Bình luận về Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam

Bình luận về Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam

Saturday 16 June 2012

85 * NGUYỄN XUÂN TỚI *HCM


QUÊ HƯƠNG, GIA ĐÌNH VÀ TUỔI THƠ CỦA MỘT THIÊN TÀI
                                                          NGUYỄN XUÂN TỚI *
                                                * Ts. Trường CĐVHNT& DL Sài Gòn
 
TÓM TẮT
 
Nam Đàn là một vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi đây không những là quê hương nhiều vị
anh hùng nổi tiến trong lịch sử dân tộc mà còn là nơi sản sinh ra các bậc sĩ phu hiền tài có
công lớn với nước với dân. Chủ Tịch Hồ Chí Minh được sinh ra và lớn lên ở một quê hương
giàu truyền thống cách mạng, được nuôi dạy trong một gia đình nề nếp nho giáo đã tạo nên
những tố chất cần thiết ngay từ thuở còn thơ trẻ, chính những tố chất này đã sản sinh ra ý chí,
nghị lực của một thiên tài.
ABSTRACT
HOMETOWN, FAMILY AND CHILDHOOD OF A GENIUS
Nam Đan is a sacred land with extraordinary people. This place is not only the homeland
of many legendary heroes in Vietnam’s history but also where talented and righteous feudal
intellectuals, who had great contributions to the whole country, were born. Ho Chi Minh
President was born and grown up at a full-of-revolutionary tradition native soil and educated
in a respectable Confucian family. From those, essential characteristics were created since he
was young. These critical elements had generated the will and the energy of a genius.
Huyện Nam Đàn thuộc tỉnh Nghệ An là mảnh đất địa linh nhân kiệt với sông Lam
núi Ngự Hùng vĩ và thơ mộng, con người nơi đây không những biết đánh giặc, cày cấy
gieo trồng mà họ còn biết reo cả những điệu hò ví dặm của xứ mình vào hồn thiêng
sông núi làm say đắm lòng người.
Thiên nhiên Nam Đàn phong phú nhưng khắc nghiệt, từ xa xưa người dân nơi đây
ngày ngày phải vật lộn với đất trời giành lấy từng miếng cơm, manh áo để tồn tại.
Trong cuộc mưu sinh vất vả như thế mà Nam Đàn còn in đậm dấu vết của những cuộc
quyết chiến sinh tử với giặc ngoại xâm để giành lại sự bình yên cho quê hương, xứ sở.
Bởi vậy Nam Đàn không những là quê hương của các phong trào yêu nước chống giặc
ngoại xâm mà còn là quê hương của các bậc sĩ phu nổi tiếng trong lịch sử dân tộc, họ
lấy việc học hành làm đạo lý để vươn lên tự hoàn thiện con người.
Trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, giặc giã triền miên đã hun đúc nên con
người Nam Đàn với tố chất quả cảm, sống chung thủy nghĩa tình, kiên gan bề chí, giàu
lòng hy sinh vì nghĩa lớn.
2
Ở thôn Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn có một dòng tộc Họ Hoàng,
dòng tộc này bắt nguồn từ xã Hoàng Vân, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
Theo gia phả ghi lại thì họ Hoàng ở thôn Hoàng Trù là một dòng họ có truyền
thống hiếu học, qua nhiều đời đều có người đỗ cao, học giỏi, cống hiến nhiều công lao,
trí tuệ cho nước cho đời.
Sử chép lại rằng:
Vào thế kỷ XVI vua Lê giao cho một người con họ Hoàng tên là Hoàng Nghĩa
Kiều về Nghệ An giữ chức Tổng binh xứ Nghệ An. Người cháu ruột của Hoàng Nghĩa
Kiều là Hoàng Nghĩa Giao lấy vợ người huyện Hưng Nguyên, cháu hậu duệ đời thứ tư
của Hoàng Nghĩa Giao là Hoàng Nghĩa Mạnh lấy vợ ở thôn Hoàng Trù, ông Mạnh về
lập nghiệp ở thôn Hoàng Trù tạo thành dòng họ Hoàng ở thôn Hoàng Trù từ đấy.
Cháu hậu duệ đời thứ mười ba của Hoàng Nghĩa Mạnh tên là Hoàng Đường (
1838 – 1893) chính là cụ thân sinh ra bà Hoàng Thị Loan ( thân mẫu Chủ Tịch Hồ Chí
Minh).
Hiện nay trên bàn thờ họ Hoàng ở thôn Hoàng Trù vẫn còn treo câu đối:
“ Hoàng Vân chính khí truyền thiên cổ
Chung Cự hùng thanh trấn ức niên”
Dịch là:
“ Hoàng Vân khí tốt lành truyền từ xưa lại
Chung Cự tiếng hùng vọng đến vạn năm sau”
Cụ Hoàng Đường là một nhà nho nổi tiếng trong vùng về lòng nhân ái và trí
thông minh, Cụ được nhân dân trong vùng tin cậy và quý mến. Vợ cụ Hoàng Đường là
cụ Nguyễn Thị Kép, con gái một nhà nho tên là Nguyễn Văn Giáp đã từng đậu bốn
khoa tú tài. Cụ Kép là một người nổi tiếng trong vùng về đức tính hiền lành, thùy mị,
vừa giỏi giang, khéo tay với nghề dệt cửi và công việc nội trợ mà lại hát ví dặm rất hay.
Các thành viên trong nhà cụ Hoàng Đường vừa là những người có học thức
nhưng đều rất yêu lao động chân tay. Cụ Hoàng Đường mở lớp học tại nhà mà học trò
đến học rất đông, trong số họ sau này có những người đỗ đạt rất cao nhưng vẫn thường
xuyên lui tới gia đình Cụ như người thân trong nhà.
Ông Nguyễn Sinh Sắc là một trong những học trò xuất sắc của cụ Hoàng
Đường, ông là con của cụ Nguyễn Sinh nhậm và Hà Thị Hy bên làng Sen.
Chuyện ở bên làng Sen kể rằng:
Cụ Nguyễn Sinh Nhậm sau khi sinh con đầu lòng tên là Nguyễn Sinh Thuyết thì
vợ mất, cụ sống trong cảnh gà trống nuôi con, khi nuôi con đến độ trưởng thành thì lấy
một người vợ kế tên là Hà thị Hy, năm 1863 cụ sinh một người con thứ hai tên là
3
Nguyễn Sinh Sắc. Ông Sắc lên ba tuổi thì cha mất, lên bốn tuổi thì mồ côi cả cha lẫn
mẹ nên phải nương tựa vào người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Sinh Thuyết.
Một hôm cụ Hoàng Đường từ làng Hòang Trù sang chơi với một người bạn thân
bên làng Sen, khi đi đến dãy Núi Trung gặp một cậu bé nhìn rất khôi ngô tuấn tú cưỡi
trên mình trâu say sưa đọc sách, khi đến gần bắt chuyện thì biết cậu bé tên Nguyễn
Sinh Sắc người làng Sen, gia cảnh rất khó khăn, mồ côi cả cha lẫn mẹ, hiện cậu bé ở
với gia đình người anh cùng cha khác mẹ tên là Nguyễn Sinh Thuyết.
Khi đến Làng Sen, cụ Hoàng Đường bèn nhờ người bạn dẫn đến gia đình ông
Thuyết xin được đem ông Sắc về nuôi và cho ăn học, thương em phải sống trong hoàn
cảnh gia đình khó khăn lo sẽ không được ăn học đến nơi đến chốn nên nhân cụ Hoàng
Đường ngỏ lời, ông Thuyết đồng ý ngay.
Từ đó do được sự chăm sóc & dạy dỗ chu đáo của gia đình cụ Hoàng Đường nên
ông Sắc học hành ngày càng tiến bộ vượt bậc. Một hôm thấy vốn liếng chữ nghĩa của
mình không còn đủ đáp ứng cho việc học hành của ông Sắc nên cụ Hoàng Đường ngỏ
ý muốn đưa ông Sắc đi học một người thày trình độ cao hơn mình ở cách nhà 30 cây
số.
Để đội ơn công lao nuôi dạy của gia đình cụ Hoàng Đường bấy lâu nay nên trước
khi đi học xa nhà, ông Sắc xin được nhận cụ ông và cụ bà Hoàng Đường là cha nuôi và
mẹ nuôi của mình.
Lại nói về người con gái đầu lòng của cụ Hoàng Đường là Hoàng Thị Loan, bà
Loan được sinh trưởng trong một gia đình có tuyền thống văn hóa, gia đình nho học lại
xinh đẹp và hát hay nên Bà trở thành niềm ước ao của bao chàng trai con nhà quyền
quý cao sang trong làng. Thế nhưng Bà không nhận lời với bất kỳ ai vì đã chót đem
lòng thầm yêu một người học trò nghèo mồ côi cả cha lẫn mẹ được gia đình Bà đưa về
nuôi dạy và cho ăn học, đó là ông Nguyễn Sinh Sắc.
Biết được điều đó, cụ Hoàng Đường thuận cho con gái và con nuôi của mình cầu
hôn. Sau lễ cầu hôn, cụ Hoàng Đường dựng ngôi nhà lá ở góc vườn cho đôi vợ chồng
trẻ ra ở riêng. Mười một năm ở ngôi nhà này ( 1883 – 1894) cặp vợ chồng trẻ Nguyễn
Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan lần lượt sinh thành ba người con:
năm 16 tuổi bà Loan sinh con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Thanh, năm 20 tuổi
sinh con thứ hai là Nguyễn Sinh Khiêm, năm 22 tuổi (1890) bà sinh người con thứ ba
Nguyễn Sinh Cung ( tức Chủ Tịch Hồ Chí Minh của chúng ta).
Năm 1894 sau khi đậu cử nhân ở trường Vinh, ông Sắc một mình vào Huế dự kỳ
thi hội nhưng không đậu, có tài liệu nói rằng do bài viết phạm húy nên bị đánh trượt,
sau đó ông quyết trí đem vợ và hai con trai vào Huế theo học để năm sau thi tiếp, còn
cô con gái Nguyễn Thị Thanh phải gởi lại ở nhà với ông bà ngoại Hoàng Đường.
4
Cuối thế kỷ XIX, con đường từ Nghệ An vào Huế là con đường độc đạo quanh co
uốn khúc, hiểm trở gian nguy, thú dữ và kẻ cướp luôn rình rập đối với khách bộ hành.
Hình ảnh bà Loan chân đi dép mo cau, vai trĩu nặng quang gánh, một bên là con nhỏ,
một bên là tài sản gia đình mà chèo đèo, vượt núi, lội suối hàng tháng trời từ Nghệ An
vào Huế để lo nuôi chồng, nuôi con ăn học nơi đất khách quê người, đây quả là một
hình tượng huyền thoại của người phụ nữ Việt Nam.
Vào Huế nguồn sống chính của gia đình ông Sắc vẫn dựa vào tay nghề dệt cửi
của bà Loan, ngoài ra ông Sắc có đi dạy thêm cho bọn trẻ để góp thêm vào nguồn thu
nhập gia đình nhưng cũng chỉ đủ tiền đèn sách đắp đỗi qua ngày.
Năm 1900, ông Sắc được triều đình ấn cử đi làm thư ký cho hội thi hương tỉnh
Thanh Hóa, đợt đi xa này ông đem cậu cả Khiêm cùng đi để lỡ xảy ra hoạn nạn thì cha
con tắt lửa tối đèn có nhau, còn cậu Cung ở lại Huế để giúp đỡ Mẹ trong lúc Mẹ mới
sinh cậu con trai út tên Nguyễn Sinh Xin đang thì ở cữ. Có ai ngờ đâu cuộc chia tay lần
ấy cũng là cuộc chia tay định mệnh đối với gia đình ông Sắc, bà Loan.
Sau khi cha con ông Sắc đi thì bà Loan ở nhà lâm bệnh và mất khi tuổi đời còn rất
trẻ, chưa tới tuổi ba mươi ba, lúc đó cậu Cung mới lên 10 tuổi đã phải thay cha không
những lo toan việc tang ma cho Mẹ mà còn nuôi mình và nuôi em, thế là từ đó ngày
ngày Cậu phải đi đầu làng cuối xóm đến nhà các bà đang thì nuôi con nhỏ để xin sữa
nuôi em đợi lúc cha về.
Sau kỳ thi hương, ông Sắc quay lại Huế thì vợ mất, không sống nổi cảnh gà trống
nuối con nơi đất khách quê người nên ông đành phải đem các con về quê chờ đến kỳ
thi hội mới quay lại Huế. Xuất phát từ lòng yêu thương và nhớ công lao của vợ, ông
Sắc quyết trí ngày đêm dùi mài kinh sử và kết quả khoa thi năm đó ông đậu Phó Bảng.
Năm 1906, ông Sắc được triều đình triệu vào Huế để nhận chức quan Thừa Biện
Bộ Lễ, ông lại đem các con Khiêm và Cung vào Huế lần thứ hai để có điều kiện nuôi
dưỡng cho các con ăn học, còn cô con gái Thanh vẫn gửi lại ông bà ngoại.
Một biến cố không may cho gia đình ông Sắc là năm 1909, ông Sắc phải điều vào
làm quan chi huyện Bình Khê, do hoàn cảnh gia đình ly tán nên cậu Khiêm phải quay
về quê Nghệ An sinh sống, còn cậu Cung ( sau đổi tên là Thành) khi đó đang theo học
trường Quốc Học Huế nhưng do tham gia trong đoàn biểu tình chống thuế bị mật thám
theo dõi nên phải bí mật rời Huế vào Phan Thiết làm nghề dạy học, sau đó vào Sài Gòn
rồi sang Pháp, khởi đầu cuộc trường chinh vạn dặm để thực hiện hoài bão của đời mình
là cứu nước, cứu nòi.
Ca dao Nam bộ có câu:
“ Ra đi là cuộc đánh liều
Mưa mai ai biết, nắng chiều ai hay”?
5
Vì thấu hiểu điều đó nên Thành đã chuẩn bị một kế hoạch tỉ mỉ là rủ một người
bạn học tại trường “ Đào tạo công nhân kỹ thuật bản xứ” cùng đi. Nhưng tiếc thay có
hẹn mà không gặp người bạn kia đã bỏ cuộc nên Thành phải ra đi một mình.
Con đò nhỏ lướt nhanh trên mặt sông như một chiếc lá sau đó nó cặp sát mạn tàu
Đô Đốc Lutusơ trêvin. Một cái giỏ từ trên boong tàu thả xuống, Thành ngồi trên cái giỏ
ấy và lập tức được kéo lên. Từ đó Thành mang tên Văn Ba làm phụ bếp trên tàu, ngày
5 tháng 6 năm 1911, tàu Đô Đốc lautusơ trêvin nhổ neo, rời thương cảng Sài Gòn
mang theo trong lòng nó người thanh niên Nguyễn Tất Thành, khi đó anh vừa tròn 21
tuổi. Thành ra đi với ý tưởng đã được học của ông Nghè Nguyễn Quý Song là:
“ Muốn đánh pháp thì phải hiểu Pháp, muốn hiểu Pháp thì phải học chữ Pháp”
Và nay Thành quyết chí:
“ Sang Pháp xem họ làm thế nào để sau này tôi về giúp đỡ đồng bào tôi”.
Nhà thơ Chế Lan Viên viết:
“ Từ đó Người đi những bước đầu
Lênh đênh bốn biển một con tàu
Cuộc đời sóng gió, trong than bụi
Tay đốt lò, lau chảo, thái rau …”
Lại nói về chuyện ông Nguyễn Sinh Sắc vào Phan Thiết tìm con không thấy, sau
đó vào Sài Gòn tìm thấy con thì rất mừng rỡ, nhưng ông phải chuẩn bị cho việc ra đi
của Thành đến hốc hác gầy rạc cả người.
Sau đây chúng ta hãy nghe trích đoạn đối thoại giữa hai cha con ông Nguyễn Sinh
Sắc trước lúc chia tay:
- Cha đã hy sinh cho con suốt bao năm dài, nuôi dưỡng, dạy dỗ, dìu dắt con
từng bước đường đời. Nay đã từng này tuổi chưa kịp báo đền quả thực là bất
hiếu, ra đi con chưa yên lòng
- Nước mất thì lo mà cứu, con chỉ có một việc đó phải làm. Cứu nước tức là
hiếu với cha rồi đó. Con hãy mạnh dạn lên đường . Cha chỉ quanh quẩn ở Sài
Gòn này để trông tin tức con.
- Xin cha hãy cố giữ gìn sức khỏe, chờ tin con báo về.
Từ khi được biết con trai Thành đã sang Pháp, ông Sắc yên chí với nghề dạy học,
bốc thuốc chữa bệnh cứu người và cuối cùng tuổi già về sống ẩn dật và mất tại Đồng
Tháp khi mà chưa nhận được “tin con báo về”.
Sau này lớn lên, cô Thanh và cậu Khiêm vào tận Huế đem hài cốt Mẹ về chôn cất
tại quê nhà. Cậu cả Khiêm vốn là thày địa lý đã đi tìm nhiều nơi, cuối cùng quyết định
đặt mộ Mẹ tại núi Động Tranh, đầu ngôi mộ quay ra dãy núi Trung, nơi chưa chất bao
6
kỷ niệm vui buồn của ông Sắc thời còn chăn trâu cắt cỏ. Mộ bà Loan nằm giữa bạt
ngàn rừng thông, nơi đây quanh năm nghe tiếng gió ngàn reo vi vút tựa hồ như tiếng ru
của non sông, đất nước làm xao động lòng người.
Trước khi dã từ quê Bác ra về, chúng tôi đến kính cẩn nghiêng mình trước hương
hồn bà Hoàng Thị Loan, người đã sinh thành và nuôi dưỡng cho đất nước và nhân loại
một con người vĩ đại – Hồ Chí Minh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Búp sen xanh, tác giả Sơn Tùng, nhà xuất bản Kim Đồng năm 2007
2. Vừa đi đường vừa kể chuyện, tác giả T. Lan. Nhà xuất bản chính trị Quốc Gia, nhà
xuất bản Trẻ năm 2004
3. Hồ Chí Minh cuộc đời và sự nghiệp, nhà xuất bản Nghệ An & Trung tâm văn hóa
ngôn ngữ Đông Tây, năm 2004
4. Chuyện kể bên mộ bà Hoàng Thị Loan, tác giả Bá Ngọc – Trần Minh Siêu. Nhà
xuất bản văn hóa – thông tin Nghệ An, năm 2004
5. Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh, tác giả Mai Văn Bộ. Nhà xuất bản Trẻ năm
1999.



Chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp người anh ruột ở Hà Nội
HỒNG THÁI

Bác Hồ hóa trang mặc áo the, đội ô cùng đi bộ với hai người là Bí thư Vũ Đình Huỳnh và người Thư ký Vũ Kỳ. Sau khi vào phòng làm việc của đồng chí Lê Giản ở phố Trần Hưng Đạo có cửa ra vào phía phố Dã Tượng, Bác Hồ cởi áo the ra. Đồng chí Lê Giản mở cửa phòng riêng. Vừa thấy anh trai, Bác Hồ chạy đến ôm lấy anh khẽ kêu lên: "Anh Cả!".



Sự kiện trên đã từng được đề cập trên Báo CAND năm 2000. Năm nay, nhân kỷ niệm 119 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi được nhà văn Sơn Tùng đọc và bổ sung thêm những tư liệu mới. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Trên căn hộ gác 2 nhỏ hẹp ở khu tập thể Văn Chương (Hà Nội), có lẽ nhiều người biết ở đó có một nhà văn, lại là thương binh nặng ở hạng cao nhất nhưng đã dành suốt cuộc đời mình nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tính đến nay cũng đã 60 năm có lẻ. Đó là nhà văn Sơn Tùng, quê ở xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Kho tư liệu lịch sử do ông sưu tầm về Bác Hồ, về các lãnh tụ khác của Đảng suốt hơn nửa thế kỷ qua có thể nói là vô giá. Nhà văn Sơn Tùng quả là người có cơ duyên và may mắn vì ngay từ những năm đầu chống thực dân Pháp xâm lược, từng được gặp, được trò chuyện thân tình với hai người ruột thịt của Bác Hồ là cụ Nguyễn Thị Thanh và cụ Nguyễn Sinh Khiêm. Chuyện nhà văn kể cho chúng tôi dưới đây được bắt đầu vào buổi chiều tháng 5 nắng nóng lúc ông vừa thoát ra từ một cơn đau do các mảnh đạn M79 còn găm trong đầu…

Bác cả Nguyễn Sinh Khiêm sinh năm 1888, từng bị thực dân Pháp theo dõi sát sao, bị bắt giam nhiều lần. Ngày 16/8/1941, Nguyễn Sinh Khiêm mới được ra khỏi nhà tù của Pháp ở Vinh. Ra khỏi nhà tù đế quốc Pháp ít lâu, Nguyễn Sinh Khiêm cùng thầy học là cụ cử Hồ Phi Huyền - nhà huyền học đi khắp quê hương Nam Đàn, tìm kiếm nơi có phong cảnh đẹp, cuối cùng bác tìm được một vị trí rất đắc địa ở Động Tranh, núi Đại Huệ thuộc địa phận xã Nam Giang, huyện Nam Đàn để đưa hài cốt người mẹ kính yêu Hoàng Thị Loan cát táng ở đó.

Trong những ngày hừng hực không khí cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Nam Đàn, đầu đội mũ calô, vai khoác súng gỗ, bác Nguyễn Sinh Khiêm đã hăng hái cùng với nhân dân địa phương đi diễu hành biểu dương lực lượng cách mạng.





Cụ Nguyễn Thị Thanh (1884-1954) và Cụ Nguyễn Sinh Khiêm (1888-1950).


Năm 1946, sau khi cô Nguyễn Thị Thanh ở Hà Nội về, bác Nguyễn Sinh Khiêm lên đường từ Nghệ An ra Hà Nội. Lúc đầu bác đi bộ từ huyện Nam Đàn ra ga Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu quãng đường ước chừng 70 cây số. Lúc bác lấy vé tàu từ ga Cầu Giát, nhiều bà con ở đây đã chạy đến vây kín lấy bác, ai cũng khẳng định đây chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh cải trang để vi hành.

Nhà báo, nhà nghiên cứu Hồ Sĩ Bằng (Viện Mác - Lê nin đã về hưu) lúc bấy giờ là cán bộ huyện Quỳnh Lưu cũng tưởng là Bác Hồ, xúc động nhìn Người. Bởi trông Nguyễn Sinh Khiêm có nhiều điểm giống người em trai Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh lúc ấy. Cụ Nguyễn Sinh Khiêm đã vui vẻ cải chính với bà con, khẳng định mình chỉ là một người dân bình thường.

Tàu đến ga Hàng Cỏ - Hà Nội, cụ Nguyễn Sinh Khiêm vừa bước ra khỏi cổng ga thì đồng bào ở đây lại nhanh chóng ùa đến vây kín. Đông đảo bà con Hà Nội cứ khẳng định đây là Cụ Hồ cải trang để vi hành xem xét tình hình. Bác Nguyễn Sinh Khiêm nói: "Thưa bà con. Tôi là một người dân xứ Nghệ, ra thăm Thủ đô, không phải là Cụ Hồ". Nhưng đồng bào không tin, cứ mỗi lúc kéo đến mỗi đông, người kín cả vòng trong vòng ngoài, khiến người khách xứ Nghệ không thể đi được.

May là lúc ấy có một số chiến sĩ Công an phát hiện thấy tình hình rất lạ, liền gọi điện về báo cáo lãnh đạo Nha Công an Trung ương. Nội dung báo cáo nêu rõ: "Có một cụ già nói giọng Nghệ Tĩnh, có râu, khuôn mặt rất giống Bác Hồ, nhân dân tin là Bác Hồ nên vây kín chưa đi được. Nhiều khả năng đây là người anh ruột của Bác".

Lúc ấy, đồng chí Lê Giản - Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương nghe báo cáo, chột dạ liền cử ngay cán bộ đưa xe ra ga Hàng Cỏ đón người khách. Khi được hỏi: "Thưa Cụ, có phải Cụ là anh trai Bác Hồ thì mời cụ lên xe chúng cháu đón về", bất đắc dĩ có lẽ vì cần thoát khỏi đám đông nên cụ Nguyễn Sinh Khiêm đã lên xe về Nha Công an Trung ương.

Sau đó đồng chí Lê Giản báo cáo với Bí thư của Bác Hồ lúc ấy là ông Vũ Đình Huỳnh nhờ ông báo cáo với Bác chuyện cụ Nguyễn Sinh Khiêm ra thăm… Biết chắc đây là người anh ruột của Bác Hồ, đồng chí Lê Giản mạnh dạn thưa chuyện:

- Thưa bác, bác ra thăm Hồ Chủ tịch mà không thông báo trước để chúng cháu cho xe đón đỡ vất vả.

Vừa nghe xong, cụ Nguyễn Sinh Khiêm trả lời ngay:

- Ông làm chức trách Nhà nước mà ăn nói buồn cười. Lẽ đời thì em thăm anh, chứ anh nào thấy em làm to lại ra thăm. Tôi ra đây là thăm Thủ đô nước Việt Nam mới xem thế nào, chứ không phải thăm em làm Chủ tịch nước.

Nghe nói thế, đồng chí Lê Giản thành khẩn xin lỗi bác Nguyễn Sinh Khiêm.

Khi được nghe báo cáo chuyện người anh Nguyễn Sinh Khiêm ra Hà Nội, Bác Hồ lặng đi, xúc động.

Nhớ lần trước, lúc Bác Hồ đang chủ trì cuộc họp quan trọng bàn chuyện cấp gạo cho quân Tàu Tưởng, khi nghe thư ký thông báo rất nhỏ là có cô Nguyễn Thị Thanh ra thăm, Bác Hồ bàng hoàng cả người, hai tay bám chặt vào bàn để kìm nén nỗi xúc động quá lớn; nhiều người lúc ấy thấy đôi mắt của Bác Hồ rớm lệ…

Gần 40 năm xa quê hương vì việc nước, nay Bác Hồ mới gặp lại người chị ruột và hôm nay lại được gặp người anh ruột Nguyễn Sinh Khiêm. Nhưng tình hình năm 1946 ấy rất phức tạp, nhất là về mặt trị an, an ninh. Nhiều hôm Bác Hồ phải bí mật rời chỗ ngủ để tránh bọn Quốc dân đảng manh động. Nghe người Bí thư Vũ Đình Huỳnh báo cáo, Bác Hồ căn dặn lại đại ý:

- Nhờ chú Huỳnh lo tiếp anh tôi - Anh tôi ở tù ra, cũng thích uống rượu. Nhờ kiếm cho anh tôi một ít rượu trắng, loại ngon; một ít sách báo để anh tôi đọc. Cảm thông với anh là tối nay tôi sẽ đến...

Đêm đầu năm 1946 ấy, trời mưa. Bác Hồ hóa trang mặc áo the, đội ô cùng đi bộ với hai người là Bí thư Vũ Đình Huỳnh và người Thư ký Vũ Kỳ. Sau khi vào phòng làm việc của đồng chí Lê Giản ở phố Trần Hưng Đạo có cửa ra vào phía phố Dã Tượng, Bác Hồ cởi áo the ra. Đồng chí Lê Giản mở cửa phòng riêng. Vừa thấy anh trai, Bác Hồ chạy đến ôm lấy anh khẽ kêu lên: "Anh Cả!". Tiếng gọi tên anh Cả đầu tiên sau 37 năm trời xa cách biền biệt. Bác Nguyễn Sinh Khiêm cũng ôm lấy Bác Hồ rồi nghẹn ngào thốt lên: "Chú râu đã dài thế này à?". Rồi hai anh em ôm nhau khóc. Người thư ký nhẹ nhàng khép cửa lại rồi nhè nhẹ lui ra...

Cụ Nguyễn Sinh Khiêm, người anh trai của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người thông minh, có cuộc sống giản dị, phóng khoáng, giàu lòng thương yêu người nghèo khổ. Cụ từ trần ngày 15/10/1950 (tức 23/8 Canh Dần) tại làng Kim Liên, hưởng thọ 62 tuổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được tin anh Cả qua đời trong lúc đang bận công tác xa, không thể về được nên đã điện cho Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu IV bức điện số 1229 nhờ chuyển cho họ Nguyễn Sinh làng Kim Liên, nội dung như sau:

Nghe tin anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu.

Tôi xin chịu tội bất đễ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước.


9/11/1950Chí Minh

Bác Hồ - Chủ tịch Hồ Chí Minh, được UNESCO và cả thế giới tôn vinh Người anh hùng giải phóng dân tộc - Danh nhân văn hóa kiệt xuất (… héros de la libération nationale et eminent homme de culture…). Lịch sử sẽ còn nhớ mãi về những cử chỉ đạo hiếu thuộc nền nếp gia phong của Bác Hồ khi gặp lại hai người ruột thịt. Hiếm thấy một vị Chủ tịch nước nào như Chủ tịch Hồ Chí Minh khi gặp lại người chị ruột của mình đã đứng dậy vòng tay trước ngực mà nói: "Thưa chị...!"
Hồng Thái H.T.
http://www.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=113399


Cảnh sát toàn cầu Sơ đồ Website





No comments:

Post a Comment