Bình luận về Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam

Bình luận về Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam

Sunday 17 June 2012

88 * HOÀNG LONG HẢI * HCM HỌC QUỐC HỌC ?

  Hồ Chí Minh học Quốc Học khi mô?

Tuệ Chương (Hoàng Long Hải)
 

Trước đây ít lâu, tôi gọi điện thoại thăm sức khỏe một ông cụ tuổi đã quá 90, một người cố cựu ở Huế. Qua cuộc điện đàm đó, tôi ngạc nhiên về sự minh mẫn của một người đã tuổi cao như thế. Trước đây, gần bốn mươi năm, tôi cũng đã từng được tiếp chuyện ông cụ một lần và cũng đã một lần ngạc nhiên về kiến thức của ông.
Hồi ấy, trong bữa tiệc đám cưới con trai trưởng của cụ, - người nầy là em rể tôi – khi khách trong bàn tiệc nói chuyện chơi rồi lan man qua sự xung đột Nga-Mỹ, nói về sự chia rẽ của nhân loại, ông cụ nói rằng sự chia rẽ là điều không thể tránh được. Theo nhận xét của ông cụ, hồi đó, ông khoảng hơn 50 tuổi, ông cho rằng trong đời sống thực tế, quyền lợi là nguyên nhân căn bản khiến con người ta đoàn kết hay chia rẽ, nhất là trong quan hệ giữa một quốc gia với một quốc gia. Trong gia tộc, trong tình anh em, người ta có thể hy sinh cho nhau vì lý do tình cảm, còn trong phạm vi thế giới, điều ấy khó có được. Từ đó, ông kết luận rằng Nga-Mỹ chỉ có thể đoàn kết khi loài người ở tinh cầu nầy bị một loài người ở một tinh cầu khác tấn công, hoặc giả trong nhân loại của chúng ta, có một thế lực thứ ba nổi lên chống cả Cộng Sản lẫn Tư Bản. Vì quyền lợi của mình, Nga Mỹ buộc lòng đoàn kết lại để chống kẻ thù chung.
Ngày nay, Thế Giới Cộng Sản không còn, nhưng cả Nga lẫn Mỹ đang đối diện với bọn khủng bố Hồi Giáo cực đoan thì Nga Mỹ phải đoàn kết vậy. Lời tiên đoán của ông cụ có phần nào đúng đó chăng?
Trong lần nói chuyện vừa qua, tôi vẫn còn mang trong tôi lòng ngưỡng mộ về kiến thức một ông cụ già nay đã trên 90. Trong câu chuyện, chúng tôi có nói qua về tình hình chính trị hiện tại ở Việt Nam, bỗng ông cụ hỏi tôi:
- “Tôi vẫn có cái thắc mắc. Sách báo ở đây (ở Việt Nam) cứ nói ông Hồ Chí Minh học trường Quốc Học. Tôi không tin như vậy. Anh ở bên đó, sách báo nhiều, anh xem thử có tài liệu nói rõ về việc nầy. Ông Hồ Chí Minh học Quốc Học khi mô?
Trước hết, xin nói về việc thành lập Trường Quốc Học.
Ngày 26 tháng 12 năm 1956, khi tôi đang còn là học sinh của trường nầy, thì trường tổ chức lễ “Kỷ Niệm 60 năm Trường Quốc Học” sau khi trường vừa đổi tên từ “Trường Trung Học Khải Định” thành “Trường Quốc Học Ngô Đình Diệm” (*). Buổi lễ được Tổng Thống Ngô Đình Diệm chủ tọa.
Theo bài diễn văn của cụ Ưng Trình (Một người từng làm thư ký riêng cho vua Bảo Đại) đọc trong buổi lễ hôm đó thì giữa thập niên 1890, ông Ngô Đình Khả nhà ở trước nhà thờ Phủ Cam, ngày ngày đi làm việc ở Tòa Khâm Sứ Trung Kỳ (ở đầu cầu Trường Tiền) hay đi làm việc trong Đại Nội (Tôi không chắc) phải đi ngang “Trại Lính Thủy” của Nam Triều, nay bỏ hoang, bèn nghĩ ra việc mở một trường dạy chữ Quốc Ngữ và tiếng Pháp cho sĩ tử tại địa điểm nầy.
Trước khi bị Pháp cai trị hoàn toàn, tước hết quyền bính, Triều Đình Huế có một đội Thủy Binh và doanh trại của họ đóng ngang với hoàng thành Huế, phía bên kia sông, là địa điểm trường Quốc Học hiện nay. Khi Pháp cai trị rồi, vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị, Pháp buộc Triều Đình Huế, giải tán đội thủy binh. Do đó, doanh trại nầy bị bỏ trống.
Trong buổi lễ kỷ niệm nói trên, những người học khóa đầu tiên, nếu lúc ấy còn sống, đều được mời đến dự. Các vị đó, đều già cả, có nhiều cụ chống gậy. Một trong những cụ đến dự lễ hôm đó, có ông Thị Ngô, hơn 70 tuổi, nhà ở phía trong cửa Đông Ba, sát ngã tư Mai Thúc Loan (Đường Đông-Ba) -Ngô Đức Kế (đường vào chợ Xép, thường gọi là đường Chợ Xép). Xóm chợ Xép “của tôi”, thường gọi là Cụ Hường (Ngô). Sau đây là một đoạn đối đáp giữa tôi và cụ Hường Ngô, là một chuyện có thực, tôi có ghi lại trong truyện ngắn “Cựu Học Sanh” (*) như sau:
“Một hôm, tôi đang ngồi sát cửa sổ, học bài, thỉnh thoảng nhìn ra ngoài trời thì cụ Hường đi xuống nhà cầu, ngang qua cửa sổ tôi, tay vẫn không chống gậy. Khi trở vào, cụ Hường dừng lại bên ngoài, hỏi tôi:
- “Anh học trường Quốc Học?”
Tôi đứng dậy, lễ phép:
- “Thưa cụ, vâng.”
- “Hai đứa cháu nội tôi (*) cũng học ở Quốc Học. Ba nó cũng trường Quốc Học mà ngay chính tôi, cũng là “Cựu Học Sanh” trường Quốc Học.
Tôi nói:
- “Dạ, cháu biết cụ có học Quốc Học. Năm ngoái, lễ kỷ niệm 60 năm “Trường Quốc Học Ngô Đình Diệm” (khoảng thời gian từ 1956 đến 1963, trường có tên như vậy-tg-), các cựu học sinh về dự đông lắm. Cháu thấy cụ có đi dự, mặc quốc phục, đi đầu, chung với mấy cụ già, cụ nào cũng chống gậy.”
Tôi nói các cụ già chống gậy là nói một cách tình cờ, thấy sao nói vậy. Cụ Hường, có lẽ nghĩ khác, nên cụ nói:
- “Bữa đó tôi hơi váng đầu, phải chống gậy. Bữa nay thì khỏe rồi.”
Rồi cụ nói tiếp:
- “Tôi học khóa đầu tiên.”
- “Thưa cụ, vậy hả? Chắc hồi đó trường ốc chưa có gì?” -Tôi tò mò hỏi.
- “Hồi xưa, đó là trại lính thủy của Nam Triều.” -Ông cụ giải thích- “Sau khi Pháp đô hộ rồi thì lính thủy Nam Triều bị giải tán, còn lại mấy cái lán không. Cụ Ngô Đình Khả, thân sinh của cụ Ngô bây giờ, nhà ở Phú Cam, mỗi ngày đi làm việc ở Tòa Khâm Sứ hay trong Đại Nội, tôi không nhớ, ngang qua nơi này, thấy trại bỏ không, mới nảy ra ý kiến dùng làm trường Quốc Học, dạy cho sĩ tử học chữ Quốc Ngữ và chữ Tây. Khóa đầu tiên khai giảng năm 1896. Tôi học khóa đó.”
- “Hồi đó cụ thi vô có khó không?” Tôi hỏi.
- “Có thi đâu!” - Cụ Hường trả lời – thi đậu xong thì bắt học thêm ở trường Quốc Học. Vở với bút chì phải lận dấu trong bụng. May mà mặc áo dài ta nên dấu cũng dễ.”
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- “Sao lại phải dấu?”
- “Ai cũng sợ mang tiếng là theo Tây. Học chữ Quốc Ngữ, chữ Tây là theo Tây, chống lại Triều Đình, chống lại dân mình. Dân người ta thấy, người ta chê cười mình nên phải dấu.”
- “Vậy cụ Ngô Đình Khả đứng ra chủ trương mở trường Quốc Học, không sợ mang tiếng theo Tây sao?” -Tôi lại hỏi.
- “Gốc ông ta làm thông ngôn cho Tây thì sợ mang tiếng gì nữa. Với lại nhiều khi tôi cũng nghĩ, cụ ấy hơn người, nhìn xa thấy rộng, không thể bo bo với mớ chữ Nho xưa mà cứu nước được. Thời thế đã đổi thay. Anh không học thơ của cụ Trần Kế Xương sao?” - Rồi ông cụ đọc tiếp:
Cái học nhà Nho đã hỏng rồi,
Mười người theo học, chín người thôi
“Thơ văn của ta mà không học là dốt lắm đó. Biết chưa?”
Nói câu đó, cụ Hường gằn giọng, tỏ ý khó chịu về cái dốt của học trò ngày nay. Tôi vội vàng nói:
- “Thưa cụ, cháu có học. Trong chương trình lớp đệ lục (lớp 7 bây giờ -tg-) đã có rồi. Bài thơ đó cháu cũng thuộc.”
- “Vậy là tốt. Trường ni là nơi đào tạo nhiều nhân tài, nhiều người nổi tiếng. Học ở đó là để sau làm việc “ích quốc lợi dân”. Biết chưa?”
Nói xong, cụ Hường bỏ đi vào nhà, chẳng thèm chào tôi. Đó là lần đầu tiên mà cũng là lần chót cụ nói chuyện với tôi trong khoảng thời gian tôi ở đây hơn ba năm.”
(*) Hai người cháu nội nầy, khi tôi học lớp Đệ Nhất, họ cùng học một lớp với tôi. Đó là chị Trần Thị Thanh Hương và em chị là anh Trần Văn Viên)
(“Cựu Học Sanh”, “Viết Về Huế” Tập 1. Trang 186-187-189)
Qua đoạn văn trích dẫn ở trên, tôi muốn trình bày với độc giả hai điều:
Thứ nhất là việc vào học trường Quốc Học:
Cuối thập niên 1890, tuy Pháp đã đô hộ nước ta, nhưng tinh thần chống Tây của người Việt chúng ta còn cao, còn mạnh mẽ, tầm nhìn về thế giới chưa rộng nên nhiều khi cực đoan. Người ta không làm những điều gì, việc gì có liên hệ xa gần đến Tây để có thể bị gọi là theo Tây. Dĩ nhiên không đi lính cho Tây, không theo đạo của Tây (đạo Thiên Chúa), không học tiếng Tây, ăn mặc hoặc cắt tóc theo kiểu Tây. Mãi đến khi Nhật Bản thắng Nga trong trận Đối Mã (1905), người Việt Nam mới tỉnh cơn mê. Trước kia, cứ tưởng cái gì của Tàu cũng nhất thiên hạ. Khi một phần hạm đội Hắc Hải của Nga bị Nhật đánh bại, chạy trốn ở vịnh Cam Ranh, người Việt Nam tò mò đến đó xem tàu Nga mới lắc đầu lè lưỡi cho rằng tàu bè súng ống như thế mà còn bị Nhật đánh bại, đủ biết nhờ Minh Trị Thiên Hoàng canh tân, nước Nhật ngày nay hùng mạnh như thế nào?! Những sĩ phu ở Huế hồi ấy như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Trần Quí Cáp, đi xem tàu Nga về, đều trầm trồ khen ngợi việc nước Nhật canh tân. Đầu thế kỷ 20 mới có “Phong Trào Duy Tân”. Chỉ một việc cắt tóc ngắn, không chừa “búi tó” như ngày xưa, các cụ cũng phải làm vè để cổ động dân chúng:
“Phen nầy cắt tóc đi tu,
Tụng kinh Độc lập ở chùa Duy Tân.”
Phong trào Duy Tân là một sự thức tỉnh của người Việt Nam đầu thế kỷ 20, khi “thần tượng” Trung Hoa sụp đổ vì chính nước nầy đang bị các cường quốc xâu xé mà không có cách chi chống lại được. Ý tưởng phải “Duy Tân” không những được cổ động và gây ảnh hưởng trong dân chúng mà còn gây ảnh hưởng ngay cả trong Triều Đình Huế. Các vị vua khi đặt niên hiệu đều chọn theo một ý nghĩa nào đó. Năm 1908, khi vua Thành Thái bị truất phế và thái tử Vĩnh San lên ngôi thì vua mới chọn niên hiệu là Duy Tân. Điều đó không hẳn là không do ảnh hưởng từ tư tưởng Duy Tân nước nhà đang được vận động trong dân chúng.
Về việc lập Duy Tân Hội, sách “Phan Bội Châu Niên Biểu” chép như sau:
“Bắt đầu khai hội từ buổi sáng qua chính trưa tan hội. Tên Hội chỉ người trong hội biết (a) không lập sổ sách, không biên chép họ tên, chương trình kế hoạch chỉ miệng trao lòng nhớ mà thôi. Đặt Kỳ Ngoại Hầu (Cường Để –tg) làm hội chủ, hễ lúc nào xưng hô chỉ gọi bằng ông chủ, cấm không được hở chữ “Hội” ra. Hội viên trọng yếu lúc đó có những người như Nguyễn Hàm, Phan Bội Châu, Trịnh Hiền. Lê Vũ, Đặng Tử Kính, Đặng Thái Thân và các người khác nữa.
(Trong phần ghi chú (a) ở trên, tác giả ghi rằng theo cuốn “Tự Phán” cũng chính của Phan Bội Châu viết thì “tên hội là Duy Tân Hội mà chương trình mãi đến năm 1906 mới được thảo ra thành văn và in vài trăm bản để phổ biến. Chương trình đến tháng 10 năm Tân Hợi (1911) thì tuyên bố thủ tiêu và tên hội đổi thành Việt Nam Quang Phục Hội)
(Phan bội Châu Niên Biểu- trang 37)
Xem thế, cái tinh thần chống Pháp của dân ta lúc bấy giờ khá cực đoan – rõ nhất là trong phong trào “Bình Tây Sát Tả” – thì việc dựng nên trường Quốc Học hồi đó cũng như việc theo học trường nầy đều bị dân chúng lên án là theo Tây, là phản triều đình, phản quốc cả.
Sách “Hồ Chí Minh, Con người và Huyền thoại” của Chánh Đạo viết:
“Những người tốt nghiệp các khoa thi Hương, thi Hội phải qua một giai đoạn huấn luyện tiếng Pháp và quốc ngữ trong khi chờ đợi được bổ nhậm. Đi tiên phong trong chiến dịch chuyển tiếp nầy, dĩ nhiên, là kinh đô Huế. Năm 1896, người Pháp thiết lập trường Quốc Học để dạy dỗ con cháu các hoàng tử, tôn thất, ấm tử các quan lớn, và một số “hậu bổ” (Tức các Tiến sĩ, Phó Bảng hoặc Cử Nhân đang chờ bổ nhậm.)”
(Hồ Chí Minh, Con người và Huyền thoại- trang 78)
Theo cách “tuyển sinh” như trên thì Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân phụ ông Hồ Chí Minh – phải học trường hậu bổ, sau khi ông đậu Phó Bảng năm Canh Tý (1901) “nhưng chẳng hiểu tại sao Huy không được xếp vào hàng “hậu bổ”và nhập học trường Quốc Học như bạn đồng khoa Phan Chu Trinh. Mãi tới cuối năm 1904, Sắc mới được một chức quan nhỏ ở Bộ Lễ. (Sđd- trang 48)
Tuy nhiên, con trai lớn của Sắc, là Khiêm, anh của Hồ Chí Minh, theo sách đã dẫn, lại được “đặc cách” theo học trường Quốc Học vì là ấm sinh, mặc dù theo điều kiện nhập học như nói ở trên phải là ấm sinh con quan lớn mới nhập học được. Bấy giờ, Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ ông Khiêm chỉ mới làm một chức quan nhỏ ở Bộ Lễ.
Anh em ông ông Hồ Chí Minh chẳng đỗ đạt bằng gì cả. Ngay cả bằng yếu lược (tốt nghiệp lớp 3) để có thể xin vào trường Quốc Học, anh em ông cũng không có nốt. Còn thi theo lệ xưa, thì mãi tới 1916 ở Huế mới là khoa thi cuối cùng.
Tôi có đặt vấn đề nầy với Ông Lê Tùng Minh, Phó Tiến Sĩ Sử Học, thì ông cũng đoán – chỉ đoán mà thôi – có thể nhờ thế lực ông Hồ Sĩ Tạo – mà Hồ Chí Minh có được sự đặc cách ấy. Theo tài liệu mới phát hiện gần đây, Ông Hồ Sĩ Tạo chính là cha ruột của ông Nguyễn Sinh Sắc. Cũng lý do đó, có người cho rằng, khi đổi từ họ Nguyễn (Nguyễn Tất Thành) ra họ Hồ (Hồ Chí Minh), ông Hồ muốn trở lại với cái họ gốc của ông.
Năm 1911, trường Hậu Bổ mới được thành lập ở Huế, có thể việc tuyển sinh dễ hơn, nhưng lúc đó, sau khi cha bị cách chức năm 1908, ông Hồ Chí Minh đã lưu lạc vào Nam và qua Pháp rồi.
Nói chung, dù có sợ bị dân chúng chê trách là theo Tây hay không, dù tập ấm con quan hay có bằng cấp nầy kia, xem ra không có cách nào Ông Hồ Chí Minh được theo học ở Trường Quốc Học cả.
Về việc mở Trường Quốc Học:
Sau này, tình thế đổi thay, việc canh tân nước nhà theo các nước Tây phương là điều bắt buộc nên người ta mới nhớ công lao ông Ngô Đình Khả là người có công mở ra trường Quốc Học. Tuy nhiên, hồi đó, ông Ngô Đình Khả mở ra ngôi trường đó là vì lý do gì?
Từ chức “Thông Sự” rồi lên “Trưởng Phòng Thông Sự” ở Tòa Khâm Sứ Huế, Ngô Đình Khả được chuyển qua ngạch quan lại Nam Triều, đời Thành Thái, ông lên tới chức Thượng Thư Bộ Lễ (Dư luận Huế trước đây cũng cho rằng những người xuất thân bên tòa Khâm Sứ qua làm quan Nam Triều thường nhận nhiệm vụ do Pháp giao phó là kiểm soát và kềm kẹp Nam Triều). Vì chống lại việc Pháp đày vua Thành Thái (Đày vua không Khả), con đường hoạn lộ của ông Ngô Đình Khả đi xuống từ khi vua Thành Thái bị truất ngôi. Như thế, xem ra ông Ngô Đình Khả có tư cách cao hơn ông Diệp Văn Cương, gốc miền Nam, cũng là thông ngôn được Pháp phái qua làm việc với Nam Triều. Người ta có thể nói ông Ngô Đình Khả lập ra trường Quốc Học để đào tạo một lớp quan lại có khả năng phục vụ cho chính phủ Bảo Hộ, nhưng ai lại có thể phủ nhận điều ông là người biết nhìn xa trông rộng, nhất là khi còn trẻ, ông đã được các cha cố đưa qua học ở Pénang (Mã Lai). Dù Pénang cũng là một thuộc địa, nhưng những chuyến đi xa khiến ông có thể có được nhãn quan xa hơn những người chỉ quanh quẩn trong nước? Dù theo đạo Thiên Chúa, được du học, qua đó, ông đã làm việc cho Pháp từ rất sớm, nhưng với việc chống lại việc đày vua Thành Thái, ai dám bảo ông là người không có lòng ái quốc, khiến cho người Huế có câu “Đày vua không Khả” để ca ngợi ông?!
Tuy nhiên, nếu như người Huế và đám quan lại triều đình hồi bấy giờ có nhãn quan “nhìn xa trông rộng” như ông Ngô Đình Khả, biết “Duy Tân” để nước nhà có thể phục hồi sức mạnh mà giành độc lập, hay biết chạy “theo thời thế” để ra làm quan với giặc Pháp, mở trường dạy tiếng Pháp và quốc ngữ, thì mãi đến đầu thế kỷ 20, ở Huế mới có trường Pháp Nam và học sinh học chưa quá bậc tiểu học.
Cũng theo sách nói trên của ông Chính Đạo, “Tài liệu văn khố Pháp về An-Nam còn sót lại ở Aix-en Provence cho biết một học sinh tên Nguyễn Sinh Côn, gốc Nghệ An, được đặc ân vào trường Quốc Học Huế từ niên khóa 1908-09. Trò Côn nầy trước đó đã học trường Pháp Nam Thừa Thiên.”
Có thể đây là tia sáng cần soi lại cho kỹ. Cách viết chữ quốc ngữ hồi bấy giờ chưa thống nhất, thường chịu ảnh hưởng cách viết của các cha cố viết chữ quốc ngữ, nhất là hay dùng chữ K thay cho chữ C. Chúng ta đã thấy Hồ Chí Minh viết “Đường Kách Mệnh” khi ông còn ở Quảng Châu, và tên ông Lê Bá Khanh và Lê Bá Kông khi hai ông nầy theo học ở Hồng Kông (*). Do đó, cái tên Nguyễn Sinh Cung có viết thành tên Nguyễn Sinh Côn cũng không có gì lạ. Tên Côn cũng không phải là tên hiếm có trong số dân chúng Việt Nam. Tiếng địa phương, còn gọi Cung bằng Cuông để tránh “phạm húy” – tên một người lớn tuổi, có danh tiếng ở trong làng chẳng hạn. “Kỵ tên” là một phong tục rất phổ biến của người Việt.
Có thể ông Hồ Chí Minh đã được đặc cách vào học Trường Quốc Học, nhưng cũng ngay năm ấy, Hồ Chí Minh bỏ học vì thân phụ ông bị cách chức. Vì gia biến, ông phải bỏ học và lưu lạc vào Nam.
Nói chung, Hồ Chí Minh có thể chưa bao giờ là học sinh trường Quốc Học, hoặc có thể có một thời gian rất ngắn, ông ta học ở đó. Thời gian học ấy quá ngắn ngủi; hoặc tuy đã có tên nhưng chưa kịp đi học thì đành bỏ vì gia biến, nên chưa bao giờ Hồ Chí Minh tự nhận ông có học Trường Quốc Học để trường nầy có thể đào tạo ông trở thành một nhân tài hữu ích cho đất nước, như danh tiếng ngôi trường đã có vậy.
Điều đó cũng không chắc đúng. Một người như ông Hồ Chí Minh, có thể ông không cần cái hư danh ấy. Điều quan trọng hơn, thời gian ấy, vào học Trường Quốc Học là học chữ Tây, ra làm quan với Tây, là theo Tây. Khi đã là một người biết lợi dụng chữ yêu nước, một “Nguyễn Ái Quốc”, chống Pháp giành độc lập, ông muốn tránh cái tiếng xấu theo Tây nên đã dấu đi câu chuyện ông có theo học Trường Quốc Học vào hồi cuối thập niên 1910, cũng như ông đã dấu việc ông xin vào học Trường Thuộc Địa vậy.
Riêng về đám ong kiến bu quanh Hồ Chí Minh, chẳng biết mô tê gì cứ phịa bừa ra là ông ta có học Trường Quốc Học. Họ không biết rằng đám sĩ tử vào học Quốc Học hồi cuối thập niên 1890 và thập niên 1910 so với đám học sinh vào trường Quốc Học sau khi dân ta đã thức tỉnh nhờ Phong Trào Duy Tân, xét về mặt tinh thần, họ khác nhau rất xa./

Tuệ Chương (hoànglonghải)
(Nguồn: www.viet.no - 30/10/2005)
(*) Xin xem truyện ngắn “Nhà Cách Mạng” cùng tác giả, nói về việc đổi tên trường nầy.
(*) Những người già ở Huế, thường dùng chữ “a” thay thế cho chữ “i” trong các danh từ sau đây: Học chánh thay vì Học chính, Chánh phủ thay vì Chính phủ, Học sanh thay vì Học sinh. Cách phát âm như thế còn biểu lộ tính bảo thủ của họ.
(*) Thân phụ hai ông nầy là cụ Lê-Đức Thoan, làm tài xế xe lửa theo đường Hà Nội-Lào Kay và thường giúp đỡ các cha cố khi họ qua lại theo đường từ Hồng Kông, qua Quảng Châu mà xuống Bắc Việt Nam. Qua sự quen biết đó, ông Lê Đức Thoan đã gởi hai con trai của ông theo học ở Hồng Kông.

 
Ông Hồ Chí Minh Không Phải Là Người Việt Nam
Hoàng Long Hải
Chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, người Việt Nam thường nói câu “Sinh ký tử qui”, nôm na là “Sống gởi thác về.” Sống ở cõi đời nầy là sống tạm, khi chết (thác) là về. Về đâu? Xuống địa ngục, lên thiên đàng, cõi niết bàn. Nói như thế là tùy theo tôn giáo, tùy theo các tu sĩ của mỗi tôn giáo thuyết giảng. Tuy nhiên, nhìn chung, người Việt Nam cho rằng về cõi vô hình, trong cõi ấy, có ông bà cha mẹ, những người đã đi trước, nay con cháu về theo.
Con người sinh ra từ cõi vô sinh, khi chết lại trở về cõi vô sinh. Nhà thơ Võ Liêm Sơn viết:

Đầu non mây bạc bóng tờ mờ
Đầu tôi tóc bạc dáng bơ phờ
Ngọn gì cao ngất bên non đó
Có phải mồ tôi đang đợi chờ

Chờ có một ngày tôi trở bước
Sang cõi vô sinh như kiếp trước.
(Ngắm Non Hồng)


Kiếp trước từ cõi vô sinh mà ra. Kiếp nầy cũng vậy, rồi khi chết cũng về lại cõi vô sinh. Vô sinh cũng là hư vô. Con người từ hư vô mà tới, chết lại trở về với hư vô. Hư vô chính là cái đích thực nhứt của kiếp người, cái đích thực đó, cũng gọi là chân nguyên. Người ta từ chân nguyên mà đến, chết cũng trở về với chân nguyên.

Có người nghĩ rằng vì con người từ chân nguyên mà tới thì con người đã có từ khi mẹ về với cha, thậm chí cả trước khi mẹ về với cha. Trong ý nghĩa đó, con người từ mẹ cha mà ra, và khi chết, con người trở về với cha mẹ. Suy rộng ra, con người từ cha mẹ mà sinh ra, cha mẹ từ ông bà tổ tiên mà ra. Trong viễn tượng đó, con người từ ông bà tổ tiên mà sinh ra, và khi chết người ta lại về với cha mẹ, ông bà tổ tiên.


Vậy nên, khi đứa bé bắt đầu biết nói, tiếng nói đầu tiên của nó là mẹ, má, mạ, (Tây Mỹ Tàu thì me, mom, mẫu…). Đó là những âm dễ phát ra nơi cửa miệng trẻ em, từ thực tế, vì mẹ chăm sóc bú mớm hằng ngày. Không bào giờ có “Tiếng đầu lòng con gọi Xít Ta Lin” ngoại trừ những đứa bé “thiên tài” biết nói nịnh như Tố Hữu. Âm Xít Ta Lin khó phát, làm gì có những thiên tài phát âm theo cách ấy.


Câu người Việt thường nói khi nói về sự chết là một mai khi về với “ông bà, tổ tiên”, ai có niềm tin tôn giáo mạnh hơn thì nói là “về với Chúa”, “về với Phật”. Về với Chúa với Phật là nói theo niềm tin tôn giáo, còn như nói theo văn hóa người Việt, dù có nói là về với ai, trong thâm tâm người ta lại nghĩ tới ông bà, cha mẹ. Người ta theo đạo nầy, theo đạo kia, nhưng trong cách nghĩ, tư duy của người Việt, cái gốc của họ là ông bà cha mẹ.


Khi con người sắp chết, cái vô thức mạnh hơn cái ý thức, thì tiếng nói cuối cùng của họ vẫn là “Mẹ ơi!”


Bà ngoại tôi qua đời khi tôi mới một hoặc hai tuổi gì đó. Mẹ tôi goá chồng sớm, lo làm lụng nuôi con, hầu như không bao giờ tôi nghe mẹ tôi nhắc tơí bà ngoại tôi, ngoại trừ ngày giỗ kỵ. Cứ tới ngày kỵ, bà chị dâu của tôi là dâu trưởng, lo đi chợ mua sắm, về nhà cặm cụi nấu cúng. Giờ ngọ, ôn anh tôi là công chức, xin phép về sớm kỵ bà ngoại, không bao giờ mẹ tôi phải nhắc nhở, nên tôi lại càng không thấy mẹ tôi nhắc tới bà ngoại bao gờ. Năm tôi ngoài 40 tuổi, mẹ tôi đã 74 tuổi, bị cao huyết áp, vừa thấy choáng váng, và có lẽ cũng biết mình sắp chết, mẹ tôi nói thảng thốt trong cơn hấp hối: “Mạ ơi! mạ. Mạ chờ con với!” Rồi mẹ tôi bất tỉnh, không còn biết gì nữa cả. Lời nói cuối cùng của mẹ tôi làm tôi suy nghĩ mãi. Hơn bốn mươi năm, không bao giờ tôi nghe mẹ tôi nhắc tới bà ngoại tôi. Vậy mà khi hấp hối, mẹ tôi lại gọi “Mạ ơi!” Vậy thì trong tiềm thức hay trong văn hóa người Việt, bao giờ người ta cũng nghĩ rằng nơi mình sinh ra và nơi mình trở về, chính là mẹ.


Trong cuốn Mùa Hè Đỏ Lửa, nói về cái chết của Hoàng Ngọc Hùng - Hùng móm - Phan Nhật Nam viết như sau sau:
Hùng gọi máy nói chuyện với Liệu (y sĩ Tiểu đoàn) - Lấy được khẩu 54 nào thì tôi cho ông… Liệu ơi! Sao moa nhớ mẹ moa quá, hôm ở Charlie về có được mấy ngày phép lại không đi thăm bà… Hết cuộc hành quân nầy moa xin Mê Linh (Tiểu đoàn trưởng) vài ngày để đi Đà Nẵng… Còn 300 thước nữa là moa thấy cái nhà ở lúc nhỏ, vì thế cứ nhớ bà già!! Thảm thương chưa! Con chim kêu tiếng bi ai trước khi chết, con người linh thiêng hơn biết tìm chốn quê hương để về… Ngày 14 tháng 7 Hùng chết, chết cách sân ga 100 thước nơi thuở xưa Hùng đã nhiều lần đứng nhìn con tàu nám đen từ miền Nam đến để mơ ước chuyến đi xa.
Thấm nhuần văn hóa người Việt mà tôi đã sinh ra và lớn lên trong đó, thấm nhuần một nền giáo dục của người Việt mà tôi học tập trong đó, thấm nhuần những sách vở mà tôi đã đọc, tôi biết chắc chắn rằng, nếu là một người Việt thông thường, chỉ là người thông thường, như tất cả mọi người, tôi biết rằng, người Việt Nam, khi nghĩ tới cái chết là nghĩ tới việc về: Về với mẹ, với cha, với ông bà tổ tiên.


Từ nhận định đó, tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy Hồ Chí Minh viết trong di chúc rằng “Phòng khi tôi đi gặp các cụ Các-Mác, cụ Lê-Nin…” Tại sao ông Hồ Chí Minh không nghĩ và viết như người Việt Nam, rằng “phòng khi tôi về thăm ông bà tổ tiên” mà lại là cụ Các Mác, cụ Lê-nin. Không lý Các Mác, Lê Nin là ông bà của ông Hồ Chí Minh hay chính ông Hồ Chí Minh không phải là người Việt Nam. Thế thì ông Hồ Chí Minh đặt để mẹ cha và ông bà của ông ở đâu nhỉ? Như vậy thì làm sao ông ta có thể là “Cha già dân tộc Việt Nam”. Nếu ông Hồ là cha già của dân tộc Việt Nam thì tổ tiên của người Việt Nam là ông Mác, ông Lê hay sao?!.


Điều nầy cũng giống như mấy ông Việt gian thời thực dân Pháp khoe khoang một cách vô lối rằng “Nos ancêtres sont des Gaulois”.


Vậy là tôi tìm ra rồi, một điều rất rõ, Việt gian ngày xưa cũng như Việt gian ngày nay, họ đều không nhận tổ tiên của người Việt Nam là người Việt mà lại là người ngoại quốc mắt xanh mũi lõ nào đó.


Có thế chứ!!!
hoànglonghải

 

Ðọc Sách Mỹ Nói Về Hồ Chí Minh

Hoàng Long Hải/ Tuệ Chương
 

Ðến Mỹ, những người thích đọc sách thấy thích về số lượng đồ sộ sách báo, tài liệu, v.v... trong các thư viện. Như tại 'town' tôi ở, một 'town' nhỏ nhưng thư viện là một ngôi nhà cổ lớn, rất đẹp, mà sách thì không sao đọc hết được. Những sách nói về Việt Nam, nhất là lịch sử và chiến tranh thì không thiếu gì. Gần mười năm trước, khi mới đến định cư ở Hoa kỳ, tôi tìm đọc một số sách của người Âu Mỹ viết về Việt Nam. Những tác phẩm của Bernard Fall (Two Vietnam, Street without joy), Gary R.Hess (Vietnam and the US), Henry S Kamm (Dragon Escending), Sen Ernest Guening & Herbert W. Beaser (Vietnam Folly) Stanley Karnow (Vietnam a History), Kissinger, (Brother Enemy) Nayan Chanda, v.v... làm cho tôi suy nghĩ không ít. Tại sao họ có quá nhiều định kiến với nhân dân cũng như các chính phủ và quân đội Miền Nam Việtnam? Tệ nhất là cuốn 'Giai Phong, the fall and liberation of Saigon' của Tiziano Terzani, hoàn toàn thiên lệch và định kiến.
Chúng ta ... thất vọng!
Vì sao?
Người Việt thường nói là Mỹ chẳng hiểu gì Việt Nam cả, nhất là với dân tộc Việt Nam, họ như các người mù sờ voi.
Thứ nhứt, người Mỹ, nói chung là Âu-Mỹ, có sẵn định kiến khi nói hay viết về Việt Nam.
Ngay như Bernard B. Fall, người từng viết nhiều sách, báo về Việt Nam, nổi tiếng và phổ biến nhứt là 'Street Without Joy', 'The Two VietNam' (tôi dịch vài đoạn sau đây) là người từng đến Việt Nam sống một thời gian lâu dài, theo chân các đoàn quân Pháp (sau nầy là quân Mỹ) trên khắp chiến trường từ Nam chí Bắc cũng không rành gì về dân tộc Việt Nam.
Thứ hai, thông tin sai lạc và bị tuyên truyền
Thứ ba, thiếu đi vào thực tế
Thứ tư, thiếu nghiên cứu về Việt Nam
Ðể chứng minh, tôi dịch vài đoạn sau đây của Bernard Fall và nhận xét.
(Ghi chú: Sau dây, chữ in nghiêng là phần trích dịch từ trong sách 'Two Viêtnam' của Bernard Fall, phần chữ đứng là nhận xét của người viết.)
&
Trích:
'Cả hai đều là người có học vị, và được coi là 'cha già dân tộc'. Nhưng ông Ngô Ðình Diệm' thì ưa cách ăn mặc truyền thống vị quan lại cũ, trong khi Hồ Chí Minh xuất hiện bằng một hình ảnh gần gủi gọi là 'bác Hồ', vẫn tôn kính nhưng không có vẽ nghiêm khắc như một người cha. Hình ảnh khác biệt đó phản ảnh hai đường lối tuyên truyền. Hình ảnh Ngô Ðình Diệm là truyền thống của một vị quan lại cũ, hoặc mặc âu phục toàn trắng như truyền thống của các tên thực dân. Hồ thì ăn mặc theo kiểu lãnh tụ của Mao Trạch Ðông như các đảng viên của ông ta hoặc áo quần đen nông dân và mang dép 'lốp' như của nông dân hoặc du kích. Rõ ràng những hình ảnh đối chọi ấy phản ảnh đường lối tuyên truyền của hai nhân vật đó và là yếu tố quan trọng trong cuộc đấu tranh giữa hai miền đất nước VN đã bị chia cắt hồi thập niên 1960.
Nhận xét:
Có phải Hồ Chí Minh (HCM) là người bình dân qua cách ăn mặc của ông?
Ðúng ra là mỵ dân chứ không phải bình dân. Mỵ dân là một đường lối tuyên truyền. Không ai cho rằng tuyên truyền mỵ dân là thực bụng, là người thành thật. Nhận xét về HCM, nhiều người cho rằng ông ta là người xảo trá, quỷ quyệt. Vì vậy cái bình dân của HCM tinh vi đến độ mỵ dân, nghĩa là nhìn qua thì không ai thấy, không ai hiểu nên rất dễ bị lầm. Còn cách gọi bằng 'bác' thì cũng là một cách mỵ dân tinh vi vậy, một thứ tuyên truyền tuyệt xảo. Ở Mỹ, chẳng ai gọi Washington bằng 'bác' nhưng ai ai cũng tôn sùng ông là cha già dân tộc. Người dân Nhật tôn sùng hoàng đế, nhất là Minh Trị Thiên Hoàng, người đã đưa Nhật từ một nước phân hóa quân phiệt, lạc hậu lên hàng cường quốc, nhưng dân Nhật không gọi Minh Trị Thiên Hoàng bằng 'Bác' mà gọi là 'Hoàng đế'. Người Tàu gọi Tôn Dật Tiên là 'Quốc phụ' nhưng cũng không gọi bằng 'Bác' như HCM. Ở các nước đó, việc người dân gọi lãnh tụ như thế nào là do tự phát, do lòng ngưỡng vọng của người dân mà ra. Ðầu tiên, khi HCM về cầm quyền năm 1945, vốn dĩ người Việt Nam tôn kính lãnh tụ, gọi ông là 'Cụ Hồ', cũng như gọi 'Cụ Ngô', cụ Phan (Phan Bội Châu hay Phan Chu Trinh). Theo phong tục Việt Nam, trên 50 tuổi thì được gọi bằng cụ (Tới tuổi 50 là 'Tri thiên mệnh' như Khổng Tử nói vậy). Sau 1945 một thời gian, bỗng có lệnh chính quyền Cọng Sản biểu dân gọi là 'bác Hồ'. Dĩ nhiên có lệnh đó là do chính sách tuyên truyền mỵ dân của Cọng Sản mà ra.
Phan Khôi, dù là đảng viên Cọng Sản, không ưa lối 'chơi trội' của HCM, bèn đặt ra câu chuyện 'cười' như sau:
Xưa có ông già sinh ra thằng con trai ngù ngờ, khách đến nhà người thì nó gọi bằng bác, người gọi bằng chú, không đúng với tuổi tác, vai vế người ta. Ông già bèn gọi con lại, dạy: 'Hễ ai không râu thì còn trẻ, gọi bằng chú; ai có râu là người già, gọi bằng bác. Nghe không?' Thằng con vâng lời. Ít lâu sau, ông già cưới vợ cho con. Nghĩ con mình dại dột, sợ đêm động phòng không biết xoay sở ra sao, nên ông già đứng rình trước cửa phòng, xem động tĩnh. Ông nghe có tiếng cởi quần áo sột soạt, và tiếng thằng con trai lên tiếng chào: 'Thưa bác'.
Câu chuyện nầy, dĩ nhiên Phan Khôi đặt ra là để tặng 'Bác Hồ'.
Theo phong tục Việt Nam, gọi người già bằng cụ là điều thường thấy, nhưng biểu người khác gọi mình bằng 'bác' là hỗn, vô phép. Tại sao? 'Bác' là người lớn tuổi, là anh (hay chị) của cha hay mẹ (Em của cha thì gọi là chú, em của mẹ thì gọi là cậu, dì). Khi yêu cầu người khác gọi mình bằng 'bác' là tự coi mình bậc trên của cha hay mẹ người ấy; ấy là chưa kể những người già bằng tuổi HCM hay lớn tuổi hơn ông ta cũng phải gọi ông bằng 'bác' thì 'vô phép' lắm.
Khi tự xưng mình là 'bác' với người khác, ý HCM muôn bày tỏ sự gần gủi, bà con, ruột thịt, đồng bào (cùng một bọc -của mẹ- mà ra). Nhưng có thực HCM coi người Việt Nam là bà con, ruột thịt, một bọc mà ra hay không? Thế những người quốc gia bị Việt Minh giết năm 1945, 46 thì sao? Vụ 'cải cách ruộng đất' hàng vạn người bị giết một cách tàn ác thì sao? Thậm chí những người đồng sanh đồng tử với HCM, ông cũng đem bán đứng cho Tây hay cho ám sát như Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Lâm Ðức Thụ thì sao? Những người bước đầu giúp HCM dựng nên sự nghiệp như Vũ Ðình Huỳnh, Ðặng Kim Giang, sau nầy tù tội và chết thảm nhưng HCM không tỏ ra một chút xúc động, thương tiếc thì sao? Thậm chí cả Nông Thị Xuân, 'cháu ngoan bác Hồ', đầu gối tay ấp với bác, đẻ cho bác một cậu con trai (Hồ Chí Trung) rồi bác làm lơ để cho Trần Quốc Hoàn hiếp thị, giết thị bằng một vụ giả xe cán thì sao? Cái ngọt ngào bà con cật ruột trong tiếng gọi 'bác' là mũi dao lưu cầu rất ngọt đâm suốt trái tim dân tộc Việt Nam.
Cái áo gấm xanh Tổng Thống Ngô Ðình Diệm mặc trong các dịp lễ của đất nước thì đó là 'quốc phục' là cách ăn mặc truyền thống Việt Nam, Bernard Fall không biết gì, gọi đó là cách ăn mặc của quan lại cũ. Thế mấy câu thơ sau đây của Ðoàn Văn Cừ nói cái gì:
Thằng bé em đòi mẹ bế lên thềm
Xem các cụ trong làng ra cử tế
Tiếng chuông trống chen từng hồi lặng lẽ,
Các cụ già áo thụng bước lom khom.
Các cụ già áo thụng đó là người lớn tuổi trong làng, thay mặt dân làng trong các buổi tế lễ ở đình làng, đâu phải là quan cách do triều đình sai đến. Tùy tuổi tác và 'chức sắc' trong làng (lý trưởng, tiên chỉ do làng bầu ra, chứ không phải là giai cấp hoặc nhà vua cắt cử), các cụ mặc áo đen hay áo xanh. Cố Tổng Tống Ngô Ðình Diệm mặc áo xanh là thứ áo các cụ trong làng cũng thường mặc, không phải là quan lại. Cứ gì phải quan lại phong kiến mới ăn mặc như Tổng Thống Diệm trong các dịp lễ lớn. Cách ăn mặc như Cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm là theo truyền thống dân tộc, chứ không phải là truyền thống phong kiến như Cọng Sản tuyên truyền. Nếu ăn mặc theo kiểu phong kiến thì phải mặc 'phẩm phục', (áo có thêu hoa văn) có sự phân biệt theo phẩm là thứ bậc quan cách trong triều. 'Phẩm phục' cho quan văn, 'nhung phục' cho quan võ. Mặc áo dài ta màu đen hay màu xanh thì xưa gọi là 'lễ phục'. Cả ba thứ nầy, đều gọi chung là quốc phục; phổ biến và 'bình dân' nhứt là 'lễ phục'
Ngoài ra, những buổi lễ không có tính truyền thống dân tộc, Tổng Thống Ngô Ðình Diệm vận đồ tây trắng. Trong các dịp lễ, người Ây Tây cũng ăn vận như thế, ngoại trừ chú Sam mặc áo đuôi tôm và mũ sọc dưa là hình ảnh người Mỹ giàu có. Muốn phục hồi hình ảnh đó của nước Mỹ, trong lễ nhậm chức Tổng Thống nhiệm kỳ 1, Ronald Reagan cũng mặc áo đuôi tôm và đội mũ sọc dưa. Có ai gọi đó là Reagan phong kiến, cổ hủ, lạc hậu. Tôi không rõ ở châu Âu, nếu có ai vận bộ complet màu trắng thì người châu Âu có gọi đó là tên thực dân hay không?
Về dòng dõi, thực ra, HCM không thuộc gốc nông dân mà thuộc hàng quan lại, phong kiến. Sách 'The Two Vietnam' của B. Fall viết như sau: 'Thân sinh ông Hồ thuộc hàng 'quí tộc trong làng', có nghĩa là giàu có hơn nông dân quanh làng - Tôi có xem một bức hình chụp nhà ông ở làng ông cho thấy như thế - nhưng nhờ công khó và do lối học từ chương, ông thi đổ và giữ một chức vụ do triều đình ban cho sau khi thế lực cai trị Pháp bao trùm cả triều đình Huế. Theo toàn quyền Decoux, thì thân sinh của Hồ là người giỏi chữ Nho, viết chữ đẹp, thuộc một nhóm ít người không chịu theo học tiếng Pháp.'
Thân sinh HCM là Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, được bổ làm Tri Huyện Bình Khê, tỉnh Bình Ðịnh. Ở Việt Nam ngày xưa, không mấy khi người ta gọi tri huyện là 'ông huyện' mà phải gọi là 'quan huyện', và khi nói thì phải 'bẩm quan', tay thì chắp trước ngực và phải cúi đầu, không được nhìn thẳng vào mặt quan huyện, như thế là 'vô phép'. Gặp quan huyện dữ tính, cho lính nọc ra đánh đòn như không. Quan huyện Bình Khê Nguyễn Sinh Sắc, chắc chắn không phải là một nhà cách mạng để có thể tha cho dân phải vòng tay cúi đầu thưa bẫm, lại càng không phải là quan huyện hiền. Nguyễn Sinh Sắc là một quan huyện bê bối (đệ tử ruột của Lưu Linh thì không thể là người đàng hoàng được, thuộc hàng 'tứ đổ tường') và không hiền nên bị mất chức vì say rượu đánh chết dân.
Cách ăn mặc của HCM thì lại theo Tàu. Kiểu áo lãnh tụ HCM mặc là kiểu của Tôn Trung Sơn, Mao Trạch Ðông, Ðặng tiểu Bình. HCM ưa làm lãnh tụ nên mặc áo kiểu lãnh tụ (Nguyễn Cao Kỳ khi đi dự Hội Nghị Paris 1973 cũng mặc áo kiểu áo lãnh tụ nầy). HCM còn mang tinh thần nô lệ Tàu nên mặc áo kiểu Tàu. (Ông Bùi Tín có nói HCM chưa muốn thi hành 'Cải cách Ruộng đất', nhưng Mao yêu cầu nên ông phải thực hành sớm. Thế cũng là mang cái tinh thần nô lệ Tàu vậy). Nước ta tuy có độc lập về chính trị nhưng về tinh thần, mấy thế kỷ trước thì lệ thuộc Tàu ghê gớm. Người xưa cho cái gì của Tàu cũng nhứt, thậm chí khi bị Pháp xâm lược thì qua Tàu xin cứu viện là một ví dụ. Tinh thần nô lệ văn hóa biểu lộ qua cái áo lãnh tụ kiểu Tàu mà HCM mặc là một ví dụ.
Những điều tôi vừa trình bày ở trên thuộc lãnh vực văn hóa, tâm lý khá phức tạp, nếu không phải là người Việt Nam sẽ khó thấy được. Rõ ràng trong phạm vi nầy, B. Fall chẳng hiểu gì văn hóa và tâm lý người Việt cả, lại thiên tả, mang sẵn định kiến với người Miền Nam, nhân dân Miền Nam, với chế độ Cọng Hòa Miền Nam nên đã có một cách nhìn và trình bày sai lạc và hết sức tai hại.
&
Trích:
Những nhận định về Hồ khác biệt nhau rất sâu sắc không chỉ giữa những người Cọng Sản và Không-Cọng-Sản mà cả ở quan sát sát viên của hai phe phái và ở những quốc gia trung lập. Vì vậy, theo Nehru, thì Hồ là người 'hết sức đáng yêu và rất thân thiện', trong khi cựu đảng viên Cọng Sản Ấn Ðộ M.N. Roy, người cùng học với Hồ ở đại học Ðông phương Toilers ở Moscow hồi năm 1924, thì nhớ 'cá tính của Hồ không có gì đặc sắc và cũng không phải là một học sinh giỏi. Một cựu nhân viên tình báo Mỹ OSS, từng làm việc gần gủi với Hồ khoảng vài tháng trước khi Thế Giới Chiến Tranh Thứ II chấm dứt thì mô tả Hồ là 'một anh chàng hết sức ngọt ngào', 'phẩm cách nổi bật của y là hết sức dịu dàng'. Paul Mus, một người Pháp nghiên cứu về Ðông phương, hồi năm 1946, 47 thực hiện vài lần thương thảo với Hồ thì cho rằng ông ta là người 'không khoan nhượng và không mua chuộc được.' Trong khi đó, nhà hoạt động xã hội Pháp, người từng hoạt động với Hồ hồi thập niên 1920 ở Paris thì nhớ rằng 'ông ta chẳng phải là người cực đoan và hết sức tế nhị. Thuyền trưởng Gerbaud của hải quân Pháp chỉ huy tàu Dumont d' Urville mà Hồ là khách của tàu nầy trên chuyến đi 21 ngày từ Pháp về Việt Nam năm 1946, có cơ hội duy nhất trong số những người Tây Phương, quan sát Hồ hết sức cận kề. Tới cuối chuyến đi, Gerbaud báo cáo lên cấp chỉ huy rằng Hồ là người 'thông minh và quyến rũ, say sưa với lý tưởng và hết sức chú tâm vào những gì ông ta đã theo đuổi. Gerbaud cũng ghi nhận rằng 'niềm tin ngây thơ của Hồ vào khẩu hiệu chính trị-xã hội của thời đại chúng ta và, nhìn chung, mọi điều đã được phổ biến.'
Nhận xét:
Các nhân vật nói trên có thể xếp thành hai hạng khác nhau:
Một là những người tiếp xúc với HCM trong một thời gian ngắn và là mục tiêu của HCM cần tranh thủ cảm tình. Ðó là: Nerhu, thủ tướng Ấn Ðộ, một nhân viên OSS, Paul Mus, thuyền trưởng Gerbaud.
Hai là những người từng chung sống lâu dài với HCM, khiến HCM không che dấu được chân tướng của ông. Tục ngữ nói: 'Ði lâu mới biết đường dài, ở lâu mới biết con người phải chăng.' Ðiều đó là đúng ngay trường hợp các ông Cựu đảng viên Cọng Sản Ấn Ðộ M.N. Roy và thứ hai là một nhà hoạt động xã hội Pháp, những người tiếp xúc với HCM lâu dài.
Một người như HCM dĩ nhiên có hai bộ mặt: là con cừu, con nai trước mặt con sư tử và trở thành con cọp trước những con nai. Nhìn chung, biến trá là bản chất của ông. Muốn là người biến trá, không phải dễ, người đó phải thông minh và khéo léo, nhưng không bao giờ là người chân thật như Phùng Quán nói trong bài thơ 'Lời Mẹ Dặn'.
&
Trích:
Ngay ngày sinh của Hồ cũng không chắc là ngày nào. Các nguồn tin của Cọng sản thì nói năm 1890, 1891 và 1892 do họ nhứt trí với nhau từ lúc đầu. Chính xác về ngày tháng theo chính phủ Hà Nội thì đó là ngày 19 tháng Năm. Cũng theo chính phủ trên thì ông sinh tại làng Kim Liên, huyện Nam Ðàn, tỉnh Nghệ An, miền trung Việt Nam, gần với ranh giới Bắc phần. Tuy nhiên, tên thật của ông vẫn còn là một huyền thoại. Nhiều nguồn tin Cọng Sản Tây phương thì nói rằng tên khai sinh của ông là Nguyễn Ái Quốc, có nghĩa là ông 'Nguyễn yêu nước'. Theo nguồn tin của Cọng Sản Pháp, muốn nhấn mạnh đến tính phổ biến của Hồ thì họ Nguyễn là một họ rất phổ cập ở Việt Nam giống như tên 'Jean' của người Pháp vậy. Nói 'Nguyễn Ái Quốc' thì cũng như người Pháp nói 'Jean le-patriot' (Jean Ái Quốc) vậy.
Nhận xét:
Nói về việc tổ chức sinh nhật, tôi xin trích và dịch một đoạn trong cuốn sách 'Saddam Hussein and the Crisis in the gulf' như sau: 'Mặc dù người Hồi không như người Tây phương thường tổ chức ngày sinh nhựt, nhưng Saddam đã biến ngày sinh của y thành một ngày quốc lễ.
Theo phong tục Việt Nam thì người Việt không ăn lễ sinh nhựt. Nếu ai đó, nhất là thời bây giờ người ta có tổ chức sinh nhựt thì đó là họ bắt chước người Tây phương hay bắt chước HCM. Người Việt chỉ làm lễ húy kỵ tức là kỷ niệm ngày qua đời mà thôi. Ngay cả vua chúa ngày xưa cũng vậy. Người Việt chúng ta trọng tinh thần cộng đồng, sinh ra và lớn lên là mang ơn sinh thành của cha mẹ, mang ơn xóm làng, dân tộc đất nước, nên khi lớn thì phải trả hiếu cho cha mẹ, sống phải có ích nhà lợi nước, nhân quần xã hội. Ai không làm tròn nhiệm vụ đó thì không xứng làm người, giỗ kỵ còn chưa có nói chi tới sinh nhựt. Người ta thường nói 'cái quan định luận'; nghĩa là đóng nắp hòm lại rồi mới nhận định cái tốt, cái xấu của người nằm xuống. Thành ra 'cóc chết để da người ta chết để tiếng' là điều rất quan trọng. Những người có công trạng lớn với đất nước như Ông Trần Hưng Ðạo, Lê Lợi, Hai Bà Trưng hoặc cận đại như Nguyễn Trung Trực, Trương Ðịnh, Nguyễn Tri Phương thì đều lập đền thờ, tôn vinh làm thánh, làm thần, dân chúng tới lui cầu nguyện mà chính quyền cũng lễ bái hàng năm cầu cho 'quốc thái dân an'. Thực ra, trước khi tựu nghĩa, Nguyễn Trung Trực chỉ là người thuyền chài. Chắc là không ai làm lễ sinh nhựt cho anh thuyền chài đó. Nhưng khi ông là anh hùng dân tộc, vị quốc vong thân, thì người dân phong thánh cho ông. 'Cái quan định luận' là ở chỗ đó vậy.
Khi tôi còn trẻ, làm 'giáo tại giá ở nhà ông chú. Khi đứa con trai đầu của ông thi đậu trung học, ông cho tiền đi ăn kem, nhưng khi nó đòi ăn sinh nhựt thì bị ông mắng: 'Mi đã làm chi ích nhà lợi nước chưa mà đòi ăn mừng mi ra đời'. Có lẽ ngày nay, mỗi lần ăn sinh nhựt, 'cậu học tró nhỏ của tôi hồi đó chắc thường tự hỏi mình có làm gì 'có ích cho nhân quần xã hộí chưa như lời bố dạy.
Ngày 19 tháng 5 năm 1946, mới lên làm chủ tịch chính phủ, HCM cho tổ chức sinh nhựt của ông. Thế có phải ông cho rằng mình xứng đáng để người dân Việt Nam ăn mừng ngày ông ra đời chăng hay ông muốn tô vẽ cho mình, suy tôn lãnh tủ HCM hơi vội đấy, chưa 'cái quan' sao đã 'luận định rồi?
Theo giáo sư Hoàng Văn Chí trong cuốn 'Từ Thực dân đến Cọng sản' thì không rõ HCM sinh ngày nào. Số là mấy hôm trước 19 tháng 5 năm 1946, đại diện Pháp Sainteny đến Hà Nội. Võ (Nguyên) Giáp thậm thụt đến gặp Sainteny tại nhà khách để tính chuyện tiêu lòn, tiếp đón 'thù ngoàí (Pháp) để diệt 'giặc trong' (các đảng phái quốc gia và các tôn giáo). Nhưng về mặt chính thức, Sainteny nhứt định không đến thăm (ngoại giao) HCM, vì đến có nghĩa là công nhận chính phủ HCM hay sao?! HCM bày ra một mẹo, lấy ngày 19 tháng 5 làm ngày sinh nhựt và sai Võ (nguyên) Giáp đi mời Sainteny tới dự tiệc. Theo phong tục Pháp, Sainteny không thể từ chối lời mời được. Tuy nhiên, với công luận, đến dự lễ sinh nhựt HCM là coi như Pháp công nhận chính phủ HCM, tạo thế cho Hồ thẳng tay đàn áp đối lập.
Trong chiến tranh Việt Pháp, nhân mừng ngày sinh nhựt HCM, bộ đội Việt Minh mở nhiều tấn công và tiêu diệt đồn bót quân đội Quốc gia, trong số có một bót tại làng ngoại tôi, khiến mấy người cậu họ bên ngoại tôi tử trận. Rút kinh nhiệm đó, sau nầy bị động viên ở trong quân đội Việt Nam Cọng Hòa, hễ gần tới ngày sinh nhựt HCM, tôi phải đi thanh tra các đồn bót trong vùng trách nhiệm, cho củng cố hệ thống phòng thủ, có kế hoạch phản công nếu bị địch tấn công. Năm nào đến ngày nầy cũng có vài trận, dĩ nhiên bên nào cũng có người chết. Tôi chắc những người chết đó, dù là người theo 'bác' hay chống 'bác' cũng điều xuống âm ty hỏi tội 'bác' cả. Còn mẹ, vợ hoặc con cái của những người tử trận ấy, ngày nay họ nghĩ gì, đau buồn như thế nào khi đến ngày 19 tháng 5, chính quyền Cọng sản tổ chức 'mừng sinh nhựt ' bác Hồ? Nếu muốn 'hòa hợp hòa giải dân tộc' nên dẹp bỏ 'kỷ niệm ngày 19 tháng 5' thì hơn.
&
Trích:
Cựu đảng viên Cọng Sản Ðức Ruth Fischer mới qua đời, người biết rõ Hồ thời gian ở Moscow, cả hai hoạt động cho Ðệ Tam Quốc Tế mới hình thành nói rằng thân phụ của Hồ tên là Nguyễn Sinh Huy và tên của Hồ là Nguyễn Tất Thành. Nhà văn Cọng Sản người Úc Wilfred Burchett, sau năm 1954 có sống mấy năm ở Hà Nội, biết rất rõ Hồ Chí Minh, xác nhận một cách chắc chắn tên thật của Hồ Chí Minh là Nguyễn Văn Thành, đó là cách thông thường người Việt Nam đặt tên cho đàn ông. Lại nữa, ít ra, Hồ cũng dùng cả chục tên hiệu trong suốt thời gian Hồ làm gián điệp cho Cọng Sản.
Có lẽ Hồ là con út trong một gia đình có ba anh chị em. Chị của ông tên là Thanh, sinh năm 1884, và anh tên là Khiêm, sinh năm 1888. Hai người nầy không thích chính trị, vẫn còn ở làng trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, cày bừa trên đám ruộng của gia đình. Khiêm chết năm 1950, và chị ông, chưa bao giờ kết hôn, chết năm 1953.
Thân sinh ông Hồ thuộc hàng 'quí tộc trong làng', có nghĩa là giàu có hơn nông dân quanh làng - Tôi có xem một bức hình chụp nhà ông ở làng ông cho thấy như thế - nhưng nhờ công khó và do lối học từ chương, ông thi đổ và giữ một chức vụ do triều đình ban cho sau khi thế lực cai trị Pháp bao trùm cả triều đình Huế. Theo toàn quyền Decoux, thì thân sinh của Hồ là người giỏi chữ Nho, viết chữ đẹp, thuộc một nhóm ít người không chịu theo học tiếng Pháp.
Việc không theo học tiếng Pháp là một lý do đóng góp vào việc ông bị cách chức sau nầy, mặc dù các nguồn tin Cọng Sản thì nói rằng lý do cách chức là vì ông tham gia một hội kín chống Pháp, Pháp thì lại cho rằng ông ta là người có tác phong đạo đức kém nên bị mất chức. Theo như tình hình Việt Nam hồi thập niên 1890, lý do nào cũng đáng tin. Theo một nguồn tin Ðông Ðức mới đây còn nói xa hơn nữa rằng thân sinh ông Hồ từng bị đày đi Côn Ðảo, một nhà tù nổi tiếng tàn ác, nằm phía ngoài khơi bờ biển Nam Việt. Pháp cũng như Cọng Sản Việt Nam đều không xác nhận sự kiện nầy. Tuy nhiên có điều rõ ràng thân sinh ông Hồ là người rất yêu nước. Và cậu trẻ ấy đã học từ cha ông nỗi nhục nhằn mất nước về tay ngoại bang. Vào lúc tuổi Thành là người làm liên lạc cho thân sinh ông và các người yêu nước cùng chí hướng nhưng vì bố Thành phải lo kiếm sống cho gia đình nên phải làn nghề thầy thuốc Bắc, là một nghề y có tính truyền thống của người Tàu cũng như Việt.
Nhận xét:
HCM sống không có tình nghĩa anh em cũng như gia tộc. Ông bỏ nhà ra đi năm 21 tuổi (1911), để cha già lại cho chị (tên là Thanh) phụng dưỡng, để mồ mã ông bà lại cho anh ông (tên là Khiêm) chăm sóc. Thậm chí ngôi mộ thân sinh HCM tại Cao Lãnh cũng do một viên thiếu tá quận trưởng chính quyền Việt Nam Cọng Hòa cho xây cất là vì cám cảnh ông Nguyễn Sinh Sắc lưu lạc rồi bỏ thân nơi đất khách quê người, không ai hương khói, chăm sóc mồ mả. Cũng theo Hoàng Văn Chí nói ở trên, năm 1945, nghe tin HCM về làm chủ tịch chính phủ, chính là em ruột mình, nên Nguyễn Sinh Ðạt (trong sách của B. Fall nói là Khiêm) ra Hà-Nội thăm em. Hai anh em gặp nhau trong khoảng 1 giờ đồng hồ, rồi người anh ra về. Từ đó về sau, người anh không bao giờ đi thăm em lần thứ hai nữa. HCM nói gì với anh mà anh ông có thái độ 'đoạn tình' như thế? Bà chị HCM, ở vậy, không lấy chồng để nuôi cha, theo chân cha lưu lạc vào Nam để sớm khuya phụng dưỡng, khi cha chết thì bà đã lớn tuổi, về quê. HCM không bao giờ nhắc tới người chị. Theo phong tục cổ Việt Nam, việc chăm sóc cha mẹ già là việc anh em trai của ông, đâu có phải là trách nhiệm con gái 'xuất giá tòng phu'. Ít ra, đối với sự hy sinh lớn lao đó của người chị, không những HCM phải cám ơn bởi vì có bà chị ông hy sinh chăm sóc cho cha thì HCM mới rảnh tay lo việc đảng, mà cả những đảng viên Cọng Sản VN bây giờ giàu có, sung sướng, sang trọng cũng phải nhớ công ơn của người đàn bà quê mùa đó nữa!
Thực ra, thân sinh HCM không bao giờ có hoạt động yêu nước, chỉ là do Cọng Sản tô vẽ nên vậy mà thôi. Ông không học chữ Pháp là vì ông sợ dân chúng chê cười. Năm 1956, khi tôi đang học ở trường Quốc Học Huế (hồi đó mới đổi tên là Quốc Học Ngô Ðình Diệm) thì có lễ kỹ niệm 60 trường Quốc Học. Cụ Hường ở bên cạnh nhà tôi là nội tổ hai người bạn học (anh Trần văn V. và chị Trần Thị Thanh H.) là người theo học niên khóa đầu tiên của Trường Quốc học nầy (niên khóa 1896-1897). Lúc đó ông Ngô Ðình Khả (thân sinh Cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm) là người đứng ra lo việc mở ngôi trường nầy và làm Chưởng Giáo (Hiệu Trưởng). Sĩ tử ở trường Hậu Bổ (chỗ rạp ciné Hưng Ðạo sau nầy) là trường đào tạo quan lại của triều đình Huế, sau khi ra trường, thay vì được bổ ra làm quan liền thì bấy giờ phải qua học thêm một thời gian tại trường Quốc Học. Học chữ Quốc ngữ là chính, học tiếng Pháp là phụ. Theo cụ Hường (nói trại chữ Hồng Lô Tự Khanh, kỵ húy không gọi là Hồng mà Hường vì Hồng Nhậm là tên vua Tự Ðức) thì khi đi học ở trường Quốc Học, chỉ đem theo cuốn vở (tập) và cây bút chì nên 'dấu cũng dễ'. (lận vở vào trong áo dài ta). Tôi hỏi cụ Hường sao phải dấu thì cụ bảo: 'Học chữ Quốc ngữ, học chữ Tây là theo Tây, người ta cười cho.' Sợ người ta cười thì sợ nhưng cũng phải học vì muốn ra làm quan.
Xem thế, nói ông Nguyễn Sinh Sắc không chịu học chữ Pháp vì lòng yêu nước là sai. Bấy giờ ở triều đình có biết bao nhiêu người không muốn hợp tác với Tây mà xin từ quan (như Bùi Hữu Nghĩa chẳng hạn). Nguyễn Sinh Sắc muốn làm quan là đi ngược lại con đường những người yêu nước xin từ quan vậy. Theo Ðặng Trần Thường trên báo Quê Mẹ có tờ trình của Bộ Lễ về việc ông Nguyễn Sinh Sắc, Tri Huyện Bình Khê say rượu đánh chết dân. Thân phụ HCM không phải là người say rượu mà thôi mà đúng ra là người 'nát rượu' (có nghĩa là say sưa bê bết, hạng người tệ lậu), chẳng tham gia hoạt động yêu nước nào hết, chẳng qua vì kém tác phong, thiếu đạo đức, độc ác nên mất chức tri huyện mà thôi. Cọng Sản Ðông Ðức nói thân sinh ông HCM có bị đày đi Côn Ðảo thì cũng là chuyện các nhà viết sử Cọng Sản trong nước cũng như ngoài nước đua nhau vẽ vời nịnh hót mà thôi.
B. Fall viết rằng: 'Tuy nhiên có điều rõ ràng thân sinh ông Hồ là người rất yêu nước. Và cậu trẻ ấy đã học từ cha ông nỗi nhục nhằn mất nước về tay ngoại bang. Vào lúc tuổi Thành là người làm liên lạc cho thân sinh ông và các người yêu nước cùng chí hướng'. Không hiểu B. Fall dựa vào tài liệu nào mà viết câu nầy. Ðây là điều 'cương ẩu' hết sức sai lạc. Ông Nguyễn Sinh Sắc (NSS) không tham gia một tổ chức yêu nước nào cả thì làm gì có việc Nguyễn Tất Thành (HCM) làm liên lạc với những người yêu nước cho cha?
&
Trích:
Ông ta vào Nam và thành công khi làm nghề thuốc Bắc nầy. Năm 1952, Trần Huy Liệu, một người hoạt động cách mạng và đồng chí thân cận của Hồ nói với tôi rằng hồi thập niên 1930, người ta còn thấy thân phụ Hồ Chí Minh sinh sống ở Nam Việt Nam bằng nghề làm thầy thuốc Bắc (có lẽ còn mang theo lòng yêu nước và cả những tư tưởng tiến bộ của con ông). Ông ta qua đời vào giữa thập niên 1930.
Trần Huy Liệu nói: 'Tôi nhớ rất rõ khi ông ta qua đời; lúc ấy tôi đang ở trong nhà tù Pháp. Theo Phạm Văn Ðồng thì có một thời gian chị ông Hồ bị tù vì các hoạt động của em bà. Bà mẹ của Hồ là một người gốc nông dân hiền lành, chết sớm ở quê nhà. Hồ Chí Minh không bao giờ nhắc đến mẹ ông.
Người ta chỉ đồn về việc Hồ Chí Minh có vợ và có gia đình. Có thể là, khi giả làm một thương gia Trung Hoa sau khi trốn khỏi Hồng kông năm 1931, tạm thời ông ta làm như là người có 'gia đình' để ngụy trang. Hồ và các đồng chí của ông tránh các mối liên hệ gia đình. Trong chiến tranh Ðông Dương, các tù binh người Pháp vài lần thấy một người lính Lê Dương người Ðức còn trẻ được Hồ Chí Minh nhận làm con nuôi, vì vậy anh ta có tên là Hồ Chí Long. Ðiều nầy cũng không có gì lạ, khi một người danh tiếng ở Viễn Ðông nhận một người trẻ tuổi làm 'con nuôi' (như trường hợp ông Ngô Ðình Diệm vậy). Do đó, Hồ cũng có thể nhận một người Ðức làm con nuôi. Tuy nhiên, sau hiệp định ngừng bắn 1954, người ta không còn thấy Hồ Chí Long.
Ít ra, có điều chắc là sự nghiệp cách mạng của Hồ bắt đầu rất sớm. Trước hết, ông hấp thụ một nền giáo dục căn bản Hán Việt ở trường làng và ở thân phụ ông, đậu phó bảng. Nhiều người nói rằng sau đó ông Hồ theo học trường trung học Vinh. Tuy nhiên, có bằng cớ cho thấy ông Hồ có theo học một trường trung học tốt nhứt Việt Nam, đó là trường Quốc Học ở Huế. Có lẽ cuộc đời ông Hồ chịu ảnh hưởng sâu sắc khi học tại ngôi trường nầy. Ngôi trường nầy do ông Ngô Ðình Khả sáng lập, môt viên chức cao cấp của triều đình Huế và thân phụ ông Ngô Ðình Diệm của Nam Việt Nam, vì mục đích còn tồn tại lâu dài ở Việt Nam về một đường lối giáo dục đào tạo ra những người có kiến thức Tây phương theo quan điểm lành mạnh của Pháp. Tên của trường học có chữ Quốc là Nước, hàm ý Quốc gia, là có ý nghĩa quan trọng và một danh sách học sinh gồm những người tốt nghiệp ở trường nầy hay bị đuổi học khỏi trường nầy trong hơn bốn chục năm qua, được xem như là những nhân vật lỗi lạc của Cách Mạng Việt Nam về cả hai phía bên nầy hay bên kia vĩ tuyến 17 như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Ðồng và Ngô Ðình Diệm.
Theo Phạm Văn Ðồng, Hồ rời trường Quốc Học năm 1910, chẳng đậu bằng cấp gì vì những hoạt động chống Pháp của Hồ, có thể coi như những hoạt động của Hồ giữa tuổi 12 và 20. Các nguồn tin khác trước đó chẳng nói gì hơn ngoài việc nói Hồ bị đuổi học khỏi trường trung học Vinh khi ông ta ở tuổi 12 hay 14. Sau đó, ông ta phải tự kiếm sống. Ông ta đi về phía Nam và làm trợ giáo tại trường Dac Thanh, một tư thục ở Phan Thiết, một tỉnh nhỏ chuyên nghề đánh cá ở phía Nam Trung Phần, trường do một phần tử chống Pháp điều khiển, cũng như trường Quốc học Huế, một loại trường học dạy chương trình hiện đại, không do Pháp điều khiển. Gần hai mươi năm sau, một người khác cũng đến Phan Thiết và cũng nổi danh, không phải danh tiếng trong giới học thức mà lại thuộc lãnh vực cầm quyền. Người đó là ông Ngô Ðình Diệm.
Nhận xét:
Chuyện học hành của Hồ Chí Minh khá mơ hồ. Có thể khi còn nhỏ ông ta học chữ Nho như cách giáo dục của người Việt thời kỳ đó. Thậm chí những người sinh vào đầu thế kỷ 20, sau HCM khoảng 10 tuổi, khi lối thi cử theo lệ xưa chưa bỏ hẵn, thì vẫn còn học chữ Nho. Ðối với việc cải cách giáo dục mãi đến năm 1908, triều đình Huế mới đặt thêm Bộ Học (Bộ Giáo Dục) để lo công việc cải cách nầy và mãi đến các năm 1915, 1916 mới bải bỏ lệ thi theo kiểu xưa (thi hương, thi hội.
HCM có học chữ Nho nên khi ở Trung Hoa, ông hoạt động tương đối dễ, và có thể 'chôm' thơ của một ông cụ già Tàu đển biến thành 'Ngục Trung Nhật Ký' của ông. Việc 'chôm' thơ nầy cũng là vấn đề 'chiến lược chính trị' chớ chẳng phải vì tinh thần văn nghệ hay gì cả. Khoảng các năm 1956, 57 vì phong trào 'Trăm Hoa Ðua Nở' đi chệch đường lối của đảng nên HCM cũng phải chứng tỏ là người có khả năng văn nghệ để lãnh đạo đất nước, nên phải ấn hành một tập thơ của 'bác'. Kẹt là HCM không có thơ hay nên phải 'đạo thi', nguyên văn một tập thơ của một ông già Tàu mà HCM đã lấy được khi ở chung một nhà tù hồi năm 1941. Lúc ấy HCM qua Tàu và bị quân Tàu Tưởng bỏ tù. (Xem Lê Hữu Mục, 'Hồ Chí Minh không phải là tác giả Ngục Trung Nhật Ký').
Không biết ai 'phong' cho HCM học trường Quốc Học? Theo lời cụ Hường như tôi dẫn trên, những ai học trường hậu bổ xong mới qua học trường Quốc Học. Ðó là thời gian trường Quốc Học mới mở (1896). Việc học quốc ngữ và chữ Pháp lúc đó chưa mở mang lắm. Xin xem đoạn trích sây đây để nghiên cứu lại:
'Buổi đầu chỉ có các nhà truyền giáo sư dùng chữ quốc ngữ để dịch những kinh nhật tụng cùng sách giáo lý vấn đáp. Ðến sau khi Nam Việt thành thuộc địa (1867), Chính phủ đem chữ quốc ngữ dạy ở các trường học, các nhà tân học bấy giờ như Trương Vĩnh Ký, Paulus Của, cũng dùng chữ quốc ngữ để viết văn. Ở Trung Việt bấy giờ có ông Nguyễn Trường Tộ xin triều đình thông dụng chữ quốc ngữ, nhưng trong buổi hán học thịnh hành lời đề xướng của ông không ai để ý đến. Ðến đầu thế kỷ 20 thì các nhà học giả Bắc Việt như Ðào Nguyên Phổ, Phan Kế Bính cũng bắt chước văn sĩ Nam Việt dùng chữ quốc ngữ để viết sách báo.
Năm 1906, chính phủ Bắc Việt đặt Hội Ðồng Cải Cách Học Vụ (Conseil de perfectionnement de l' enseignement) sửa lại chương trình và bắt đầu dùng Việt Ngữ làm món giáo khoa phụ. Năm 1908 ở Trung Việt đặt Bộ Học để thi hành việc cải lương ấy.'
(Ðào Duy Anh, Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, trang 270)
Ta thấy mãi đến đầu thế kỷ 20, việc học chữ Nho còn thịnh, tinh thần bài Pháp còn mạnh nên việc học chữ quốc ngữ và chữ Pháp không phát triển được. Việc cải cách giáo dục thì mãi đến 1908 (Năm vua Thành Thái bị đày và Duy Tân lên ngai) mới có Bộ Học để thi hành. Có phải tới lúc đó trường Quốc Học mới nhận sĩ tử ở ngoài thi vô còn trước đó chỉ dành cho các sĩ tử xuất thân trường hậu bổ. Cứ kể như HCM đi học lúc 10 tuổi (1900), dĩ nhiên học chữ Nho với thân phụ ông hay với người trong làng, còn như học chữ quốc ngữ, chữ Tây, (chưa chắc đã dám đi học trong tình hình bài Tây như thế) thì học với ai? Trường nào? Khi HCM ở khoảng tuổi đi học, trường tiểu học Vinh (sau nầy thành trung học) đã có chưa vì lúc đó Trung Kỳ chưa có cải cách giáo dục. Ngay cả Ông Ngô Ðình Diệm (sinh ngày 3 tháng Giêng năm 1901), nhỏ hơn HCM 10 tuổi cũng còn học trường Hậu Bổ (tập ấm: Con quan lớn trong triều, đương nhiên được vào học, xong trường Hậu Bổ, qua trường Quốc Học). Rõ ràng một điều: HCM không vào được trường Hậu Bổ vì tuy HCM con quan nhưng quan nhỏ (Tri huyện, so với Ngô Ðình Diệm là con quan Thượng Thư Bộ Lễ Ngô Ðình Khả, sau nầy làm tới Phụ Chánh Ðại Thần), lại là tri huyện bị cách chức vì can tội say rượu đánh chết dân nên HCM không được đương nhiên 'tập ấm' để vào học trường Hậu Bổ. HCM cũng không thi đổ cử nhân hay tú tài (thi theo lệ xưa) để có thể vào học trường nầy. Có phải vì ông ta có tinh thần cách mạng mà không thèm vào trường Hậu Bổ? (Có thể các 'sử gia' Cọng Sản tô vẽ như thế). Nhìn chung, HCM có thể là 'nạn nhân' chế độ học hành buổi giao thời: Học chữ Nho với một người cha thích uống rượu hơn là dạy chữ thánh hiền cho con, học không song suốt ở làng vì có lúc ông phải theo cha vào Huế, học với ai đó khi cha mẹ ông lúc thì ở Huế, lúc ở huyện Phú Vang (quá xóm Vĩ Dạ). Cách học chữ Nho như thế chưa ra đâu vào đâu, nói chi tới học chữ quốc ngữ, chữ Tây. Vì vậy, khi ông vào Phan Thiết, dạy ở Trường Dục Thanh (B. Fall viết là Dac Thanh) không được bao lâu vì trình độ của thầy giáo quá thấp, nên bỏ nghề lưu lạc vào Saigon.
B. Fall viết HCM có khi học ở trường Vinh, có khi ở trường Quốc Học chỉ là nói ẩu. Khi HCM lớn lên thì trường Vinh đã có đâu để ông ta vào học ở đó! Nếu HCM còn sống, người ta có thể không chấp thuận cho HCM tham gia 'Hội Cựu Học Sinh Trường Quốc Học' vì mỗi một lý do chánh đáng là ông ta có học ở trường nầy ngày nào đâu (*)
Vì học hành kém nên khi ở Saigon, HCM kiếm việc không ra. Nam Bộ bị Tây cai trị trước (1867) nên việc học quốc ngữ và chữ Pháp phát triển sớm hơn, chữ Nho kém thế đi. Tuy nhiên, với cả ba thứ chữ ấy, cái nào HCM cũng thuộc loại kém nên thành ra 'ông lỡ ông, thằng lỡ thằng'. Bốc vác làm lao công thì cậu học sinh Nguyễn Tất Thành không làm nổi mà làm thư ký, chữ nghĩa như thế cũng làm không xong. Do đó, HCM lại tìm đường đi tiếp. Ði đâu?
Có điều đáng nói, với trình độ như thế, khi sang Pháp HCM chịu khó học. Ông viết báo được bằng tiếng Pháp là nhờ học với các người cùng hoạt động với ông như Luật Sư Phan Văn Trường cùng Sinh Viên Kỹ Sư Phạm Thế Truyền, cũng như viết chung vối họ một số sách báo, nhu cuốn 'Bản Án Chế Ðộ Thục Dân Pháp' dưới một cái tên chung là Nguyễn Ái Quốc. Nhưng vốn bản tính hay 'nhận lầm', HCM nhận đó là tác phẩm của riêng ông viết ra. Có lẽ B. Fall cũng biết việc nầy nên cho rằng tên Nguyễn Ái Quốc không phải là tên cúng cơm của ông ta. Ðó cũng là một cái tên chung chung, 'Nhiều nguồn tin Cọng Sản Tây phương thì nói rằng tên khai sinh của ông là Nguyễn Ái Quốc, có nghĩa là ông 'Nguyễn yêu nước'. Theo nguồn tin của Cọng Sản Pháp, muốn nhấn mạnh đến tính phổ biến của Hồ thì họ Nguyễn là một họ rất phổ cập ở Việt Nam giống như tên 'Jean' của người Pháp vậy. Nói 'Nguyễn Ái Quốc' thì cũng như người Pháp nói 'Jean le-patriot' (Jean Ái Quốc) vậy.'
&
Trích:
Có điều hơi đáng ngạc nhiên, các tài liệu do Hồ viết ra, như một ít bài thơ được làm khi ở trong nhà tù Trung Hoa và một vở kịch, 'Con rồng tre', vở kịch coi như thất bại vì từ đó đến nay chẳng nghe nói tới nữa, ông ta chỉ có một tác phẩm quan trọng 'Bản án chế độ thực dân Pháp' ấn hành năm1926 là một tác phẩm nhỏ viết sơ sài và ngờ nghệch, buộc tội thực dân Pháp.
Chính từ Phan thiết, Hồ quyết định đi Pháp, để quan sát thế giới bên ngoài. Tại đây, ông ta làm theo truyền thống người Việt, trong khi anh ông ta ở nhà lo chăm sóc mẹ và chị, thì ông với chút ít học thức, dễ có cơ hội kiếm sống ở phương xa. Mùa hè năm 1911, ông ta rời Phan Thiết, Hồ theo học một khóa ba tháng ở một trường thương mãi ở Saigon hồi tháng 10 năm đó. Chẳng còn tài liệu nói về việc ông ta học ở trường nầy nhưng sau đó Hồ được thuê làm một chân phụ bếp, và sau đó được xem là học làm bánh ngọt, có thể coi như ông ta có học nghề đó và khi tiếp xúc với Âu Tây, thì ôngta tỏ ra là người rất khát khao và được tiếng là người sành ăn và thỉnh thoảng có nấu nướng.
Về ngày ông Hồ đi Pháp thì ngay các nguồn tin Cọng Sản cũng không thống nhất. Theo vài nguồn tin, vấn đề trở nên phức tạp là do không rõ được thời gian từ 12 đến 20 tuổi Hồ làm gì, ở đâu. Có tin là Hồ rời Việt Nam năm 1907, những nguồn tin khác thì nói ông ta ra đi năm 1910, hoặc 1911. Nguồn tin Ðông Ðức mới đây cho biết thời gian ra đi của Hồ là mùa hè năm 1912. Nguồn tin nầy, như đã nói ở trên, có thể đúng. Do đó, Hồ lên tàu Latouche Tréville làm phụ bếp. Tránh tiếng cho gia đình khỏi xấu hổ, ông lấy tên là Ba. Khi tới Marseilles, một bến tàu lớn dơ dáy có nhiều đĩ điếm, cũng như nhiều tàu lớn khác của hãng Messageries, ông ta đi thăm vùng bờ biển Tây Phi và Bắc Mỹ.
Việc ông ta tiếp xúc với những tên thực dân da trắng ngay trên xứ họ và cái ão tưởng về quyền năng ưu thế của họ bị tan vỡ. Việc quan hệ của Hồ với các thủy thủ khác từ Anh, Cornwall và các hòn đảo vùng Frisian -ít học và hay tin dị đoan như những nông dân Việt Nam- thực hiện phần còn lại. Hồ thường kể câu chuyện khi tàu tới châu Phi, người dân địa phương bị buộc phải nhảy xuống biển đầy cá mập để neo thuyền rồi bị cá mập cắn chết trước con mắt lạnh lùng của hành khách và thủy thủ. Tuy nhiên, việc ông ta tiếp xúc với người Tây phương cho thấy cá tính, khi ông ta mặc một bộ đồ trắng như người Tây phương lần đầu tiên đi trên bờ biển châu Âu thì ông ta được gọi bằng 'ngài' thay vì bị gọi bằng 'mày' ở Pháp người ta thường dùng để gọi bọn trẻ con và ở Ðông Dương thì thực dân Pháp dùng để gọi dân bản địa, không cần biết người đó học thức như thế nào.
Khi thế Giới Chiến Tranh Thứ I bắt đầu, Hồ quyết định đi Luân Ðôn, làm nghề quét tuyết tại một trường hoc ở đó, tối thì làm phụ bếp cho khách sạn Carlton, sau đó làm cho Escoffier, được coi là người giỏi việc nhất trong đám. Con người Việt Nam nhanh nhẹn và trầm lặng ấy, nói giỏi tiếng Pháp, ưa thích công việc ở đây. Ông ta được khuyến khích chọn một chỗ làm trong khi làm bánh ngọt. Nhưng Hồ làm quen với các người châu Á khác đang sống ở Luân Ðôn và tham gia Hội Lao Ðộng Hải Ngoại do Trung Hoa lãnh đạo. Tổ chức nầy cũng giống như các nhóm khác ở Anh hồi đó, ủng hộ người Ái Nhĩ Lan giành độc lập. Do đó, lần đầu tiên, Hồ học được bài học về vận động chống thực dân. Nhưng vì chiến tranh tiếp tục, Hồ bị đuổi việc và Hồ lại đi biển. Theo các nguồn tin của Cọng Sản Bắc Việt, Hồ đi thăm Hoa Kỳ và có một thời gian sống ở khu Harlem. Theo Phạm Văn Ðồng, chính tại đây Hồ thấy những việc dã man và xấu xa của chủ nghĩa tư bản, bọn phá phách Ku Klux Klan, treo cổ các người da đen. Ông ta cũng chứng kiến công nhân Mỹ biểu tình chống chiến tranh đòi tăng lương. Xúc động vì những gì trông thấy, ông ta viết một cuốn sách nhỏ tên là 'Người dân đen' nói về những vấn đề ấy khi sống ở Moscow năm 1924, phê bình một cách gay gắt việc phân biệt chủng tộc của người Mỹ và người châu Âu.
Nhận xét:
Trước khi HCN đi Pháp, tình hình cách mạng Việt Nam quả đang gặp khó khăn. Nhưng chắc chắn HCM đi Pháp không phải vì 'tìm đường cứu nước'. Tại sao?
Trước hết, thời gian trước khi đi Pháp, HCM là người thất chí. Khoảng thời gian 1910, HCM 20 tuỏi mà danh phận chưa ra gì cả. Cha thì bị cách chức, cuộc sống đang khó khăn. Việc thân sinh ông đi lần vào và bỏ thây nơi xứ người chứng tỏ ông không thể có con đường trở về quê cũ sau khi bị cách chức tri huyện. Con đường HCM đi lần vào Nam trước khi thân sinh ông cũng vào Nam chỉ là con đường đi kiếm sống như thân phụ ông sau nầy vậy. HCM có dừng lại dạy học ở trường Dục Thanh Phan Thiết. Tại sao việc dừng chân ở đây hết sức ngắn ngủi?
1/- Ðồng lương không đủ sống hay
2/- Trình độ học vấn thấp kém không dạy học trò nỗi hoặc
3/- Tham vọng HCM cao quá, nơi nầy không đủ cho ông 'vùng vẫy'.
Xem ra, lý do 1 và 2 là vững nhứt.
Con đường từ Saigon đi Pháp cũng tương tự như thế. HCM không thể nào sống nổi ở Saigon trong tình trạng 'lỡ ông lỡ thằng'.
Lúc nầy, con đường 'du học' Pháp mở ra cho nhiều người, nhất là người dân Nam Bộ. Ngoài ra, nhiều người Huế cũng qua Pháp du học để về... làm quan. Theo Chính Ðạo trong cuốn sách viết về HCM thì trước khi HCM đi Pháp 'đã có 49 học viên bản xứ (Ðông Dương. Tg) ra trường. Quá bán số học viên gốc Miên (25 người).Trong số 17 người Việt có nhiều nhân vật khá lừng lẫy : Bác vật Canh Nông Bùi Quang Chiêu, giáo sư Lê Văn Chinh ở Quốc Tử giám, Thân Trọng Huề hay Lê Văn Miên, họa sĩ nổi danh... '
Các nhà viết sử Cọng Sản cho rằng HCM là người yêu nước và thức thời hơn người đồng thời vì ông thấy 'cách mạng bế tắc' nên đi Pháp để tìm đường cứu nước. Ông Bùi Tín cho rằng viết như thế chỉ nhằm 'tô vẽ lãnh tụ' là đúng.
Phong trào Ðông Du do Phan Bội Châu, Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể lãnh đạo phát triển mạnh mẽ sau khi Nhật đánh bại hạm đội Hắc Hải của Nga Hoàng tại eo biển Ðối Mã năm 1905, Chiến công đó của Nhựt đã thức tỉnh các dân tộc chậm tiến ở Á Châu. Ban đầu, do sự giới thiệu của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, Thủ Tướng Nhựt Khuyển Dưỡng Nghị đồng ý giúp Việt Nam đào tạo cán bộ bằng cách mở cửa hai trường Ðồng Văn và Chấn Võ cho du học sinh Việt Nam vào học ở đó. Tuy nhiên, sau 1908, Pháp lo sợ phong trào nầy bèn nhượng bộ Nhựt một số quyền lợi kinh tế. Vì vậy, Nhựt nuốt lời hứa với các lãnh tụ Phong Ðào Ðông Du và đuổi du học sinh Việt Nam ra khỏi nước Nhựt. Phan Bội Châu và số đông du học sinh Việt Nam sống tụ tập ở Hoa Nam, lúng túng vì chưa có cách giải quyết nào thích hợp.
Vì vậy, khi HCM vào Saigon thì con đường Ðông Du cũng không còn.
Vã lại, Ðông Du không phải là con đường HCM muốn chọn. Nếu vì lòng yêu nước để theo Phong Trào Ðông Du thì ông đã theo rồi, mấy năm trước đó, khi HCM còn ở Huế. Lãnh tụ Phong Trào Ðông Du là cụ Phan Bội Châu, một người quê ở Nghệ An, cùng quê với HCM. Lại nữa, trong Phong trào Ðông Du, có rất nhiều người Nghệ An, trong số có một người vừa là gốc Nghệ An, vừa là bạn của HCM. Ðó là ông Nguyễn Thức Canh (Trần Trọng Khắc). Sau khi bị đuổi khỏi Nhựt, Nguyễn Thức Canh qua học y khoa ở Ðức; hàng tháng Phan Bội Châu phải lên Thượng Hải để gởi tiền giúp Nguyễn Thức Canh. Theo nhiều tài liệu, chính HCM biết việc Phan Bội Châu đi Thượng Hải gởi tiền nầy nên báo cho Tây biết để Tây bắt cóc cụ Phan đem về xử tội ở Hà Nội năm 1925, lấy 250 vạn quan tiền thưởng. Làm như thế, HCM vừa có tiền, vừa nắm được đám du học sinh Việt Nam hiện đang lưu vong ở Trung Hoa để tuyên truyền và thành lập Việt Nam Thanh Niên Cách mạng, v.v...
Cho tới khi vào Saigon, HCM chưa chứng tỏ được gì là người yêu nước, vẫn còn là kẻ tìm đường mưu sinh. Tình trạng HCM bấy giờ rất bi đát: Cha thì bị cách chức, bản thân HCM không còn con đường 'tập ấm' xin vào học trường Hậu Bổ, HCM học hành như thế không hy vọng thi đậu thi Hương để ra làm quan; gia đình khó khăn tài chính. Do đó, Saigon là 'con đường cùng' của HCM ở Việt Nam. Ông chỉ còn mỗi một hy vọng, qua Pháp xin vào học trường Thuộc Ðịa, ngày sau tốt nghiệp 'vinh qui' như quan trạng về làng. Chỉ có vậy mà thôi.
Ðộng cơ đó khiến HCM vừa tới Pháp đã làm đơn xin vào học trường Thuộc Ðịa (Ðơn xin vào học của HCM đề ngày 15 tháng 9năm 1911), và ông lại thất vọng.
Tôi không cực đoan cho rằng HCM không phải là người yêu nước. Ai lại chẳng có lòng yêu nước? Nói cho thật, ai cũng có lòng yêu nước hết, hoặc nhiều hoặc ít, hoặc mạnh hoặc yếu, tùy lúc, tùy nơi mà thôi. Nhìn vấn đề như thế, nên tôi thấy khi HCM sau khi qua Pháp, rồi tiếp tục làm bồi tàu đi châu Phi, đi Anh, đi Mỹ, thấy thân phận đọa đày của các dân tộc nhược tiểu bị trị, cũng như thân phận người da đen ở khu Harlem Nữu Ước, lại nhờ tiếp xúc, sinh hoạt chung với cụ Phan Chu Trinh, luật sư Phan Văn Trường, sinh viên kỹ sư Nguyễn Thế Truyền, cũng như các nhà hoạt động cách mạng khách từ châu Phi tới, lại được tư tưởng tiến bộ 'Thế Kỷ Ánh Sáng' Pháp soi rọi, lòng yêu nước trong lòng HCM thức tỉnh. Ðó là lúc ông có những hoạt động chung với các vị Việt Nam nói trên khi ở Pháp vậy, cũng từ đó, ông đi dần tới chủ nghĩa Mác và đi Liên Xô năm 1924.
Liên Xô mở ra cho HCM một chân trời tươi sáng mà ông không tìm được khi còn ở Việt Nam hay khi ở Pháp.
Trước hết là việc học. Ở Việt Nam HCM học hành chẳng ra gì, ở Pháp HCM xin vào trường Thuộc Ðịa không được, còn ở Liên Xô ông được cho vào học trường Ðại Học Ðông Phương.
Ở Việt Nam và ở Pháp, HCM chẳng là cái gì cả, nhưng ở Liên Xô HCM là cán bộ của Ðệ Tam Quốc Tế, mà lại là cán bộ nồng cốt. Ở Việt Nam và ở Pháp, HCM không thấy tương lai mình như thế nào nhưng ở Liên Xô, ông là lãnh tụ Cọng Sản Ðệ Tam Quốc Tế, phụ trách Ðông Phương Vụ, ít ra cũng là lãnh tụ Ðông Dương, chứ không phải là một chức tri huyện quèn như bố ông tại triều đình Huế, mà lại là một tri huyện bị cách chức, đuổi về.
Là một người mang mặc cảm thân phận hèn mọn, con quan tri huyện bị mất chức, học hành chẳng ra đâu vào dâu, 'lỡ ông, lỡ thằng', lại là người đầy tham vọng nay được Liên Xô cất nhắc lên như thế, tương lai rực rỡ như thế, thì ông còn yêu nước để mà chi, lòng yêu nước của ông cho ông được cái gì? Còn yêu Chủ Nghĩa Cọng Sản, ông được thì được nhiều quá, quyền cao chức trọng, vinh quang tột bực. Có con đường nào khác cho HCM cúc cung tận tụy phục vụ cho Cọng Sản.
Người ta, khó có thể trở thành một người hoàn toàn hy sinh hay hoàn toàn ích kỷ. Nếu còn chút lương tâm thì người ta chọn con đường hy sinh có lợi nhứt cho mình. Huống chi HCM là con người mang nhiều mặc cảm tự ti, mặc cảm cá nhân cũng như mặc cảm dân tộc, và khi đã ăn phải bã Cọng Sản thì con đường theo Cọng Sản có lợi nhứt cho danh vọng, địa vị và quyền lợi của ông, do đó có việc gì mà HCM không làm để thủ lợi. Có điều, là một người khôn ngoan, giảo hoạt và thủ đoạn, móng vuốt thu rất kỷ để trở thành con mèo hiền từ trước mắt những con chuột con. Chỉ có ai, dấy vào thì mới rõ, như Nông Thị Xuân vậy; nhưng tới khi biết ra thì đã quá muộn, chỉ còn có con đường khiếu nại trước Diêm Vương mà thôi.
&
Trích:
'Người ta chỉ đồn về việc Hồ Chí Minh có vợ và có gia đình. Có thể là, khi giả làm một thương gia Trung Hoa sau khi trốn khỏi Hồngkông năm 1931, tạm thời ông ta làm như là người có 'gia đình' để ngụy trang. Hồ và các đồng chí của ông tránh các mối liên hệ gia đình.'
Nhận Xét:
Có khi người ta quá thiên lệch khi nói về chuyện vợ con của HCM. Napoleon có bao nhiêu vợ, bao nhiêu bồ? Người đời khen chê việc nầy ra sao? HCM lấy vợ Nga (không rõ tên) hay vợ Tàu (Tăng Tuyết Minh) có gì phải nói nếu họ yêu nhau mà lấy nhau; tại sao lại phải 'tạm thời ông ta làm như là người có 'gia đình' để ngụy trang. Hồ và các đồng chí của ông tránh các mối liên hệ gia đình.' trong khi các tay lãnh tụ Cọng Sản thì lại nặng gia đình hơn ai hết. Ðiều đáng nói là sự giả dối, làm như 'chí công vô tư' hy sinh việc nhà để lo việc nước, việc công nhưng thực chất chỉ lo cho bản thân mình, gia đình mình.
Vấn đề là sự tệ lậu trong mối tình tay ba Lê Hồng Phong, Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Minh Khai. Ai thật sự là chồng của thị. Phong tục Việt Nam làm gì có chuyện một vợ hai chồng. Vốn dĩ HCM là người giảo hoạt nên người ta lại càng thêm nghi ngờ việc 'ai' chỉ điểm cho Tây bắt Lê Hồng Phong để đến nỗi Lê Hồng Phong bị chết thảm trong tù Côn Ðảo vì bệnh kiết lỵ?
Việc HCM đối xử với Nông Thị Xuân và con trai của thị thì lại quá tệ, thế gian đã mấy ai làm được. Con người như thế, làm chồng chưa xứng vì giết vợ, làm cha chưa xứng vì có con không nuôi con mà đem cho người khác nuôi, làm người chưa xứng mà muốn làm 'cha già dân tộc' được sao?
Ông Bùi Tín cho rằng các tay viết sử, tuyên truyền Cọng Sản đã 'tô vẽ lãnh tụ'. Vâng đồng ý như thế nhưng HCM có biết ông đang được người khác tô vẽ như thế hay không; hay HCM lại rất khoái việc người khác tô vẽ mình? Một người có lòng tự trọng có chịu để cho người khác 'tô vẽ' mình thành một người 'vĩ đại' hay không? Ở điểm nầy, HCM lại cũng sai mất rồi, rõ ràng là kẻ 'háo danh'./

Hoanglonghải/tuệchương
(2006)
-----------------
(*) Sau nầy Trịnh Công Sơn cũng bắt chước như HCM. (Theo anh NBD ở Canada) tì TCS khoe là đậu cử nhân triết, trong khi ông Trịnh mới đậu Tú Tài I (hết lớp 11, chưa xong lớp 12) rồi vào học trường Sư Phạm Qui Nhơn (niên khóa đầu tiên 1961-62), khóa học 3 năm, đào tạo giáo viên tiểu học. Ðậu Tú Tài 2 rồi, người ta thi vào Ðại Học Sư Phạm, không ai 'học lui' như ông. Có trường Ðại học nào nhận sinh viên chưa tốt nghiệp trung học?
(Theo Web Diễn Đàn Dân Chủ)

No comments:

Post a Comment