Bình luận về Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam

Bình luận về Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam

Sunday 17 June 2012

112 * MINH VÕ *HỒ CHÍ MINH & NGÔ ĐÌNH DIỆM

Hoa đào và máu đào (I)
Nhân giỗ thứ 43 Tổng thống Ngô Đình Diệm (2/11/1963)
 

Minh Võ

Khi giáo sư Francis X. Winters cho ra cuốn The Year of the Hare (1), năm 1997, ông có nói đến cành đào có đính danh thiếp của “Chủ Tịch Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh tặng Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm” được trưng bày tại phòng khánh tiết dinh Độc Lập, Sài Gòn trong ngày Tết Qúy Mão (1963). Nhiều người đã hết sức ngạc nhiên. Làm sao một sự việc quan trọng như vậy mà cho đến nay mới nghe nói? Chính người viết cũng bán tín bán nghi. Nhưng mới đây, khoảng đầu năm 2006, ông Quách Tòng Đức, nguyên đổng lý văn phòng phủ tổng thống, đã xác nhận điều đó với luật sư Lâm Lễ Trinh, trong một cuộc phỏng vấn được đăng trên nhiều báo ở Mỹ. Sau đó cựu nghị sĩ Lê Châu Lộc, lúc ấy còn là tùy viên của Tổng Thống Diệm, cho chúng tôi biết thêm là chính ông đã nhận cành đào đó từ trụ sở Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến (ICC). Cành đào rất lớn, nhưng có lẽ vì danh thiếp nhỏ, nên ít người để ý.
Môi son tươi thắm cánh đào xuân
Nguồn: g3studios.com

Từ ngày hoa đào xuất hiện tại dinh tổng thống cho đến ngày vị tổng thống đầu tiên đổ máu đào trong một cuộc đảo chính chỉ có 9 tháng. Nhưng đây là thời gian xảy ra không biết bao nhiêu sự việc liên quan đến hoa đào và máu đào mà cho đến nay vẫn còn bị che phủ dưới những lớp màn bí ẩn.

Người ta đã có thể ví cành đào của ông Hồ với ả đào Điêu Thuyền của Vương Doãn (Môi son tươi thắm cánh đào xuân) từng là cái cớ cho Lữ Bố giết cha nuôi là Đổng Trác. Hay nhắc lại mưu sâu của Chu Du xúi Tôn Quyền gả em gái cho Lưu Bị để thừa dịp họ Lưu tới đón dâu giết quách đi. Nhưng mưu người em không qua mắt được người anh là Khổng Minh Gia Cát Lượng. Sự mưu hại không thành. Lưu Huyền Đức đã không hề hấn gì mà lại được vợ đẹp. Tiếc rằng “nhà Ngô” không có được một Khổng Minh như nhà Thục. Ngô Đình Nhu đã được một tác giả ẩn danh nào đó (2) so sánh với Khổng Minh, trong một tác phẩm 3 tập, dài cả ngàn trang, không đưa anh em mình thoát ra khỏi cái lưới nhện đã giăng ra. Âu cũng là định mệnh của con người và vận nước.

Những dữ kiện liên quan đến cành đào – Hôm nay, nhân giỗ thứ 43 của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, tưởng cũng là dịp để ngắm kỹ lại cành đào định mệnh và ôn lại một vài sự việc liên quan. Và hãng tạm quên đi cái chết còn chưa được hoàn toàn sáng tỏ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, cũng giống như cái chết hãy còn đầy bí ẩn của Tổng Thống John F. Kennedy chỉ sau đó 3 tuần. Vì đã có lần chúng tôi, cũng như một số tác giả khác đã viết về cái chết này rồi.

Chúng tôi thiết nghĩ, cành đào không phải là nguyên nhân chính, càng không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến cái chết của Tổng Thống Diệm. Chúng tôi cũng không đa nghi đến độ cho rằng ông Hồ, dù nổi tiếng là thâm hiểm, đã cố tình giăng bẫy để gián tiếp giết ông Diệm qua một vài nhà ngoại giao Mỹ và mấy tướng phản bội.

Theo thiển ý, cành đào có thể được coi như cái bắt tay với hảo ý mở đầu môt cuộc đối thoại hòng đi tới hiệp thương giữa hai chế độ thù địch. Tiếc rằng đoạn kết lại là máu.

Sự liên hệ Hồ – Ngô xem ra có nhiều nguồn gốc sâu xa trong đó phải kể đến xu hướng trung lập nói chung của Ấn Độ trong khối các quốc gia không liên kết và tham vọng trung lập hóa Đông Dương của tướng De Gaulle của Pháp. Lúc ấy đại sứ Ấn Độ ở Sài Gòn đồng thời cũng là chủ tịch Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến (ICC) tại Đông Dương. Cho nên đại sứ Ấn Độ Goburdhun và đại sứ Pháp Roger Lalouette là hai người đóng vai chính trong việc bắc cây “cầu Hiền Lương” qua sông Bến Hải.

Giáo Sư Bửu Hội, nhà vật lý nguyên tử nổi danh quốc tế, và là nhà bác học duy nhất của Việt Nam lúc ấy, từng có lúc là cố vấn của Hồ Chí Minh, (4) lại tán thành đường lối chính sách của Tổng Thống Diệm, và đang giữ một chức đại sứ của Cộng Hòa Việt Nam. Biết được tham vọng trung lập hóa Đông Dương của De Gaulle, ông đã tiếp xúc với vị tổng thống Pháp, đề nghị để đại sứ Lalouette thu xếp cùng với đại sứ Ấn Độ làm thế nào tạo cơ hội cho trưởng đoàn Ba Lan trong ủy hội Kiểm Soát Đình Chiến là Mieczyslaw Maneli có thể gặp ông Ngô Đình Nhu, bào đệ và là cố vấn chính trị của Tổng Thống Diệm. Xem ra “đồng lõa” với hai vị này còn có đại sứ Ý Giovanni d’Orlandi và đại diện của Vatican tại Việt Nam là Đức Cha Salvatore D’Asta.

Bình luận gia nổi tiếng Joseph Alsop viết trên tờ New York Herald Tribune ngày 18/9/1963 rằng Tổng Thống Diệm đã từng tiết lộ với ông về việc viên tổng lãnh sự Pháp ở Hà Nội là Jacques de Buzon nhờ đại sứ Lalouette xin phép được vào Sài Gòn “đổi gió”. Tổng Thống đồng ý. Và ông Hồ cũng chấp thuận. Khi Lalouette dẫn Buzon vào gặp tổng thống thì Buzon cho biết là lúc đó thái độ của nhà cầm quyền Hà Nội đối với ông Diệm đã có chiều thay đổi. Ông Hồ gọi ông Diệm là người tốt và yêu nước. Lạ một điều là ngoài chi tiết nhỏ đó, Buzon không mang một thông điệp nào quan trọng hơn. Phải chăng đây là một cách bắn tiếng hai bên có thể xích lại gần nhau, trước khi có một cử chỉ thân thiện là tặng cành đào chúc Tết?

Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, cháu gọi Tổng Thống Diệm bằng cậu ruột trong môt chuyến viếng thăm Nam Cali ít lâu trước khi qua đời đã tiết lộ sự việc sau với cựu trung tá Nguyễn Văn Minh, từng là chánh văn phòng của ông Ngô Đình Cẩn trong 8 năm:
Khoảng đầu thập niên 90 thế kỷ trước, Hồng Y có đến thăm một công cán ủy viên của Vua Bỉ thì được ông này cho biết chiếc ghế mà hồng y ngồi chính là chỗ một cán bộ cao cấp của Hà Nội đã ngồi trước kia để xin ông công cán ủy viên làm môi giới tiếp xúc với Tổng Thống Diệm bàn tính chuyện hai miền Nam Bắc hiệp thương. Tưởng cần thêm rằng vị công cán uỷ viên này, mà ông Minh quên (hay chưa muốn tiết lộ?) danh tánh, đã từng tiếp đón và săn sóc ông Diệm trong thời gian ông mới từ Mỹ sang Âu Châu năm 1953.
"Cựu trung tá Nguyễn Văn Minh còn cho biết, sau đảo chính tướng Tôn Thất Đính, tổng trưởng Nội Vụ, đã mời ông tới văn phòng chỉ cho xem một đống tài liệu mà tướng Đính bảo là những thư từ liên lạc giữa hai bên và là “tang chứng rành rành về việc anh em ông Diệm bán đứng miền Nam cho cộng sản, đâm sau lưng chiến sĩ. Vì vậy mà chúng tôi phải lật ông.” (3)

Một số giới chức Đệ Nhất Công Hòa còn nói đến “tin đồn” về những cuộc gặp gỡ bí mật giữa Ngô Đình Nhu và Phạm Hùng tại Bình Tuy, trong những cuộc đi săn trá hình nào đó.

Theo Stanley Karnow, nhà báo thiên tả, trở thành sử gia nổi tiếng nhờ cuốn Vietnam a history, cho biết chính bà Ngô Đình Nhu đã xác nhận những cuôc tiếp xúc giữa hai miền và còn nói bà đã chuẩn bị để gửi hai người con lớn ra Hà Nội, coi như một “cử chỉ huynh đệ”. Karnow đã để hai từ “fraternal gesture” trong ngoặc kép. (4)

Vừa đây trong một cuộc phỏng vấn dành độc quyền cho nhà văn, nhà báo Trần Phong Vũ, ông Nguyễn Văn Ngân, phụ tá đặc biệt của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã nói, anh em ông Diệm biết trung tá Phạm Ngọc Thảo là điệp viên Cộng Sản nhưng vẫn dùng để phòng hờ có lúc cần liên lạc với đối phương. Người ta còn nhớ trong cuộc đảo chính 1/11/63, chính Phạm Ngọc Thảo đã đến dinh Gia Long định đón ông Diệm. Nhưng khi đến nơi thì ông đã vào Chợ Lớn. Nhiều người còn nói Phạm Ngọc Thảo là gián điệp hai, ba mang nữa. Họ dựa vào 2 sự kiện mâu thuẫn: sau biến cố 30 tháng tư, cộng sản đã tuyên dương Phạm Ngọc Thảo, nhưng vợ con của ông ta thì lại được Mỹ giúp phương tiện sang định cư ở Nam Cali.
Đạo diễn đảo chánh: Henry Cabot Lodge với Nguyễn Khánh, với một trong nhiều tài tử nhận lệnh của Mỹ
Nguồn: Kennedy i

Theo giáo sư Francis X. Winters, liền sau khi được tin ông Diệm đã đầu hàng, ngoại trưởng Dean Rusk đã gửi một điện văn dài nồng nhiệt chúc mừng đại sứ Lodge đã thành công vẻ vang và hối thúc ông Lodge công bố ngay việc ông Diệm tính chuyện bắt tay với Hồ Chí Minh. (5)

Nữ giáo sư khoa sử Marilyn Young, tác giả cuốn Vietnam War 1945–1990 cho biết trong khi chính quyền Kennedy đang bàn thảo kế hoạch đối phó với tình hình Việt Nam thì được tin ông Nhu đang công nhiên bàn về khả năng trực tiếp thương lượng với Hà Nội. Bà viết: “Theo Roger Hilsman (phụ tá ngoại trưởng. MV), thì mục đích tối thiểu của Nhu là giảm bớt thật nhiều sự có mặt của cố vấn Mỹ; còn mục tiêu tối đa của ông ta là chấm dứt hoàn toàn sự có mặt của người Mỹ, và biến Nam Việt Nam thành một nước trung lập, hay theo thể chế Ti Tô, nhưng vẫn tách rời khỏi Bắc Việt….” (6)

Trên đây chỉ là một số tài liệu trong số những bài báo và trang sách đã nói đến toan tính hiệp thương giữa hai miền Nam – Bắc. Chỉ với ngần ấy tài liệu chúng ta cũng có thể xác quyết, quả thực đã có một nỗ lực từ cả hai phía cho mục tiêu này, mặc dù cho đến nay chưa hề có một tài liệu chính thức nào của Đệ Nhất Cộng Hòa, hay của nhà cầm quyền cộng sản được công bố.

Tại sao anh em ông Diệm toan tính hiệp thương? – Một vài tài liệu khác có thể giúp giải đáp hai câu hỏi này.

Trong cuốn Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi (7) tác giả Hoành Linh Đỗ Mậu, từng tôn Ngô Đình Diệm là “lãnh tụ anh minh”, nhưng cũng lại là người hăng hái nhất trong cuộc đảo chính lật ông Diệm, có trích dẫn bức thư của ông Võ Như Nguyện (đã gần trăm tuổi hiện còn sống ở Pau, Pháp Quốc), gửi một người bạn của ông, cũng là bạn của tác giả, là Hoàng Đồng Tiếu. Bức thư đề ngày 24/11/1977. Cuối thư có đoạn thuật lại lời ông Diệm tâm sự với ông Nguyện:

“… Vả tôi với chú Nhu có ý dù hai miền Quốc Cộng tranh chấp nhưng đều là máu mủ ruột thịt, phải có biện pháp anh em giải quyết lấy chiến tranh, đỡ tốn hao sinh mạng, tài sản. Rồi bên nào kéo dài, chung quy sẽ bị lệ thuộc vào một cường quốc và đất nước chia rẽ, vì các cường quốc có ý định chia rẽ cả….”

Trưng dẫn lá thư này, ông Đỗ Mậu nhằm tố cáo ông Diệm đã manh nha ý đồ bắt tay với Hồ Chí Minh, coi đó như một cái tội “đâm sau lưng chiến sĩ chống Cộng”. Nhưng, nhìn vấn đề dưới góc độ khác, người ta sẽ thấy ông Diệm muốn tránh đổ máu chừng nào tốt chừng đó và không muốn để các cường quốc đắc lợi trong cuộc tranh chấp nội bộ.

Tưởng cũng nên nhắc lại đây lời của trung tá John Paul Vann, cố vấn sư đoàn 7 thời ấy đã tố cáo ông Diệm có khẩu lệnh mật cho các tư lệnh Việt Nam tránh các cuộc hành quân lớn gây thương vong nhiều. Ông Vann cũng như một vài nhà báo và sử gia sau này trưng dẫn lời ông Vann, đã hàm ý rằng ông Diệm không muốn đánh cộng sản, chỉ muốn duy trì lực lượng để bảo vệ cái ghế tổng thống của ông, hay chỉ muốn đánh cầm chừng, nhì nhằng, kéo dài chiến tranh, hòng tiếp tục nhận tiền viện trợ… Nhưng nếu nhìn lời tố cáo dưới khía cạnh khác, thì rất có thể khi có khẩu lệnh mật đó, anh em ông Diệm đang toan tính nói chuyện với Bắc Việt, và không muốn những cuộc giao tranh lớn làm trở ngại việc thương thuyết. (8).

Trong Nguyên Sa Hồi Ký (ấn hành năm 1998), giáo sư Trần Bích Lan, tức nhà thơ nổi tiếng có những vần thơ hay đến huyễn hoặc lòng người, đã thuật lại chuyện ông và hai giáo sư Nguyễn Văn Phú và Nguyễn Xuân Nghiên đã có dịp nghe Tổng Thống Diệm trả lời một trong 3 câu hỏi của các ông một cách tương tự. Câu hỏi là tại sao ta không dồn lực lượng đánh một vài trận lớn để giải quyết chiến tranh mau chóng mà cứ đánh cầm chừng nhì nhằng như thế này. Ông Diệm đã nói đại ý: Bản chất cái chiến tranh này nó như thế. Mở rộng chỉ chết thêm lính và dân, mà cũng chẳng giải quyết được nhanh. Ba mươi lăm năm sau, nhìn lại, nhà giáo và nhà thơ của chúng ta đã thấy câu trả lời của ông Diệm không phải ngụy biện như các ông nghĩ lúc trước, mà là những lời tiên đoán thời cuộc rất chính xác.

Chúng tôi nhắc chuyện này theo như những gì còn nhớ về lời phát biểu của nhà giáo Lưu Trung Khảo, là một người thân của nhà thơ Nguyên Sa, trong một dịp ra mắt sách ở Quận Cam năm 1998.

Những gì ông Ngô Đình Nhu nói trong một lễ bế mạc lớp học tập về Ấp Chiến Lươc khóa XII, ngày 22/6/1963… cũng tương tự như thế:
“Chúng ta là một nước nhỏ bé đứng giữa hai khối. Nếu bên thế giới tự do tăng cường viện trợ cho ta thì thế giới cộng sản cũng sẽ tăng viện trợ cho phía họ. Hai bên cứ tăng cường như vậy sẽ đưa cái mức chiến tranh càng ngày càng lên cao. Và số phận chúng ta rồi mai đây sẽ ra sao?” (9)

Đã rõ anh em ông Diệm không muốn đánh lớn vì sẽ phải lệ thuộc quá nhiều vào viện trợ Mỹ, và sẽ làm cớ cho Liên Xô và Trung Cộng nhảy vào xâu xé Việt Nam.

Cứ nhìn vào lý thuyết Ấp Chiến Lược, với những chính sách Tam Túc (10), Tam Giác của ông Nhu thì càng thấy các ông đã chuẩn bị từ trước, để cố thoát khỏi sự ràng buộc tai hại của ngoại viện.

Tư liệu của một bà “thủy chung” với ông Diệm – Có lẽ người cung cấp nhiều tài liệu nhất về vấn đề này là nữ tiến sĩ Ellen Hammer. Bà là sử gia, nhà báo và học giả sớm nổi tiếng về các vấn đề Việt Nam. Năm 1947, mới ra trường, còn độc thân ở tuổi 25, bà đã có một tác phẩm loại này nhan đề The Emergence Of Vietnam. Bà là bạn rất thân với nhà bác học Bửu Hội, và hoàn toàn chia sẻ với ông về việc ủng hộ Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Douglas Pike đã mỉa mai bảo bà trung thành riêng vớí ông Diệm – personally loyal to Diệm – . Có thể nói là “thủy chung” đến nỗi từ khi ông Diệm chết, bà bỏ hẳn việc viết lách, không màng bày tỏ ý kiến về thời cuộc nữa. (*) Nhưng rồi đùng một cái, năm 1987, 24 năm sau, bà lại cầm bút, chỉ để bênh vực ông Diệm và chỉ trích chính quyền Kennedy, trong đó có một vài người trong bộ ngoại giao đã dùng những mánh lới không hay ho gì để cố lật cho bằng được ông Diệm. Đó là cuốn A Death In November: America In Vietnam, 1963. (**)

Theo Ellen Hammer thì khi luật sư Mieczyslaw Maneli, trưởng đoàn Ba Lan trong Ủy hội kiểm sóat đình chiến từ Hà Nội vào Sài Gòn mùa xuân năm 1963 liền được một số nhà ngoại giao tiếp xúc để đưa đến giới thiệu vói ông Ngô Đình Nhu. Trong khi họ đang tìm một dịp may để hai người gặp nhau, thì biến cố Phật Giáo xảy ra. Vì vậy cuối tháng 8 việc đó mới thực hiện được. Họ gặp nhau trong buổi tiếp tân ngoại giao đoàn đầu tiên của tân ngoại trưởng Trương Công Cừu. Ông Cabot Lodge cũng có mặt thành cái đinh của buổi lễ. Vì vậy chẳng thấy có dấu hiệu nào bất thường trước sự hiện diện của Maneli, môt người Cộng Sản, trong buổi tiếp tân của ngoại trưởng Việt Nam Cộng Hoà (VNCH). Maneli đứng nói chuyện với đức cha Asta, đại diện Vatican. Một lát sau ông này quay sang ông Ngô Đình Nhu và giới thiệu Maneli. Lập tức 3 nhà ngoại giao khác cùng tiến về phía họ. Đó là các ông Lalouette, đại sứ Pháp, Goburdhun, đại sứ Ấn, chủ tịch Ủy Hội Quốc Tế; và d’Orlandi, đại sứ Ý.

Hammer thuật lại:
“Ông Nhu nói với Maneli: ‘Tôi đã nghe các bạn của chúng tôi nói nhiều về ông’.... Ông ta tiếp: Nhân dân Việt Nam có môt sự nhậy cảm và không tin cậy chẳng những đối với người Trung Hoa, mà đối với tất cả những nước thực dân hay chiếm đóng. Tất cả.” Maneli tự hỏi, phải chăng ông Nhu có ý nói Hoa Kỳ, và có lẽ ông ta không phải là người duy nhất trong số những nhà ngoại giao nghe chuyện tự hỏi như thế.

“Rồi ông Nhu lại nói: “Lúc này đây, chúng tôi đang quan tâm tới hòa bình, và chỉ quan tâm tới hòa bình mà thôi. Tôi tin rằng Ủy Hội Quốc Tế có thể và nên đóng một vai trò quan trọng trong việc đem lại hòa bình cho Việt Nam.”

“Maneli trả lời sẵn sàng giữ vai trò tích cực nhất.”...

“Sau đó Maneli nhận được thư mời tới gặp ông Nhu tại dinh Gia Long vào ngày 2/9/63.

“Khi ông Goburdhun đi Hà Nội với tư cách chủ tịch UHQT ông ta thấy chính phủ miền Bắc không có vẻ gì coi cuộc chiến tại miền Nam là lý do để từ chối giao thương với chế độ Sài Gòn. Hồ Chí Minh bảo Goburdhun: “Ngô Đình Diệm là người yêu nước theo cách của ông ta... Hãy bắt tay ông ấy thay tôi, nếu gặp.”

“Đến Hà Nội mùa xuân 1963, Maneli đã chuyển lời của đại sứ Pháp cho Hồ Chí Minh: Ông Diệm sẽ đáp ứng, nếu Hà Nội đi bước trước. Ông ấy muốn làm giảm áp lực của Mỹ. Hà Nội đáp: Cứ để ông ta chứng tỏ thiện chí đi. Ông ta có thể dần dần mở liên lạc bưu chính với miền Bắc và nhận than đá của miền Bắc đổi gạo của miền Nam. Miền Bắc sẵn sàng chấp nhận một nền dân chủ kiểu Tây Phương ở miền Nam và sẽ không thúc ép phải mau chóng thống nhất.
Sau đó vài tháng ông Hồ đã đưa ra lời kêu gọi công khai về một thỏa hiệp đình chiến.

Hammer viết tiếp:
“Người Bắc nhìn thấy những mối lợi trong việc thương lượng với ông Nhu trong giai đoạn này. Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: “Dầu sao ông Nhu chắc chắn có khả năng tư duy một cách lô–gích; ông ta tốt nghiệp đại học École Des Chartes mà.” Maneli hỏi nên làm gì, nếu gặp ông Nhu, thì Đồng nói: “Cứ đến và nghe cho thật kỹ. Có một điều chắc chắn: Người Mỹ phải rời khỏi Việt Nam. Trên căn bản chính trị đó chúng tôi có thể thương lượng về mọi việc. Chúng tôi thực lòng muốn chấm dứt chiến tranh, tái lập hòa bình trên căn bản thực tiễn. Chúng tôi rất thực tiễn.”
Theo Ellen Hammer thì đại sứ Pháp rất lo lắng khi nghe tin sẽ có đảo chính. Ông bảo Maneli rằng chỉ có Ngô Đình Diệm đủ can đảm để làm việc cho hòa bình. Ngoài ra bất cứ kẻ nào lên thay cũng sẽ lệ thuộc hơn vào Mỹ.

Nỗi lo của Lalouette dịu đi khi biết Maneli đã có thể gặp Ngô Đình Nhu đúng hẹn (2/9/63). Nhưng khi biết ông Nhu còn quá dè dặt trong câu chuyện với Maneli, thì lại thất vọng. Dường như ông ta còn sợ Mỹ và tính thối lui trong ý định hiệp thương. Sau này, biết ông Nhu tiết lộ với Cabot Lodge về những cuộc tiếp xúc mà ông ta phủ nhận với Maneli, hay đúng ra không dám minh thị công nhận trước những câu hỏi của Manli, thì Lalouette bảo Maneli: (nguyên văn lời của Hammer) “Nếu ông ta không dứt được những ảo tưởng với người Mỹ, ông ta sẽ tiêu mất. Thực là một lỗi lầm bị thảm.”

Sau này Lalouette đã nói với Hammmer rằng thời gian ấy ông ta đã cố thuyết phục Cabot Lodge đừng làm đảo chính. Nhưng không sao lay chuyển được Cabot Lodge, và, lời của Hammer, “Cuối cùng ông ta (Lalouette) bó buộc phải tin rằng người Mỹ này (Lodge) đã được phái tới Việt Nam với mệnh lệnh là phải sớm loại bỏ ông Diệm cho bằng được.”

Về vai trò của Roger Hilsman trong việc loại bỏ ông Diệm, Hammer viết:
“Tại Washington, Roger Hilsman trong giác thư ngày 16/9 đã định nghĩa cái mà ông tin là mục tiêu tối thiểu của ông Nhu, “giảm thiểu rõ rệt sự có mặt của người Mỹ tại những vị trí có ý nghĩa chính trị ở các tỉnh và trong chương trình Ấp Chiến Lược”. Còn mục tiêu tối đa của ông ta là “thương lượng với miền Bắc để ngưng chiến, chấm dứt hoàn toàn sự hiện diện của người Mỹ....”

Và đó là lý do Hilsman đưa ra để bác bỏ đường lối hòa hoãn đối với ông Diệm. Nghĩa là quyết phải hạ ông Diệm cho bằng được.

Hammer cho biết, chính sách áp lực với Diệm mà Hilsman đề nghị đã được hội đồng an ninh quốc gia chấp thuận ngày 17/9/63. (11)
Copyright © 2006 DCVOnline


Chú thích:
(1): Năm Con Thỏ, tức Năm Mão, Người Việt ta thường gọi là năm Con Mèo, 1963. Sách do University Georgia Press xuất bản, Athens, 1997, chương đầu, trang 12.
(2): Xem Ngô Đình Nhu, tác giả FW.09 do Ng.Thi Muôn xuất bản, năm 1990 tại Fresno. (Tập I)
(3): Dòng Họ Ngô Đình, Giấc Mơ Chưa Đạt, Nguyễn Văn Minh, NXB Hoàng Nguyên, Nam Cali, 2003, trang 295 và 290.
(4): Vietnam: A history, Penguin group, NY, 1991, trang 307 và 308.
(5): SĐD trang 1016.
(6): SĐĐ trang 101. Về mục tiêu tối thiểu của ông Nhu mà bà Young nói đây thì chính phái đoàn McNamara–Taylor năm đó cũng báo cáo với tổng thống Mỹ rằng tình hình nông thôn ổn định khiến có thể rút 1000 cố vấn vào năm sau (1964). Cho nên chính Tổng Thống Kennedy cũng có ý định đó, chứ không chỉ là ý kiến riêng của ông Nhu. Tiếc rằng việc toan tính rút hay giảm bót sự hiện diện của Mỹ, dú từ phía nào đều trái với những toan tính mở rộng chiến tranh để bán, tiêu thụ và thử một số vũ khí nào đó của những tay trùm tư bản, đang nắm một siêu quyền lực.
(7): SĐD, NXB Văn Nghệ, Nam Cali, 1993, trang 1007.
(8): Xin xem 1) John M. Newman, JFK and Vietnam, NXB A Time Warner Co. 1992, các trang 299, 455. 2) Stanley Karnow, Vietnam: A history, NXB Viking Penguin, 1991, trang 276.
(9): Xem Nguyễn Văn Minh, SĐD trang 292.
(10): Tam túc: tự túc về tư tưởng; tự túc về tổ chức và tiếp liệu; tự túc về kỹ thuật.
(*): Cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Frederick Nolting cũng bất mãn về việc ông Diệm bi hạ và bị giết đã xin được từ bỏ mọi chức vụ công quyền ngày 25/2/64. (From Trust To Tragedy)
(**): NXB E.P. Dutton, 1987.
(11): Roger Hilsman, phụ tá ngoại trưởng về Đông Nam Á, đã cùng với thứ trưởng Averell Harriman, cố vấn an ninh Michael Forestal và một số nhà báo trẻ ở trong nhóm Diem Mus Go (Diệm phải xuống) do Harriman lãnh đạo. Vì thế ta thấy Hilsman đã nhân việc ông Nhu tính thương lượng với miền Bắc thuyết phục dược hội đồng an ninh quốc gia chấp thuận biện pháp dứt khoát loại bỏ ông Diệm. Trước hết họ chỉ nhắm bắt ông Diệm loại ông bà Nhu. Nhưng ông Diệm không chịu. Chúng tôi đã tóm tắt và trích dẫn những câu quan trọng nhất của nữ tiến sĩ Ellen Hammer liên quan đến việc đệ nhất CHVN toan tính thương lượng với Bắc việt. Muốn biết đầy đủ chi tiết xin xem A Death In November của tác giả, (NXB E.P. Dutton, 1987) từ trang 220 đến 262).
 

No comments:

Post a Comment