Bình luận về Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam

Bình luận về Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam

Sunday 17 June 2012

115 * NGÔ TRỌNG ĐỨC * LICH SỬ VN

12 Sử Kiện Việt Nam...
... Trong Thế Kỷ 20

Kể từ những phát súng đầu tiên của Rigault de Genouilly đánh đắm 9 chiến thuyền của vua Thiệu Trị tại cửa biển Ðà Nẵng ngày 15/4/1847, Việt Nam chìm đắm trong hai bài toán độc lập và canh tân cho đến hôm nay. Nhìn lại đoạn đường 100 năm trầm luân của đất nước trong thế kỷ 20, quả thật hai quốc nạn thực dân và cộng sản đã là đầu mối của biết bao tai họa điêu linh mà dân ta gánh chịu. Một số sử kiện đáng ghi nhớ có thể tạm liệt kê như sau:

1904 : Phong Trào Ðông Du

Bối cảnh Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau các phong trào Văn Thân, Cần Vương ở Bãi Sậy, Hương Khê,... cuộc nổi dậy ở Yên Thế của anh hùng Hoàng Hoa Thám chính là điểm gạch nối của kháng chiến Việt Nam giữa hai thế kỷ, với hai đặc điểm: thứ nhất là bền bỉ nhất (1887-1913) ; thứ hai là anh dũng và đạt thành quả giặc Pháp phải cắt đất cho nghĩa quân tự quản. Cụ Phan Bội Châu là một trong những người trực tiếp hỗ trợ cho cụ Ðề Hoàng. Tuy nhiên, ngay khi chiến trường Yên Thế còn đang sôi động, thì cụ Phan cũng đã có những hoạt động cá biệt.
Năm 1901, cụ Phan đã toan tính đánh úp thành Nghệ An. Tháng 6 năm 1903, cụ Phan thành lập Việt Nam Quang Phục Hội, suy cử Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể làm hội trưởng, chủ trương Liên Kết mọi nhân sĩ yêu nước để cùng vận động Trung Kỳ nổi dậy tiếp ứng cho cụ Ðề Hoàng ngoài Bắc. Tháng 4 năm 1905, cụ Phan sang Nhật vận động viện trợ, trở thành bạn tâm đắc với Lương Khải Siêu và các nhà cách mạng Trung Hoa. Tháng 3 năm 1906, Cụ Sào Nam sang Hương Cảng đón Kỳ Ngoại Hầu, và gặp gỡ cụ Phan Chu Trinh tại đây. Tháng 3 năm 1907, Ðông Kinh Nghĩa Thục và tờ Ðăng Cổ Tùng Báo ra đời tại Hà Nội với chủ trương cách mạng văn hóa. Phong trào Ðông Du được đẩy mạnh, ảnh hưởng tư tưởng duy tân lên cao và tạo ra nhiều hình thái đấu tranh nối tiếp. Từ tháng 3 năm 1908, phong trào chống đi phu và nộp thuế khởi động từ Quảng Nam, lan qua Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Thừa Thiên, với đặc tính đấu tranh trực diện, đã khiến giặc Pháp điêu đứng. Tháng 6 năm 1908 lại xảy ra vụ Hà Thành đầu độc. Quang Phục Hội bị ruồng bố gắt gao, cho đến tháng 6 năm 1912, tức sau cuộc cách mạng Tân Hợi bên Tàu, Hội này tái hoạt động với việc hình thành Quang Phục quân và sự tham gia của cụ Nguyễn Hải Thần.
Sau những cuộc khủng bố nhằm ám sát toàn quyền Albert Sarraut và các tay sai Hoàng Trọng Phu, Lê Hoan, Nguyễn Duy Hàn,... quân Pháp truy lùng ráo riết Quang Phục Hội. Tại Quảng Ðông, cụ Phan bị tổng đốc Long Tế Quang bắt giam từ cuối năm 1913 đến đầu năm 1916 mới thả. Từ năm 1914 đến năm 1918, Quang Phục quân đã đánh chiếm các đồn bót Pháp dọc biên giới Việt Hoa như Lục Nam, Nho Quan, Phú Thọ, Móng Cái, Bát Xát, Ðồng Văn, Mường Khương, Pha Long, Cóc Pàn... Ðến ngày 1/7/1925, Hồ Chí Minh và Lâm Ðức Thụ đã bán tin cho mật thám Pháp bắt cụ Phan Bội Châu tại Thượng Hải. Cụ bị giam lỏng ở Huế cho đến khi mất vào ngày 29/10/1940, hưởng thọ 74 tuổi.

1916 : Vua Duy Tân và cuộc khởi nghĩa Thái Phiên

Trong lúc Pháp và Ðức thư hùng trong trận Thế Chiến Thứ Nhất, thì tại Việt Nam, vua Duy Tân bí mật liên lạc với các nhà cách mạng Thái Phiên và Trần Cao Vân trong Việt Nam Quang Phục Hội. Cuộc khởi nghĩa dự trù tiến hành vào ngày 3/5/1916, bằng việc nổi loạn của 2000 tân binh Việt Nam trong các trại lính của Pháp, phối hợp cùng dân quân bên ngoài, đồng loạt vùng dậy ở Huế và suốt mấy tỉnh miền Trung. Nhưng vì có kẻ nội phản, cơ mưu bại lộ, ngoại trừ ở Tam Kỳ, nghĩa quân đã đánh chiếm được công sở Pháp. Vua Duy Tân bị giặc bắt giam và đày sang đảo Réunion. Các thủ lãnh khởi nghĩa đều hy sinh. Ngày 26/12/ 1945, vua Duy Tân qua đời trong một tai nạn máy bay trong lúc chuẩn bị trở về Việt Nam lo việc sắp xếp cho quân Pháp trao trả độc lập. Vận mệnh Việt Nam mất đi một cơ hội giải quyết vấn đề của đất nước bằng phương thức hòa bình.

1924 : Trái bom Sa Ðiện

Sau cuộc thắng trận của Pháp trong Ðệ Nhất Thế Chiến, các phong trào cách mạng trong nước bị đàn áp triệt để và trong chiều hướng suy tàn. Tinh thần đấu tranh chỉ bùng dậy mạnh mẽ sau tiếng bom Sa Ðiện. Ðó là giai đoạn toàn quyền Merlin sang Nhật, Hương Cảng, Vân Nam để vận động triệt hạ các nhóm kháng chiến Việt Nam đang hoạt động trên đất Trung Hoa. Ngày 19/6/1924, quân Pháp ở tô giới Sa Ðiện thuộc Quảng Châu mở tiệc khoản đãi Merlin tại khách sạn Victoria. Hai nhà cách mạng Phạm Hồng Thái và Lê Tấn Anh cùng nhận sứ mạng ám sát Merlin tại đây. Quả tạc đạn đã nổ tại phòng ăn, giết chết 4 tên thực dân và làm 2 tên khác bị thương, nhưng Merlin thoát chết. Anh hùng Phạm Hồng Thái chạy qua cầu bắc sang Quảng Châu, nhưng bị lính Pháp đuổi sát, phải nhảy xuống Châu Giang đào thoát và bị nước cuốn. Chính phủ Tôn Văn đã lập bia cho anh hùng Phạm Hồng Thái tại nghĩa trang Hoàng Hoa Cương.

1930 : Khởi nghĩa Yên Bái

Nối tiếp giai đoạn hội kín chống Pháp, việc tổ chức các đảng phái có tính khoa học bắt đầu từ năm 1925. Ba đảng lớn thời đó là Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Ðồng Chí Hội, Tân Việt Cách Mạng Ðảng (đều chủ trương chuyên chính vô sản), và Việt Nam Quốc Dân Ðảng (chủ trương quốc gia dân tộc). Năm 1925, Nam Ðồng Thư Xã được thành lập tại Hà Nội, gây được ảnh hưởng lớn trong giới sĩ phu Bắc Hà qua việc truyền bá chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Dật Tiên. Kết quả của ảnh hưởng đó là sự hình thành Việt Nam Quốc Dân Ðảng vào ngày 25/12/1927 tại Hà Nội, do hai ông Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu lãnh đạo, với tôn chỉ đẩy mạnh cuộc cách mạng quốc gia, xây dựng nền dân chủ trực tiếp qua ba nguyên tắc tự do, bình đẳng, bác ái, và chủ trương tiến hành qua bốn giai đoạn đấu tranh. Ðịa bàn phát triển hữu hiệu là tầng lớp sĩ phu yêu nước và binh lính Việt Nam trong hàng ngũ quân đội thực dân.
Ðến năm 1929, mặc dù còn đang trong giai đoạn phát triển, nhưng vì quân Pháp ruồng bố gắt gao, đảng Việt Quốc đã phải tiến hành giai đoạn ba, tổng khởi nghĩa, dùng chủ lực là các binh sĩ Việt Nam trong quân đội Pháp, dự trù vào ngày 11/2/1930. Ông Nguyễn Thái Học phụ trách các tỉnh Kiến An, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng. Ông Nguyễn Khắc Nhu phụ trách các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ. Ông Phó Ðức Chính trách nhiệm tỉnh Sơn Tây. Ngày 9/2/1930, Việt Quốc đánh úp một đồn Pháp tại Yên Bái, cướp được kho súng và treo cờ Việt Quốc, nhưng sau đó bị Pháp dồn quân trấn áp nên phải rút lui. Vào đêm 10/2/1930, Việt Quốc tấn công đồn Phú Thọ, sau đó, đánh chiếm phủ Lâm Thao. Ðến lúc quân Pháp phản công, ông Nguyễn Khắc Nhu bị thương, bị bắt rồi tự sát. Ở Hà Nội, thẩm sát viên Genis bị ám sát ở cầu Long Biên, học sinh trường Kỹ Nghệ ném bom các sở mật thám và bót cảnh sát nhưng không phối hợp được với cuộc nổi dậy ở các tỉnh. Rạng ngày 16/2/1930, Việt Quốc đánh chiếm huyện Phủ Dực ở Thái Bình và một toán khác đánh chiếm huyện Vĩnh Bảo, Hải Dương, nhưng chưa kịp tấn công Ninh Giang thì bị Pháp dội bom tại làng Cổ Am. Ngày 22/2/1930, thủ lãnh Nguyễn Thái Học bị thương rồi bị bắt tại Ðông Triều. Ngày 17/6/1930, anh hùng Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí bị tử hình tại Yên Bái. Cuộc tổng khởi nghĩa bị dập tắt, nhưng tinh thần anh dũng của nghĩa quân Việt Quốc đã trở thành bất tử.

1943 : Ðặc xá Hồ Chí Minh

Tháng 5 năm 1941, Nguyễn Ái Quốc theo chỉ thị của đệ tam quốc tế, từ Mạc Tư Khoa trở lại Hoa Nam để thành lập Mặt Trận Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh Hội, gọi tắt là Việt Minh. Mặt trận này che dấu tung tích cộng sản để chiêu dụ các đảng phái lưu vong tại Hoa Nam qua chiêu bài chống Tây đánh Nhật. Dù vậy, vẫn không che mắt được chính phủ Trung Hoa Quốc Dân Ðảng, nên sang đầu năm 1942, Hồ Chí Minh bị bắt giam. Cùng lúc đó, tướng Trương Phát Khuê là thống đốc tỉnh Quảng Tây, đã hỗ trợ cho cụ Nguyễn Hải Thần thành lập Việt Nam Cách Mệnh Ðồng Minh Hội. Ðể tỏ lòng đoàn kết vì mục tiêu chống Pháp, cụ Nguyễn Hải Thần đã đề nghị nhà nước Trùng Khánh đặc xá cho Nguyễn Ái Quốc. Sau đó, Quốc sử dụng bí danh của cụ Hồ Học Lãm, tự xưng là Hồ Chí Minh để tổ chức lại đảng cộng sản. Trong lịch sử cận đại nước ta, sự kiện cụ Nguyễn Hải Thần xin đặc xá cho Hồ Chí Minh đã trở thành điểm khởi cho 70 năm điêu linh về sau của cả dân tộc Việt Nam.

1946 : Thỏa ước Fontainebleau

Ngày 15/8/1945, Nhật đầu hàng Ðồng Minh. Ngày 17/8/1945, Hồ Chí Minh đã gian trá biến cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim trở thành ủng hộ Mặt Trận Việt Minh. Ngày 19/8, Việt Minh tung các đội ám sát thủ tiêu nhiều nhà cách mạng Việt Nam chủ trương không theo cộng sản tại Hà Nội, và treo cờ cướp chính quyền. Ngày 25/8, vua Bảo Ðại bị cưỡng ép thoái vị, trao quyền lại cho chính phủ lâm thời của Hồ Chí Minh, với tuyên cáo thành lập vào ngày 2/9/1945. Tháng 2/1946, quân Nhật bị giải giới, liên quân Anh - ấn triệt thoái khỏi Việt Nam. Ngày 6/3/1946, Hồ Chí Minh ký với Pháp một sơ ước để mời 15.000 quân Pháp vào Bắc Việt, ngược lại, Pháp công nhận Việt Nam là một nước trong Liên Bang Ðông Dương thuộc khối Liên Hiệp Pháp. Nhân dịp này, cao ủy Ðông Dương d'Argenlieu xúi Nguyễn Văn Thinh thiết lập Nam Kỳ Quốc với một nền hành chánh riêng biệt ở cao nguyên Trung phần. Pháp dựa vào đó để từ chối việc trao trả độc lập cho Việt Nam. Mạc Tư Khoa lại chỉ thị cho Hồ Chí Minh không được gây khó khăn cho đảng cộng sản Pháp. Do đó, Hồ đã chính thức ký thỏa ước Fontainebleau ngày 14/9/1946 với Marius Moutet, công nhận quyền cai trị của Pháp.

1954 : Hiệp Ðịnh Genève

Ngày 7/5/1954, cuộc chiến Ðiện Biên kết thúc, de Castries đầu hàng. CSVN cũng đã trả một giá quá đắt bằng xương máu nhân dân để tạo áp lực trên bàn hội nghị Leman về việc ngừng bắn ở Ðông Dương. Ðây là một hội nghị do ngoại trưởng Pháp J.Bidault và ngoại trưởng Liên Xô Molotov sắp xếp, sau khi Hội Nghị Tứ Cường ở Genève tan vỡ từ đầu năm 1954. Sau trận Ðiện Biên Phủ, đại diện của Việt cộng, Trung cộng và Liên Xô đã họp lại với phe đại diện Anh-Pháp-Ðông Dương tại Genève, đi tới việc ký kết Hiệp định 20/7/1954 gồm 5 điều :
Ðiều 1 quyết định chia cắt đất nước Việt Nam làm đôi, lấy sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 làm ranh giới.
Ðiều 2 là cả hai miền không được thiết lập thêm căn cứ quân sự và không tham gia vào các liên minh quân sự.
Ðiều 3 quy định thời hạn 2 năm để cả hai miền tổ chức tổng tuyển cử.
Ðiều 4 xác định quyền lợi và văn hóa Pháp tại Bắc Việt vẫn được Việt Minh bảo đảm.
Ðiều 5 liên quan đến việc thành lập một Ủy Hội Kiểm Soát Ðình Chiến gồm có đại diện của Pháp, Việt Minh, Gia Nã Ðại, Ấn Ðộ, Ba Lan và Việt Nam.

1955 : Chính thể Việt Nam Cộng Hòa

Ở phía Bắc sông Bến Hải, CSVN tổ chức nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa theo đường lối chuyên chính vô sản của Mạc Tư Khoa. Ở miền Nam Việt Nam, ông Ngô Ðình Diệm cho mở cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/10/1955 để nhân dân chọn lựa chính thể. Chế độ quân chủ được chính thức chấm dứt. Ngày 26/10/1955, miền Nam tuyên bố thành lập quốc gia Việt Nam Cộng Hòa theo tổng thống chế. Ngày 5/3/1956, Quốc Hội Lập Hiến miền Nam ra đời, cắt đứt mọi liên hệ với thực dân và phong kiến và trở thành một nước độc lập thuộc thế giới tự do.

1960 : Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam

Từ cuối năm 1956, Lê Duẩn đã triệu tập hội nghị Xứ Ủy Nam Bộ kỳ II, quyết định khuấy động miền Nam. Ðến năm 1959, kế hoạch của Lê Duẩn được giới lãnh đạo trung ương CS Hà Nội hoàn chỉnh. Giữa năm 1960, Lê Duẩn triệu tập hội nghị xứ ủy kỳ V, quyết định tiến hành kế hoạch đánh chiếm miền Nam. Ngày 20/12/1960, Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam được chính thức thành lập tại xã Tân Lập, quận Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Ðến ngày mùng một Tết Tân Sửu (15/2/1961), CSVN cho ra đời lực lượng vũ trang gọi là Quân Giải Phóng Miền Nam. Ðây là bàn đạp khuấy động của cộng sản Bắc Việt, nhận lãnh sự thất bại trong các chiến dịch Ðồng Khởi ban đầu, và dần dà đã giữ chức năng thứ yếu về sau, khi CSVN quyết định tung nhiều sư đoàn chủ lực từ miền Bắc vào đánh chiếm miền Nam.

1968 : Trận Mậu Thân

Sau nhiều năm tấn công phá hoại và không đạt kết quả, Hà Nội chỉ thị cho lực lượng CSVN ở miền Nam phải thi hành một vụ công phá có động lượng. Kế hoạch đó nhen nhúm từ năm 1964, nhưng bị đình hoãn nhiều lần. Tháng 5/1967, Bộ Chính Trị Hà Nội chỉ thị cho Trung ương Cục miền Nam phát động chiến dịch tổng công kích-tổng khởi nghĩa, nhưng lại bị hoãn thêm một lần nữa, vì tướng Nguyễn Chí Thanh của CSVN bị đột tử trên đường vào Nam nhận chức vụ tân bí thư trung ương cục. Phạm Hùng vào thay. Nguyễn Văn Linh làm phó bí thư. Kế hoạch vẫn chưa được thi hành vì cộng sản miền Nam bị vỡ lở nhiều cơ sở do nội phản. Các tiểu đoàn chính quy Bắc Việt xâm nhập vào Nam phải nằm chờ. Cho đến đầu năm dương lịch 1968, Trần Văn Trà ra Bắc, trực tiếp nhận chỉ thị của Hà Nội là nhân dịp ngừng bắn đầu năm ta, phải khai hỏa vào Tết Mậu Thân bằng mọi giá.
Cuộc tổng công kích xảy ra trên một số địa bàn chiến lược. CSVN tấn công nhiều điểm trọng yếu tại Sài Gòn nhưng bị quân lực VNCH đánh bật tức khắc. Riêng ở Huế, Bắc Việt đã chiếm giữ thành phố nhiều ngày, giết và chôn sống dân từng loạt lên tới hàng chục ngàn người. Nhưng cuối cùng cũng phải rút lui. Ðến tháng 5 năm 1968, Hà Nội lại ra lệnh cho Trung ương Cục Miền Nam tổng tấn công đợt hai, với kết quả thất bại nhanh hơn đợt một. Từ hai đợt thất bại đó, chiến dịch này được gọi lại là tổng công kích. Dù dưới tên gọi nào, chiến dịch này đã xóa sổ hàng chục ngàn bộ đội và giết hại nhân dân miền Nam nhiều lần cao hơn. Hồ Chí Minh cũng căm tức qua đời sau đó.

1975 : Nhuộm đỏ miền Nam

Sau Hiệp Ðịnh Ngưng Bắn ở Ba Lê năm 1973, và nhất là sau tiến trình Việt Nam Hóa chiến tranh của chính phủ Mỹ, dân quân miền Nam bị đặt vào thế trói tay trên đấu trường. Trong khi đó, Hà Nội vẫn được viện trợ hùng hậu từ đàn anh Liên Xô, và quyết tâm đánh chiếm kỳ được miền Nam sau 20 năm khởi động cuộc chiến bành trướng chủ nghĩa cộng sản. Hậu quả là miền Nam rơi vào tay cộng vào ngày 30/4/1975 qua lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh. Dân tộc lại bị chia lìa lần nữa, sau vụ hiệp định Genève. Một số người di tản ra khỏi nước ngay đầu tháng 5/1975. Một phong trào vượt biên vượt biển kéo dài nhiều năm sau đó, với số người chết trên biển ước lượng lên tới hàng triệu nhân mạng. CSVN chở hàng cướp đoạt từ Nam ra Bắc, và bắt đầu trả thù dân quân miền Nam bằng hình thức tù cải tạo, triệt tiêu tư sản, và đày dân lên vùng kinh tế mới. Quân cảng Cam Ranh trở thành tô giới của Liên Xô. Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam bị sổ toẹt khi không còn chức năng tay sai Hà Nội. Chính sách vô sản hóa được thi hành thống nhất trên cả hai miền. Tài nguyên đất nước được tập trung trả nợ chiến phí. Việt Nam hoàn toàn lệ thuộc vào Liên Xô và nhanh chóng rơi tuột xuống hàng nghèo đói nhất nhì thế giới.

1979 : Chiến tranh xâm lược Cam Bốt và chống trả Trung Quốc

Liên Bang Ðông Dương vẫn từng là giấc mơ của CSVN từ thời thành lập đảng năm 1930. Sau năm 1975, nhân khí thế cưỡng chiếm miền Nam, và với một số lượng vũ khí to lớn sau chiến tranh hai miền, Hà Nội quyết định xâm chiếm Cam Bốt. Những căng thẳng với Cam Bốt xảy ra từ tháng 6/1976, khi Ieng Sary kêu gọi Tân Gia Ba đừng tin vào một liên bang Ðông Dương của Hà Nội. Cuối tháng đó, Khmer Ðỏ tấn công qua biên giới VN. Tháng 7/1977, Lê Duẩn và Phạm Văn Ðồng sang Lào, ký kết hiệp ước hữu nghị, mở đường đưa 40 ngàn quân qua Lào. Trong khi đó, Lê Ðức Thọ sang Mạc Tư Khoa triều kiến Brezhnev. Cuối tháng 7/1977, Liên Xô tăng viện cho Hà Nội 600 cố vấn và các phi đội Mig-21. Tháng 11/1977, Lê Duẩn lại sang Mạc Tư Khoa để trình kế hoạch. Tháng 2/1978, Hà Nội chiêu dụ Heng Samrin và Hun Sen, đến tháng 4/1978, Hà Nội cho thành lập các lực lượng Khờme và Mặt Trận Cứu Nguy Cam Bốt, tương tự kiểu MTGPMN trước đây. Ðầu tháng 12/1978, Hà Nội thành lập bộ chỉ huy cuộc tấn công Cam Bốt, với Lê Ðức Anh làm Tư lệnh lực lượng và Lê Khả Phiêu là phụ tá. Ðến lễ Giáng Sinh 1978, Hà Nội tung quân từ Lào và từ miền Tây Nam Việt sang Cam Bốt, lấy lý cớ diệt trừ Khmer Ðỏ Pol Pot. Cuộc chiến ác liệt khiến đôi bên đều bị tổn thất nặng nề. Sau cùng, lực lượng Pol Pot bỏ chạy về biên giới Thái Lan. Hà Nội thiết lập một Hội Ðồng Cách Mạng Cam Bốt, với Heng Samrin làm chủ tịch và Hun Sen làm bộ trưởng ngoại giao.
Hậu quả cuộc xâm lăng này không chỉ khiến hàng chục ngàn bộ đội CSVN bị chết thảm, nó còn khiến quốc tế lên án Việt Nam, và gần nhất, Ðặng Tiểu Bình tuyên bố là Hà Nội phải bị trừng phạt. Ngày 17/2/1979, Bắc Kinh huy động 85 ngàn quân có thiết giáp yểm trợ đánh tràn vào các chốt dọc biên giới Hoa-Việt. Hà Nội phải huy động toàn lực ở miền Bắc để chống trả, với số thiệt hại rất cao về nhân mạng bộ đội và thường dân. Trong thời gian này, tất cả sử sách liên hệ tới Trung Hoa đều được Hà Nội viết lại bằng lời thóa mạ. Ngày 5/3/1979, quân Tàu san bằng các vùng dọc biên giới và biến Lạng Sơn thành bình địa, sau đó, tuyên bố đạt mục tiêu, và tự triệt thoái.
Cả hai cuộc chiến này, ngay sau mấy thập niên chinh chiến giữa hai miền Nam-Bắc, thật sự vô ích và chỉ nhằm đạt được tham vọng của Hà Nội là khống chế Miên-Lào. Hậu quả lâu dài của nó là Việt Nam hoàn toàn bị cô lập ngoại giao và ngoại thương suốt một thập niên, đóng góp hữu hiệu hơn vào việc vùi dập đất nước dưới vực sâu nghèo đói.
***
Nhìn chung 100 năm cận đại, các sử kiện tiêu biểu trên đây cho thấy là chỉ vì tham vọng của một thiểu số lãnh đạo CSVN, bắt đầu từ Hồ Chí Minh, đất nước Việt Nam đã chịu cảnh điêu linh trong suốt thế kỷ. Và đứng trước thềm thiên niên kỷ mới, hai bài toán độc lập và canh tân của Việt Nam vẫn còn nguyên, như một thách thức kéo dài cho những con dân Việt hằng mong dân tộc bước cùng thế giới tiến bộ đón chào một kỷ nguyên hòa bình và phát triển : Phải chấm dứt chế độ cộng sản để canh tân Việt Nam.
Ngô Trọng Ðức

No comments:

Post a Comment