thuận cho đồng chí Bình mượn mang về dịch với điều kiện dịch xong, sẽ nộp cho phòng lưu trữ một bản dịch.
    Đồng chí Phạm Văn Bình mang về giao cho đồng chí Văn Phụng là phiên dịch chữ Hán của trường phiên âm và dịch nghĩa. Dịch xong đến đâu, đưa lại cho đồng chí Bình đến đấy để đồng chí dịch ra thơ Quốc âm (Đồng chí Văn Phụng không biết làm thơ). Khi dịch thơ, đồng chí Bình lấy bút danh là Văn Trực; gặp chỗ nào ngờ ngợ về ngữ nghĩa đồng chí Phạm Văn Bình lại tranh thủ ý kiến cụ Phó bảng Bùi Kỷ khi ấy đang là học viên ở trường, và các nhân sĩ trí thức trong lớp.
    Khi dịch xong 133 bài thơ trong NTNK, đồng chí Bình mang báo cáo với đồng chí Trường Chinh thường có giờ giảng ở trường. Đồng chí Trường Chinh khuyên nên đưa cho đồng chí Tố Hữu, hồi đó là Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, Bí thư Học ủy của trường, lại là một nhà thơ. Một sáng chủ nhật, đồng chí Phạm Văn Bình đã đến nhà đồng chí Tố Hữu lúc ấy còn ở phố Lý Thường Kiệt, song không gặp. Đồng chí Bình viết thư và để toàn bộ tập tài liệu lại. Vào 5 giờ chiều hôm ấy, đồng chí Tố Hữu đã cho xe xuống đón đồng chí Bình. Đồng chí Bình đến nơi đã thấy hai đồng chí Đặng Thai Mai và Hoài Thanh đến trước. Cuộc họp ngắn gọn. Đồng chí Tố Hữu giao nhiệm vụ cho Viện Văn học (hồi đó đồng chí Đặng Thai Mai là Viện trưởng, đồng chí Hoài Thanh là Viện phó). Về cơ quan, hai đồng chí đã giao cho đồng chi Nam Trân cùng làm việc gấp với đồng chí Phạm Văn Bình để kịp sang năm 1960, có thể phát hành sách vào dịp Bác Hồ tròn 70 tuổi (19 – 5 – 1960). Hai đồng chí Phạm Văn Bình và Nam Trân sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đã nộp bản thảo cho Viện Văn học.
    Vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ năm ấy, cuốn sách được phát hành rộng rãi. Đồng chí Bình không thấy tên mình được nhắc tới trong cuốn sách dịch, dù chỉ một lần. Đồng chí Bình có hỏi đồng chí Nam Trân. Đồng chí Nam Trân nói có lẽ sơ suất tại Nhà xuất bản. Công việc chấm dứt ở đó với nỗi niềm không mấy vui của đồng chí Phạm Văn Bình (câu chuyện này cũng được ghi âm).
    Sau đó các Nhà xuất bản Giáo dục, Đại học và Trung học chuyên nghiệp dựa vào bản dịch năm 1960, hàng năm ấn hành để dùng trong các nhà trường.
    Phải đến năm 1990, 1991 mới có những bản dịch trọn vẹn 133 bài thơ trong NTNK của Viện Văn học và Nhà xuất bản Khoa học xã hội. Riêng bản của Viện Văn học vẫn đưa thêm bài “Tân xuất ngục, học đăng sơn” vào trong tập NKTT thành ra 134 bài. Việc dịch trọn vẹn NTNK là yêu cầu của đồng chí Trường Chinh khi đồng chí là Chủ tịch nước. Bản của Viện Văn học có bổ sung, sửa chữa một số bài. Bản của Nhà xuất bản Khoa học xã hội có dịch lại gần ba phần tư các bài thơ đã dịch trước đây.
    Tôi không hiểu tại sao Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin tháng 8 năm 1996 lại cho ra đời một cuốn NKTT chỉ có 114 bài (kể cả bài Mới ra tù tập leo núi không có trong NTNK). Như vậy còn thiếu 20 bài không dịch. Tất cả những bài in trong NKTT lần này hầu như đều lấy nguyên văn bản dịch năm 1960 của Viện Văn học. Không những thế, lại còn bỏ cả những chú thích của Bác Hồ, đảo lộn trật tự các bài thơ, không tôn trọng trật tự vốn có của nguyên tác mà tác giả đã ghi và đánh số cẩn thận.
    Trong NTNK, Bác Hồ dùng nhiều phương ngữ Quảng Đông là nơi Bác đã hoạt động nhiều năm, đã từng viết bài cho các báo Trung Quốc ở tỉnh ấy. Bác bị bắt ở Quảng Tây một cách vô cớ, bị giam lẫn với các tù nhân Trung Quốc cũng nói tiếng Quảng Đông (ở Quảng Tây từ Quế Lâm trở xuống nói tiếng Quảng Đông). Các bản dịch cũ không chú ý tới điểm này nên đã có bài hiểu sai ý Bác và đã sửa cả thơ Bác khi không tìm được xuất xứ.
    Bài viết này nếu ngừng ở đây sẽ là một thiết sót lớn nếu không nhắc lại ý kiến của đồng chí Tố Hữu, một người đã theo dõi việc tổ chức dịch và in cho kịp ngày thượng thọ 70 tuổi của Bác Hồ. Sáng ngày 25 tháng 2 năm 1998, tôi đã được đồng chí Tố Hữu tiếp chuyện. Nhà thơ của chúng ta rất khỏe, vui và cực kỳ minh mẫn. Tự nhiên nhà thơ lại đề cập đến bài thơ Đường Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế. Chúng tôi cùng trao đổi về bài thơ ấy đến hai mươi phút. Sau đó, đồng chí mới nói đến thơ chữ Hán của Bác Hồ, đúng vào vấn đề mà tôi đang muốn tìm hiểu. Tôi đã nêu một số câu hỏi và được đồng chí trả lời như sau:
    1. Xác nhận đồng chí Phạm Văn Bình là người có công phát hiện tập NTNK bị bỏ quên ở kho lưu trữ của Trung ương Đảng, tổ chức phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ.
    2. Đồng chí Tố Hữu đã giao cho đồng chí Đặng Thai Mai và đồng chí Hoài Thanh, Viện trưởng và Viện phó Viện Văn học chịu trách nhiệm xem lại bản dịch của đồng chí Bình để kịp phát hành sách vào dịp 19 – 5 – 1960.
    3. Đồng chí Nam Trân cùng với đồng chí Phạm Văn Bình đã cùng nhau biên tập lại tập NKTT đã được dịch nghĩa và dịch thơ.
    4. Bác Hồ không biết tập nhật ký của mình đang được mang dịch, nên việc nói Bác đồng ý cho sửa chữ này chữ nọ là không đúng. Bác không quan tâm nên sau khi sách được phát hành, Bác cũng không hề đọc, coi như chuyện đã qua.
    5. Đồng chí Tố Hữu đã dịch lại hoàn toàn bài thơ Tình thiên mang số 130.
    6. Đồng chí Tố Hữu có lần hỏi Bác về việc làm thơ ở trong tù, Bác bảo: “Trong tù không có việc gì làm nên làm thơ cho qua ngày tháng, cho họ biết mình bị bắt oan, mình chỉ là một người yêu nước thôi”.
    7. Bác Hồ chưa bao giờ trao đổi với đồng chí Tố Hữu về một bài thơ nào và của ai.
    8. Bác Hồ hay làm thơ chữ Hán vì chữ Hán súc tích, lời ít ý nhiều, lại có nhiều điển để diễn tả.
    9. Bài thơ Đi thuyền trên sông Đáy không phải của Bác Hồ. Có lẽ bài này là của đồng chí Xuân Thủy. Bác Hồ chưa một lần đi thuyền trên sông Đáy, làm sao lại có thơ được?
    Cuối cùng, trước khi chia tay, đồng chí Tố Hữu cho biết chưa bao giờ đồng chí làm thơ nhiều như bây giờ vì lúc này tâm hồn thanh thản, không lo nghĩ gì (Thơ thường gửi đăng ở báo Nhân dân và báo Văn nghệ).
    CHÚ THÍCH
    (1) Hồ Đức Thành: một nhà hoạt động cách mạng rất sớm, năm nay cụ 89 tuổi. Đầu năm 1946, cụ được bầu vào Quốc hội khóa I và làm đại biểu Quốc hội trong 14 năm. Cụ được cử làm ủy viên ngoại giao của ủy ban hành chính Bắc Bộ để đối phó với quân Tưởng sang giải giáp quân đội Nhật.
    (2) Xem cuốn Đầu nguồn, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1975, tr.416.
    (3) Vương Chi Ngũ (王 之 伍): Đại tá đặc vụ Trung Hoa dân quốc, có sang Việt Nam công tác trong Bộ Tư lệnh giải giáp quân đội Nhật. Chi Ngũ có đến yết kiến Bác Hồ. Bác có tiếp và giao cho ủy viên ngoại giao UBHC Bắc Bộ Hồ Đức Thành chiêu đãi.
    (4) Pác Bó: tiếng Tày, có nghĩa là “miệng nguồn”. Thường bị gọi nhầm là Pắc Bó.
    TRẦN ĐẮC THỌ
    Tạp chí Hán Nôm, số 1-2001:

    http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/0101v.htm
  12. http://txawriter.wordpress.com/2009/02/24/thuctrangdocthan-bacho/ 
 

Chuyện hai lần Bác về thăm quê

TÂM TRANG * THĂM QUÊ


Bác Hồ nói chuyện tại Kim Liên trong lần thứ 2 về thăm quê. (Ảnh: Tư liệu)
GiadinhNet – Trong suốt cuộc hành trình tìm đường cứu nước cho đến khi nước nhà được độc lập, rồi đến tận những năm cuối đời, Bác Hồ kính yêu chỉ sắp xếp được 2 lần về thăm quê hương. Tuy thế nhưng đến hôm nay, trong lòng người dân xứ Nghệ vẫn còn vẹn nguyên kỉ niệm về những mẩu chuyện nhỏ mà sáng ngời đạo đức của Bác – một nhân cách lớn song lại vô cùng giản dị, gần gũi.
Cũ nhưng chưa hỏng: Không bỏ
Ông Trần Minh Siêu, nhà nghiên cứu lịch sử kể lại: Chỉ có 2 lần về thăm quê hương vào dịp tháng 6/1957 và tháng 12/1961, nhưng trong ký ức của người dân xứ Nghệ, đặc biệt những người đã từng được gặp và tiếp xúc với Bác vẫn còn nhớ như in những câu chuyện nhỏ nhưng sáng ngời đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 1957, tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến chuyển xán lạn. Miền Bắc sau ba năm khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh đã thu được một số thành quả. Do vậy, về đối ngoại, Bác muốn đi thăm, cảm ơn các nước anh em, bè bạn trên thế giới đã ủng hộ Việt Nam. Trước lúc lên đường Bác quyết định về thăm một số địa phương thuộc khu IV, trong đó có Nghệ An. Theo lịch trình, ngày 12-13/6/1957, Bác thăm tỉnh Thanh Hóa. Ngày 14-16/6/1957, Bác về Nghệ An. Ngày 15/6, Bác thăm Hà Tĩnh. Sáng ngày 16/6/1967, Bác mới về quê cha, đất tổ ở làng Kim Liên, Nam Đàn. Hôm đó đúng vào ngày Chủ nhật.

Nhiều người đón Bác trong ngày này chợt nhớ rằng, trước đó 11 năm (cuối năm 1946), tiếp anh, chị ruột của mình là bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm sau mấy chục năm trời xa cách, Bác cũng chọn ngày Chủ nhật. Chỉ qua một chi tiết nhỏ, cũng thấy Bác vô cùng phân minh, giữa việc công và việc tư. Trong suốt cuộc đời của Người, điều này cũng thể hiện rất rõ.
Trở lại với ngày 13/6 (trước 3 ngày Bác về Kim Liên), mãi tới 11 giờ đêm Bác mới về tới Vinh. Khi Bác đang nói chuyện với đồng chí Nguyễn Chí Thanh – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Khu ủy Khu IV ở trong phòng khách thì một đồng chí mời đồng chí phục vụ Bác ra kiểm tra phòng tắm. Nơi đó, đã để sẵn hai giá thau, mấy chiếc khăn mặt mới và một miếng xà phòng thơm cho Bác. Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an (đi cùng Bác) lúc đó có mặt ở đó thấy vậy bảo: “Hãy cất bớt đi, chỉ để một giá thau và miếng xà phòng là đủ”.

Sau đó, đồng chí phục vụ Bác lấy trong túi xách ra một chiếc khăn bông trải lên giá thau, khăn vẫn trắng mềm, nhưng đã có đường chỉ khâu ở giữa. Đồng chí nói nhỏ nhẹ: “Khăn của Bác đã cũ, mòn như thế này, có lần tôi định thay chiếc khăn mới để Bác dùng, không ngờ Bác gọi tôi lại hỏi: Khăn của Bác đâu, nó còn dùng được, việc gì mà phải thay khăn khác”. Đồng chí phục vụ chỉ vào giữa khăn rồi nói: Đây là đường khâu của Bác và “tiết lộ” thêm rằng, mũ Bác đội cũng đã cũ lắm rồi, nhưng chưa ai dám đem thay. Đồng chí Trần Quốc Hoàn xác nhận câu chuyện và nói tiếp: Về đồ dùng, Bác chỉ cho phép loại bỏ những thứ đã thực sự hư hỏng. Bác làm như vậy vì cũng mong chúng ta làm như vậy. Phải giản dị, tiết kiệm, giảm đến mức tối thiểu việc chi tiêu cho riêng mình để tăng thêm sự đầy đủ cho người khác, đó là ý của Người.

Khi vào phòng ngủ, thấy ở giường nằm, trên chiếu còn trải thêm một lớp vải mềm, Bác khẽ bảo: “Chú Thanh, chú Khoát (Nguyễn Trương Khoát, Bí thư Tỉnh ủy – PV) cho cất bớt lớp vải này đi, dạo này trời nóng không cần đến”. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh nói: “Dạ thưa Bác, giường này nan thưa và cứng, chỉ trải một lần chiếu thôi thì sợ…”. Bác hiểu ý, liền nói để đồng chí Thanh yên tâm: “Thôi cứ để một lần chiếu là đủ”.

Chủ tịch nước cũng ăn cơm độn
Vào cuối năm 1961, Bác Hồ về thăm quê hương Nghệ An lần thứ 2 (từ ngày 8-10/12). Chiều ngày 8/12, sau khi làm việc với Tỉnh ủy Nghệ An, Bác đến thăm nhà ăn tập thể của cơ quan. Bác nhấc từng chiếc lồng bàn lên để thấy tận mắt khẩu phần ăn của cán bộ, nhân viên. Sau đó, Bác nhận lời mời ăn cơm tối cùng với các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Bữa cơm hôm ấy, ngoài mấy món đơn giản, chị em phục vụ nhà bếp đã chọn gạo trắng để đãi Bác. Khi mọi người đã ngồi vào bàn ăn, đột nhiên Bác bảo một cán bộ đi cùng đưa gói cơm của đoàn ra. Đó là một gói cơm trắng độn ngô đỏ. Đồng chí phục vụ lấy dao cắt ra từng miếng, chia đều cho mọi người để cùng ăn với Bác. Lúc này các đồng chí Tỉnh ủy cứ nhìn nhau, không ai dám xới cơm trắng ra. Hóa ra trước chuyến đi, bộ phận Văn phòng đã chuẩn bị cơm nắm cho Bác. Lúc này cả nước đang thực hiện ăn gạo độn màu để có đủ gạo chi dùng và dự trữ, Bác cũng thực hiện như bất cứ người dân nào. Một vị Chủ tịch nước mà giản dị đến mức không ngờ, nói luôn đi đôi với làm, làm một cách tự giác, đó là một trong nhiều đức tính quý báu của Bác, có sức lay động lòng người. Bữa cơm hôm đó, những người tham dự ai cũng đều xúc động, nghẹn ngào.
Sáng ngày 10/12/1961, Bác đến thăm HTX cao cấp Vĩnh Thành, lá cờ đầu về phong trào trồng cây toàn miền Bắc. Lúc Bác đang nói chuyện với cán bộ, nhân dân thì nắng lên cao. Một cán bộ xã xuống nhà một người dân mượn cái ô lên che cho Bác. Vừa dương ô lên, Bác gạt ra và bảo:” Bác không phong kiến”. Người chỉ xuống cả biển người phía dưới, cũng đang đứng dưới nắng. Ai nấy đều cảm động trước cách xử sự của Người. Kết thúc buổi nói chuyện, Bác còn dặn: “Bà con, các cô, chú nên về làm bù, hôm nay Trung ương và Bác về làm mất của bà con một buổi cày…”.

Cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn tâm niệm phương châm “lấy dân làm gốc”. Vì vậy mà mọi hành động, lời nói, Người đều hướng đến nhân dân, vì nhân dân. Nghĩ tới Người, ông Trần Minh Siêu xúc động: “Bác của chúng ta là một tấm gương lớn về đạo đức cách mạng: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí Công Vô Tư, suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”.
Theo Giadinh.net.vn
Tâm Trang (st)

http://tennguoidepnhat.net/2011/11/23/chuy%E1%BB%87n-hai-l%E1%BA%A7n-bac-v%E1%BB%81-tham-que/

No comments:

Post a Comment