Bình luận về Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam

Bình luận về Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam

Sunday 23 December 2012

BS. HỒ VĂN CHÂM * QUỐC KỲ VIỆT NAM


Câu Chuyện Xoay Quanh

Lá Quốc Kỳ

            Lá Quốc Kỳ nói ở đây là lá cờ vàng ba sọc đỏ.
           
Cờ vàng ba sọc đỏ do các họa sĩ thời danh Tôn Thất Sa ở Huế và Lê Văn Đệ ở Sài Gòn phác thảo đệ trình Cựu Hoàng Bảo Đại, và sau đó được đưa ra thảo luận biểu quyết tại Hội nghị chính trị Hồng Kông giữa năm 1948 để làm quốc kỳ cho Quốc Gia Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc Trưởng. Cờ vàng ba sọc đỏ được chính thức kéo lên tại Sài Gòn ngày 2 tháng 6 năm 1948 trong buổi lễ thành lập Chính Phủ Lâm Thời Quốc Gia Việt Nam do Nguyễn Văn Xuân làm Thủ Tướng. Năm 1955, Ngô Đình Diệm, Thủ Tướng đương nhiệm với toàn quyền dân sự và quân sự của Quốc Gia Việt Nam, đã tổ chức trưng cầu dân ý, truất phế Bảo Đại khỏi ngôi vị Quốc Trưởng và thiết lập nước Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 26 tháng 10 năm 1955. Cờ vàng ba sọc đỏ vẫn là quốc kỳ. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, nước Việt Nam Cộng Hòa mất, hơn hai triệu người dân Việt Nam Cộng Hòa sau đó lần lượt trốn chạy ra nước ngoài. Cờ vàng ba sọc đỏ không còn được sử dụng ở trong nước nhưng vẫn tiếp tục được sử dụng ở nước ngoài như là biểu tượng chung của các cộng động Việt Nam hải ngoại.
Từ 1948 đến nay, thế là vừa đúng 50 năm.

Phần thứ nhất

Căn bản lịch sử của cờ vàng ba sọc đỏ.
            Trong lịch sử Việt Nam cận đại đã lần lượt xuất hiện 4 lá quốc kỳ: cờ Long Tinh Nước Đại Nam, cờ Quẻ Ly của Đế Quốc Việt Nam, cờ đỏ sao vàng của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, sau trở thành quốc kỳ Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa rồi của Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, và cờ vàng ba sọc đỏ của Quốc Gia Việt Nam và của Nước Việt Nam Cộng Hòa.
            Cờ Long Tinh, còn gọi là cờ Long. Vua Minh Mạng, lên ngôi năm 1821, kế thừa sự nghiệp thống nhất đất nước của vua cha, đã triệt để thực hiện chế độ hành chánh trung ương tập quyền, mở rộng lãnh thổ sang Trường Sơn Tây và Biển Hồ, và đổi quốc hiệu lại là Đại Nam. Lúc này là thời điểm cực thịnh của chế độ quân chủ chuyên chính ở nước ta, vua với nước là một. Ý niệm quốc gia như chúng ta hiểu ngày nay chưa được hình thành, do đó chưa có ý niệm quốc kỳ như là biểu tượng của toàn thể quốc dân, mà chỉ có những lá cờ biểu tượng cho nhà vua và các khâm sai đặc sứ của nhà vua mà thôi. Lá cờ biểu tượng cho nhà vua là Đại Kỳ màu vàng, chung quanh viền kim tuyến (chỉ vàng), và chỉ được kéo lên ở những nơi nhà vua đang có mặt, tức là kỳ đài ở quảng trường Phu Văn Lâu, cột cờ đàn Nam Giao ở ngoại ô kinh thành Huế, hay cột cờ Hành Cung ở các địa phương. Ngoài ra còn có các Tinh Kỳ, cờ Đại Hùng Tinh, cờ Nhật Nguyệt, cờ Ngũ Hành, được dùng để biểu thị nghi vệ Thiên Tử trong các buổi thiết triều, các dịp tế lễ, hay theo loan giá những khi nhà vua xuất cung (1). Lá cờ ban cho các khâm sai đặc sứ, còn được gọi là cờ Mao Tiết, thì màu sắc tùy nghi, trên mặt thêu họ và chức vụ của vị khâm sai, chung quanh viền ngân tuyến (chỉ bạc). Mãi đến đầu thế kỷ 20, Hoàng Đế Khải Định mới ban chiếu ấn định Quốc Kỳ của Nước Đại Nam. Đó là cờ Long Tinh. Từ đó, cờ Long Tinh thay thế lá Đại Kỳ màu vàng trên kỳ đài Phu Văn Lâu, hoặc ở các nơi khác khi nhà vua có mặt. Cờ Long Tinh nền vàng với một sọc đỏ ở giữa nằm dọc theo chiều dài, bề ngang sọc đỏ bằng 1/3 bề ngang lá cờ. Nền vàng biểu tượng hành thổ, là biểu tượng của vị trí trung ương, của uy quyền nhà vua; sọc đỏ biểu tượng hành hỏa, là biểu tượng của phương nam, của cương vực Nước Đại Nam. Cờ Long Tinh được quần chúng bình dân gọi là cờ Long (2). Long là con rồng, một trong bốn con vật linh thiêng trong trời đất theo quan điểm của người Đông Á. Sau chiến dịch Meigo bắt đầu tối ngày 9 tháng 3 năm 1945, người Nhật lật đổ chính quyền thuộc địa Pháp, trao trả độc lập cho Việt Nam. Sau đó, Hoàng Đế Bảo Đại ủy nhiệm Trần Trọng Kim lập Nội các. Ngày 2 tháng 6 năm 1945, cờ Quẻ Ly chính thức được chọn làm quốc kỳ thay thế cờ Long Tinh.
            Cờ Quẻ Ly, còn gọi là cờ Ly. Trong khuôn khổ thực hiện Khối Thịnh Vượng Chung Đại Đông Á, người Nhật đã đưa Hoàng Thân Cường Để là hậu duệ dòng trưởng của vua Gia Long sang Nhật và tổ chức tại Việt Nam cơ quan tình báo chiến lược Dainan Koosi dưới danh nghĩa một hội buôn do Matsushita Mitsuhiro điều khiển. Năm 1939, Cường Để tổ chức Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội, đồng thời Lộ Quân Miền Nam của Nhật tại Quảng Châu giúp Trần Phước An (Shibata) và Trần Trung Lập thành lập Việt Nam Kiến Quốc Quân. Tháng 9 năm 1940, Kiến Quốc Quân theo Sư Đoàn 5 Nhật tấn kích Lạng Sơn. Tháng 10 năm 1940, Sư Đoàn 5 Nhật rút khỏi Lạng Sơn sau khi Decoux chịu đem Đông Dương gia nhập Khối Thịnh Vượng Chung Đại Đông Á, đồng thời chịu cho quân Nhật chiếm đóng Bắc Bắc Kỳ và trú quân ở các thị trấn quan yếu của Đông Dương. Trần Trung Lập và Đoàn Kiểm Điểm không chịu rút theo, bị quân Pháp đánh bại, bị bắt và bị xử tử vào tháng 12 năm 1940. Tháng 2 năm 1943, Hiến Binh Nhật (Kempeitai) đưa Vũ Đình Dy sang Tokyo tổ chức Ủy Ban Kiến Quốc phục vụ dưới trướng Cường Để (3). Cuối năm 1943, tại trường Hồ Đắc Hàm Huế, Hiến Binh Nhật đưa con trưởng của Cường Để là Tráng Liệt từ Thái Lan về chủ trì các buổi tiếp xúc giữa người Nhật và các nhân sĩ Việt Nam để tuyển chọn Thủ Tướng tương lai, trong số này có Ngô Đình Diệm, Trần Văn Ân và Trần Trọng Kim (4). Đầu năm 1944, người Nhật khuyến khích thành lập Đại Việt Quốc Gia Liên Minh mà thành phần nòng cốt là Đại Việt Quốc Xã Đảng do Nguyễn Xuân Tiếu (Tiếu Rùa) tức Nguyễn Lý Cao Kha sáng lập từ năm 1936 tại Hà Nội (5). Người Nhật cũng tích cực yểm trợ ngấm ngầm các nhóm Công giáo ủng hộ Ngô Đình Diệm ở miền Trung, và các nhóm Tờ-rốt-kít và các giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo trong Nam (3). Tối ngày 9 tháng 3 năm 1945, người Nhật tiến hành chiến dịch Meigo, tấn chiếm các công sở và doanh trại Pháp, bắt giữ Toàn Quyền Đông Dương Jean Decoux, Tổng Tư Lệnh Eugène Mordant (Narcisse), và hầu hết các tướng Pháp tại Đông Dương. Trái với dự đoán của tất cả mọi người là người Nhật sẽ đưa Hoàng Thân Cường Để về nước chấp chánh, sáng ngày 11 tháng 3 năm 1945, Yokoyama Masayuki đến yết kiến Bảo Đại, thay mặt chính phủ Nhật trao trả chính quyền cho nhà vua. Ngay chiều hôm đó, Bảo Đại triệu tập Viện Cơ Mật, Hội Đồng Tôn Nhân Phủ và Nội Các, để soạn thảo tuyên cáo độc lập với Pháp, xác định hủy bỏ hòa ước năm 1884. Ngày hôm sau, 12 tháng 3 năm 1945, Tuyên Ngôn Độc Lập được ban bố, có kèm quyết định hợp tác với Đế Quốc Nhật theo tinh thần bản Tuyên Ngôn của Khối Thịnh Vượng Chung Đại Đông Á (2,3). Ngày 17 tháng 3 năm 1945, Bảo Đại ban chiếu thân chính. Hai ngày sau, Nội Các Phạm Quỳnh từ chức. Bảo Đại hai lần đánh điện vào Sài Gòn mời Ngô Đình Diệm ra Huế lập chính phủ nhưng không thấy hồi âm. Thì ra Tướng Tsuchihatshi Yuitsui, Tư Lệnh Quân Đoàn 38, và từ ngày 13 tháng 3 năm 1945 kiêm nhiệm chức vụ Toàn Quyền Đông Dương, đã không muốn Ngô Đình Diệm làm Thủ Tướng nên không cho chuyển điện văn. Ngược lại, người Nhật đưa Trần Trọng Kim từ Bangkok về Huế ngày 3 tháng 4 năm 1945. Trần Trọng Kim yết kiến Bào Đại ngày 7 tháng 4 năm 1945, và được ủy nhiệm thành lập chính phủ (6). Ngày 17 tháng 4 năm 1945, nội các ra mắt quốc dân với Trần Trọng Kim làm Tổng Trưởng Nội Các và các nhân sĩ chuyên gia làm Bộ Trưởng. Trong phiên họp của Hội Đồng Chính Phủ ngày 4 tháng 5 năm 1945, quốc hiệu được đổi lại là Đế Quốc Việt Nam (3), và trong phiên họp ngày 2 tháng 6 năm 1945, cờ Quẻ Ly được chọn làm Quốc Kỳ. Cờ Quẻ Ly nền vàng, ở giữa có ba sọc đỏ theo hình quẻ ly trong Kinh Dịch, gồm hai vạch liền và một vạch đứt quảng ở giữa. Quẻ Ly màu đỏ tượng trưng cho phương nam, cho lửa, cho mặt trời, cho ánh sáng, cho thịnh vượng. Vì ly của quẻ ly đồng âm với ly là con lân trong bộ tứ linh long ly qui phụng nên quần chúng bình dân còn gọi cờ Quẻ Ly là cờ Ly (2). Cờ Quẻ Ly chính thức được hạ xuống trong buổi lễ tuyên chiếu thoái vị của Hoàng Đế Bảo Đại tại lầu Ngọ Môn chiều ngày 25 tháng 8 năm 1945.
            Cờ đỏ sao vàng, còn gọi là cờ Qui. Sau Hòa ước Thiên Tân ngày 11 tháng 5 năm 1884, Trung Quốc chính thức mất ảnh hưởng chính trị tại Việt Nam nên dành nhiều nổ lực ngấm ngầm yểm trợ các phần tử chống Pháp sống lưu vong trên đất Trung Quốc. Từ Nam Kinh, Thượng Hải xuống Quảng Châu, Côn Minh, đâu đâu cũng có mặt người cách mạng Việt Nam. Họ thường mặc áo quần vải kaki, không đeo phù hiệu, không có cấp bậc (7). "Quan bất thị quan, quân bất thị quân, thị An Nam cách mạng giả" (Quan không phải quan, quân không phải quân, đó là người cách mạng An Nam). Năm 1936, tại Nam Kinh, Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc yểm trợ Nguyễn Hải Thần thành lập một liên minh chính trị tập hợp những tổ chức cách mạng Việt Nam chống Pháp lấy tên là Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội, gọi tắt là Việt Minh. Về sau bộ chỉ huy của Đồng Minh Hội được dời về Liễu Châu, đặt dưới sự yểm trợ trực tiếp của Tướng Trương Phát Khuê. Đến năm 1940 thì cộng sản đệ tam đã cài được nhiều người xâm nhập Đồng Minh Hội (3). Đầu năm 1941, Vũ Hồng Khanh và Nghiêm Kế Tổ theo lệnh Nguyễn Hải Thần đến ngục Liễu Châu lãnh Nguyễn Tường Tam (lúc đó đổi tên là Nguyễn Tường Dũng) ra khỏi ngục, nhân gặp Hồ Chí Minh cũng đang bị giam ở đó, nên xin Nguyễn Hải Thần bảo lãnh luôn cho Hồ Chí Minh (8). Được trả tự do, cả Nguyễn Tường Tam lẫn Hồ Chí Minh đều gia nhập Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội và đều được cử làm Hậu Bổ Ủy Viên. Tháng 2 năm 1941, Đồng Minh Hội tổ chức đưa người xâm nhập Bắc Kỳ, Hồ Chí Minh với sự bảo cử của các tướng Tàu Ngô Trạch và Tiêu Văn, xung phong xin đi và được Đồng Minh Hội ủy thác lãnh đạo đoàn công tác. Hồ Chí Minh nhận tiền của Đồng Minh Hội và chọn những người thân tín đem theo (9), vượt biên giới qua Cao Bằng, vào ở hang Pắc Bó. Hồ Chí Minh tận dụng danh xưng Việt Minh của Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội, một mặt tự khoác cho mình cái lốt quốc gia dân tộc, đấu tranh cho độc lập của Tổ Quốc, cho hạnh phúc của Nhân Dân, mặt khác nhân danh Đại Biểu Đệ tam Quốc Tế, triệu tập và chủ tọa Hội Nghị Trung Ương lần thứ 8 Đảng Cộng Sản Đông Dương. Ngày 19 tháng 5 năm 1941, Hồ Chí Minh công bố thành lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, cũng gọi tắt là Việt Minh, và chọn cờ đỏ sao vàng làm cờ hiệu của Việt Minh. Hồ Chí Minh đã cưỡng đoạt danh xưng Việt Minh, và từ đó Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội có cái tên rút ngắn là Việt Cách. Hồ Chí Minh ra sức tranh thủ sự yểm trợ của những người Mỹ trong tổ chức OSS (tiền thân của CIA) ở Vân Nam. Mùa hè năm 1945, một toán OSS do Thiếu tá Allison K. Thomas chỉ huy đã nhảy dù xuống Việt Bắc huấn luyện tác chiến và trang bị vũ khí cho du kích Việt Minh (3). Lợi dụng chính sách nhân sự cởi mở của chính quyền Trần Trọng Kim, Việt Minh ồ ạt đưa người vào nắm các chức vụ then chốt trong các cơ quan nhà nước. Hoàng Minh Giám làm Trưởng Ban Liên Lạc Nhật Việt Bắc Bộ, Tôn Quang Phiệt làm Cố Vấn Hội Đồng Thanh Niên Quốc Gia và Tổng Thư Ký Tân Việt Nam Đảng, Phạm Văn Bạch làm Chánh Án Bến Tre, Phạm Ngọc Thạch len lỏi vào Ban Lãnh Đạo Thanh Niên Tiền Phong. Ngày 8 tháng 7 năm 1945, tại Khu Giải Phóng Việt Bắc, Hồ Chí Minh lập Ủy Ban Dân Tộc để chuẩn bị lãnh đạo cuộc Tổng Khởi Nghĩa (8). Ngày 17 tháng 8 năm 1945, tại Hà Nội, Việt Minh trương cờ đỏ sao vàng trong cuộc biểu tình của Tổng Hội Công Chức và 2 ngày sau, cướp chính quyền ở Hà Nội (10). Ngày 21 tháng 8 năm 1945, Nhật chính thức đầu hàng Đồng Minh. Ngày 25 tháng 8 năm 1945, Bảo Đại thoái vị, cờ đỏ sao vàng được kéo lên ở kỳ đài Huế và các dinh thự ở Sài Gòn. Một nhân viên OSS Mỹ là Archimedes L.A. Patti theo Hồ Chí Minh về Hà Nội giúp soạn bản Tuyên Ngôn Độc Lập được công bố ở quảng trường Ba Đình sáng ngày 2 tháng 9 năm 1945, khai sinh Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Cờ đỏ sao vàng trở thành quốc kỳ. Sau Hiệp nghị Genève năm 1954, đất nước chia đôi, cờ đỏ sao vàng chỉ còn được treo ở phía bắc vĩ tuyến 17. Sau Hội nghị hiệp thương 2 miền Nam-Bắc tại Sài Gòn năm 1976, đất nước thống nhất, cờ đỏ sao vàng trở thành quốc kỳ Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Cờ đỏ sao vàng nền đỏ, ở giữa có ngôi sao 5 cánh màu vàng. Nền đỏ biểu trưng cho bạo lực cách mạng, ngôi sao 5 cánh màu vàng biểu trưng cho các thành phần nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân. Nhìn từ trên xuống, ngôi sao 5 cánh trông giống hình con rùa, nên quần chúng bình dân gọi cờ đỏ sao vàng là cờ Qui (2).
            Cờ vàng ba sọc đỏ, còn gọi là cờ Phụng (Phượng). Thời gian nắm chính quyền tuy ngắn ngủi nhưng chính phủ Trần Trọng Kim đã thu đạt được một số thành quả cơ bản. Nạn đói ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, qua tháng 6 năm 1945, hầu như đã qua khỏi, nhờ việc bãi miễn lệ bắt buộc nông dân bán lúa, việc tổ chức chuyên chở gạo từ trong Nam ra, việc tập trung các hội chẩn tế thành Tổng Hội Cứu Tế Nạn Đói do Nguyễn Văn Tố cầm đầu, việc trúng mùa  lúa vụ chiêm tháng 5 tháng 6. Tiếng Việt và chữ quốc ngữ (viết theo mẫu tự La-mã) được dùng trên các công văn và trong các trường học cấp phổ thông. Các anh hùng dân tộc được đề cao, từ Hùng Vương, Trưng Vương, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, đến Phan Đình Phùng, Nguyễn Thái Học, và dự trù sẽ được đưa vào Nghĩa Liệt Từ. Tên các đường phố được Việt Nam hóa. Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ được đổi thành Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ. Thuế thân được bãi miễn cho hạng bạch đinh và những nguời có lợi tức thấp; những khoản phụ thu cho xứ (60% thuế thân) và cho tỉnh (45% thuế thân) được bãi bỏ. Ủy Ban Cải Cách và Thống Nhất Tư Pháp do Trịnh Đình Thảo cầm đầu được thành lập để chuẩn bị việc chấm dứt tình trạng dân 3 miền sống dưới 3 chế độ tư pháp khác nhau, với 3 bộ luật khác nhau. Thanh niên được đoàn ngũ hóa tới cấp xã; mỗi tỉnh lỵ có một trung tâm huấn luyện; tại Huế có một trung tâm quốc gia cho Thanh Niên Tiền Tuyến do Tạ Quang Bửu và Phan Tử Lăng phụ trách để đào tạo cán bộ chỉ huy. Tự do hội họp, tự do ngôn luận, tự do sinh hoạt chính trị, được mặc nhiên thừa nhận; báo chí Việt ngữ nở rộ và liên tục đăng những bài lên án sự nghiệp mãi quốc của Đỗ Hữu Phương, Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải, Nguyễn Hữu Độ. Sau cùng, phải nói tới thành quả đấu tranh thống nhất đất nước. Thực vậy, Tuyên Cáo Độc Lập với Pháp sọan thảo chiều ngày 11 và công bố sáng ngày 12 tháng 3 năm 1945 chỉ đề cập đến việc xóa bỏ hòa ước năm 1884 mà không đả động gì đến 2 hòa ước năm 1862 và năm 1874 nói về việc nhượng đất Nam Kỳ; và trong thực tế, gần suốt thời gian tồn tại của Đế Quốc Việt Nam, Nam Kỳ được đặt dưới sự cai trị trực tiếp của Minoda Fujio, Thống Đốc người Nhật. Tháng 5 năm 1945, người Nhật để cho Bắc Bộ và Trung Bộ hợp nhất nhưng không chịu trao trả 3 thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng. Sau nhiều tuần lễ thương thuyết gay go, cuối tháng 6 năm 1945, Toàn Quyền Tsuchihashi Yuitsui bàn giao một phần các cơ sở Liên Bang và đồng ý trao trả Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 7 năm 1945, và Nam Bộ, dự trù chuyển giao ngày 8 tháng 8 năm 1945. Ngày 14 tháng 8 năm 1945, Bảo Đại ký Dụ hủy bỏ các hòa ước năm 1862 và hòa ước năm 1874 (3) và bổ nhiệm Nguyễn Văn Sâm làm Khâm Sai Nam Bộ. Các cộng sự viên của Trần Trọng Kim, dù là nhân sĩ hay là chuyên gia, đều là trí thức khoa bảng, cho nên những điểm thành tựu vừa kể trên cũng như các điểm khác chưa kịp thực hiện nêu trong chương trình hưng quốc mà Nội Các Trần Trọng Kim ban bố ngày 8 tháng 5 năm 1945 đã phản ánh khát vọng của giai tầng trí thức thượng lưu đương thời ngày đêm ấp ủ lý tưởng phụng sự Tổ Quốc, phụng sự Dân Tộc: đấu tranh cho độc lập quốc gia và thống nhất lãnh thổ. Họ không có tham vọng chính trị riêng tư, phe nhóm, bè phái. Họ nặng tinh thần đoàn kết dân tộc. Vì vậy mà cả Bảo Đại lẫn Trần Trọng Kim đã từ chối đề nghị của người Nhật dùng quân đội Nhật tiêu diệt Việt Minh (1,3). Cũng vì vậy mà Bảo Đại đã chịu thoái vị và cộng tác với Việt Minh, tham gia Chính Phủ Lâm Thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Và cũng vì vậy mà, không kể những thành phần cộng sản nằm vùng (Hoàng Minh Giám, Tôn Quang Phiệt, Phạm Ngọc Thạch), và những thành phần có cảm tình sẵn với Việt Minh (Hồ Tá Khanh, Nguyễn Mạnh Hà) hay lừa thầy phản chủ, theo gió trở cờ (Phạm Khắc Hòe), hầu hết giai tầng thượng lưu trí thức đương thời, từ những vị trong chính quyền (Phan Anh, Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu) đến các nhân sĩ độc lập (Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi, Hồ Đắc Di) và quan lại cũ (Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Hồ Đắc Điềm, Đặng Văn Hướng), thậm chí cả những người cách mạng đảng phái không cộng sản (Nguyễn Hải Thần, Bồ Xuân Luật, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, Nghiêm Kế Tổ), thảy thảy đều hưởng ứng chính quyền Việt Minh, nhất là sau khi Hồ Chí Minh giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương ngày 11 tháng 11 năm 1945, gian trá khoác lên người cái lốt quốc gia dân tộc. Chỉ từ sau khi Hồ Chí Minh để lộ chân tướng tay sai Ðệ tam Quốc tế, ký với Pháp hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946, hy sinh quyền lợi quốc gia cho quyền lợi chủ nghĩa, và ra tay tiêu diệt lãnh tụ các chính đảng và các giáo phái (Trương Tử Anh, Lý Đông A, Huỳnh Phú Sổ), niềm tin tưởng vào Việt Minh mới dần dà bị xói mòn, giai tầng thượng lưu trí thức và thanh niên yêu nước mới thay đổi thái độ dưới nhiều hình thức khác nhau. Một số tiêu cực, cam phận (Phan Anh, Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn), tiếp tục ở lại với kháng chiến, tự nhủ "độc lập trước đã, cộng sản tính sau". Một số cương cường, quay lại ngấm ngầm chống đối cộng sản và bị ám hại (Nguyễn Bình, Hoàng Thọ, Đặng Văn Hướng). Một số bỏ kháng chiến về thành, hợp tác với Pháp để chống cộng (Trương Đình Tri), "chống cộng trước, xâm lược Pháp tính sau". Một số bỏ kháng chiến về thành, không ra mặt chống cộng, nhưng cũng không hợp tác với Pháp, không tham gia chính quyền thân Pháp, theo chính sách "trùm chăn" (Hoàng Xuân Hãn, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Mạnh Hà). Số còn lại có thái độ nhạy bén và sâu sắc hơn, mang tính chất chính trị hơn, bao gồm nhiều thành phần xã hội, công chức và nhân sĩ, tôn giáo và đảng phái, chủ trương thực hiện giải pháp Bảo Đại mà nét chính yếu là dựa vào địa vị kế thừa chính thống Nhà Nguyễn của Bảo Đại, thành lập một chính phủ quôc dân đoàn kết có nhiệm vụ thương lượng với người Pháp để thu hồi độc lập và chủ quyền cho Việt Nam, kêu gọi Việt Minh giải giới để chấm dứt chiến tranh, tái thiết và phát triển đất nước. Việc này đưa đến Hội Nghị Chính Trị Hồng Kông vào tháng 3 năm 1948, thành lập Quốc Gia Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc Trưởng với lá cờ vàng ba sọc đỏ làm quốc kỳ. Cờ vàng ba sọc đỏ có nền vàng tượng trưng cho vị trí trung tâm, cho chủ quyền dân tộc, và 3 sọc đỏ ở giữa chạy dài theo chiều dọc lá cờ, tượng trưng cho phương nam thịnh vưọng với 3 miền đất nước thống nhất. Ngày 2 tháng 6 năm 1948, lá cờ này được chính thức kéo lên tại Sài Gòn nhân dịp thành lập Chính Phủ Lâm Thời Quốc Gia Việt Nam (1,2). Ngày 26 tháng 10 năm 1955, Quốc Gia Việt Nam thay đổi thể chế, trở thành Nước Việt Nam Cộng Hòa, cờ vàng ba sọc đỏ vẫn là quốc kỳ. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cờ vàng ba sọc đỏ trở thành biểu tượng chung của các cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Cờ vàng ba sọc đỏ khi tung bay trước gió trông giống như chim phượng hoàng giang rộng cánh với dải đuôi dài nên được quần chúng bình dân gọi là cờ phụng (phượng) (2).

Phần thứ hai

Cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng của

Độc lập Quốc gia và Thống nhất Lãnh thổ.

            Việt Nam nằm trên đường giao lưu quốc tế nên xưa nay các thế lực nước ngoài luôn tìm cách gây ảnh hưởng để thủ lợi. Khi nước ta còn tiểu nhược, họ đem quân đánh chiếm. Khi nước ta lớn mạnh, họ tìm cách chia rẽ nhân tâm và phân cát lãnh thổ.
             Cuối thế kỷ 18, Tôn Sĩ Nghị bị vua Quang Trung đánh bại phải vứt bỏ ấn tín để chạy thoát thân; và quân ta đã bắt được một chỉ dụ của vua Càn Long nhà Mãn Thanh nói về sách lược đối với nước ta là "yểm trợ quân Lê (Chiêu Thống) lấy lại nước, bắt ép Huệ (Quang Trung) giảng hòa, ta đóng quân ở giữa mà kềm chế cả hai". Cuối thế kỷ 19, khi người Pháp đã được Nam Kỳ còn muốn chiếm cả Bắc Kỳ, các giáo sĩ Pháp và Tây Ban Nha nặn ra tên Việt gian Paulus Thy, vốn là Thông Ngôn Tòa Lãnh Sự Pháp ở Hải Phòng, tụ tập thủ hạ được chừng 30 tên, viết thỉnh nguyện thư ngày 22 tháng 2 năm 1879 xin người Pháp giải phóng Bắc Kỳ để lập Nước Cộng Hòa Bắc Kỳ đặt dưới sự bảo hộ của Pháp (11). Cũng cùng bối cảnh lịch sử đó, Đại Sứ Trung Quốc ở Paris là Tăng Kỷ Trạch đã kiên trì vận động với Thủ Tướng Pháp Jules Ferry thi hành dự án ngày 21 tháng 6 năm 1883 của Trung Quốc thành lập một nước đệm từ biên giới Quảng Tây kéo dài tới Quảng Bình, mưu tính chia đôi nước ta, một nửa của Pháp, một nửa thuộc Tàu. Sau khi ép Triều Đình Huế cắt Bình Thuận nhập vào Nam Kỳ và Thanh Nghệ Tĩnh vào Bắc Kỳ, ngày 15 tháng 7 năm 1885, Jules Harmand gửi về Bộ Ngoại Giao Pháp "Công hàm về cách phân phối lực lượng quân sự chúng ta tại Đông Dương", nhấn mạnh chủ điểm: "Mục đích của tôi là phá cho tan vỡ khối gắn liền của An Nam, chia cắt nó ra từng mảnh nhỏ, rời ra, để không bao giờ nó có thể tập hợp được lực lượng chống lại chúng ta". Ngày 30 tháng 7 năm 1885, người Pháp đưa Thọ Xuân Vương, lúc đó đã 76 tuổi và là chú vua Tự Đức, lên làm Phụ Chánh, để nhân danh Triều Đình thăng Nguyễn Hữu Độ hàm Võ Hiển Đại Học Sĩ, và năm sau, 1886, bổ nhiệm Nguyễn Hữu Độ làm Bắc Kỳ Kinh Lược Sứ, bước đầu tách Bắc Kỳ ra khỏi Trung Kỳ. Tiếp theo, sắc lệnh ngày 26 tháng 7 năm 1897 bãi bỏ Nha Kinh Lược Sứ, đặt các tỉnh ở Bắc Kỳ trực thuộc Thống Sứ Bắc Kỳ. Thế là nước Đại Nam vĩnh viễn bị cắt làm 3 mảnh với 3 chế độ cai trị khác nhau.
            Qua thế kỷ 20, sau khi lật đổ chính quyền thuộc địa Pháp, ngày 11 tháng 3 năm 1945 người Nhật trao trả độc lập cho Việt Nam, để cho Bảo Đại và Nội Các Phạm Quỳnh tuyên bố độc lập với Pháp, xóa bỏ Hòa Ước năm 1884, nhưng nguời Nhật vẫn giữ lại Nam Kỳ và đặt dưới quyền cai trị trực tiếp của Thống Đốc Minoda Fujio. Chỉ sau nhiều tháng thương thuyết gay go, và nhất là nhờ sự tranh đấu của tổ chức Thanh Niên Tiền Phong ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ cũng như lập trường yêu nước của Hội Nghị Nam Bộ do Trần Văn Ân và Kha Vạng Cân làm Chánh Phó Chủ Tịch, chính phủ Trần Trọng Kim mới lấy lại được Nam Bộ ngày 14 tháng 8 năm 1945. Sau khi Bảo Đại công bố Tuyên Ngôn Độc Lập với Pháp ngày 12 tháng 3 năm 1945, Chính Phủ Pháp liền công bố Tuyên Ngôn ngày 24 tháng 3 năm 1945 minh định qui chế tương lai của Liên Bang Đông Dương trong Liên Hiệp Pháp, đồng thời giao cho Tướng Alain De Boissieu (con rể Tướng Charles De Gaulle) nhiệm vụ chuẩn bị cho Cựu Hoàng Duy Tân đang bị lưu đày ở đảo Réunion trở lại ngôi vua Việt Nam (12). Ngày 14 tháng 12 năm 1945, Tướng De Gaulle cùng Cựu Hoàng Duy Tân hội kiến và thỏa thuận sẽ cùng đi Đông Dương vào tháng 3 năm sau để làm lễ ký kết các thỏa ước Việt Pháp. Trước đó, vào khoảng tháng 5 năm 1945, Cựu Hoàng Duy Tân có gửi cho Tướng De Boissieu một bản "Di chúc chính trị" để nhờ trao lại Tướng De Gaulle, trong đó có đề cập đến các vấn đề độc lập và thống nhất của Việt Nam, nhưng Tướng De Gaulle cho rằng chủ trương của Duy Tân chẳng có gì trở ngại cho giải pháp chính trị mà Tướng De Gaulle đang chuẩn bị cho Đông Dương, đó là Việt Nam sẽ được chia làm 3 bang, với Hồ Chí Minh ở Hà Nội, Duy Tân ở Huế, những người của Pháp ở Sài Gòn, cùng với Cao Mên và Lào lập thành Liên Bang Đông Dương mà thủ đô liên bang là Đà Lạt. Giải pháp chính trị này không phù hợp với đường lối các cường quốc Đồng Minh. Sau khi Cựu Hoàng Duy Tân từ chối không chịu nhận 2 triệu đồng bảng Anh để lui ra khỏi sân khấu chính trị (13), Cựu Hoàng đã tử nạn phi cơ một cách khó hiểu ngày 26 tháng 12 năm 1945 gần Bangui thuộc Trung Phi. Cái chết đột ngột của Cựu Hoàng đã làm cho Tuớng De Gaulle phải than thở "Quả thật nước Pháp không gặp may"! 
            Dù vậy, người Pháp vẫn tiến hành thương lượng với Hồ Chí Minh và Hiệp Ðịnh sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946 được ký kết giữa Hồ Chí Minh và Sainteny, thừa nhận Việt Nam là một nước tự do của Liên Bang Đông Dương nằm trong Liên Hiệp Pháp, đồng thời cho phép quân đội Pháp vào trú đóng ở các thành phố trọng yếu phía bắc vĩ tuyến 16. Mặt khác, ngày 3 tháng 6 năm 1946 người Pháp dựng lên ở Sài Gòn Nước Cộng Hòa Nam Kỳ do Nguyễn Văn Thinh làm Thủ Tướng để tính chuyện chia cắt vĩnh viễn Nam Kỳ ra khỏi Việt Nam. Cả hai sự kiện này đã gây phẫn nộ trong lòng quần chúng Việt Nam và đã bóc trần dã tâm xâm lược của thực dân Pháp với những thủ đoạn gian trá y nguyên như 150 năm về trước, chà đạp chủ quyền và phân cát lãnh thổ của Việt Nam. Việc ký kết Hiệp định sơ bộ với những nhượng bộ quá đáng cũng làm xói mòn niềm tin của quần chúng vào Chính phủ Hồ Chí Minh. Kể từ ngày cướp chính quyền đến nay, Chính phủ Hồ Chí Minh đã thừa hưởng rất nhiều di sản của Nội Các Trần Trọng Kim, từ nhân sự cho đến các cải cách giáo dục, thuế khóa, hành chánh. Hầu hết cán bộ Thanh Niên Tiền Tuyến nay trở thành sĩ quan của Vệ Quốc Đoàn. Các chương trình chính phủ nhìn chung thì cũng na ná chương trình hưng quốc của chính phủ tiền nhiệm. Vậy mà nay chính phủ Hồ Chí Minh ký kết để chấp nhận một qui chế tự do trong Liên Bang Đông Dương và trong Liên Hiệp Pháp kèm theo những điều khoản mù mờ liên quan đến sự toàn vẹn lãnh thổ thì quả tình là một sự thụt lùi quá đáng so với thành quả của Nội Các Trần Trọng Kim. Nhiều người bắt đầu kết án Chính phủ Hồ Chí Minh phản bội, đi ngược khát vọng của đại khối dân tộc, hy sinh chủ quyền quốc gia, rước quân đội Pháp vào thay thế quân đội Tàu để rảnh tay đối phó với phe cách mạng không cộng sản. Lời kết án này không phải là không có cơ sở, bởi vì ngay tháng 7 năm đó, sau vụ đi lại thậm thụt giữa Võ Nguyên Giáp và Crépin là Tổng Đại Diện của Chính phủ Pháp tại Hà Nội (14), Võ Nguyên Giáp đã huy động toàn lực công an và bộ đội ra tay đánh diệt cán bộ và chiến sĩ các chính đảng và giáo phái. Trong mấy tháng cuối năm 1946 đã diễn ra một cuộc tàn sát toàn diện, man rợ và oan khốc. Cán bộ và chiến sĩ các chính đảng và giáo phái, nếu không chạy kịp ra nước ngoài hay ra đầu hàng quân đội Pháp, thảy thảy đều bị giết sạch. Mặt khác, người Pháp được thể càng ngày càng lấn chân, xô đẩy chính quyền Hồ Chí Minh vào cái thế chẳng đặng đừng phải phát động chiến dịch toàn dân kháng chiến đêm 19 tháng 12 năm 1946 (15) rồi rút lực lượng vào các chiến khu. Trên bình diện chính trị, chính quyền Hồ Chí Minh dồn nỗ lực vào việc củng cố thế chính thống và hợp pháp bằng cách rêu rao Bảo Đại vẫn là Cố Vấn Tối Cao của chính phủ; bằng cách tuyên truyền bôi lọ Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam và Nguyễn Văn Sâm là những người họ nghi rằng có thể lập chính phủ để điều đình với Pháp (8); và bằng cách cải tổ chính phủ để che đậy bản chất cộng sản. Trên bình diện quân sự, chính quyền Hồ Chí Minh kiện toàn việc tổ chức các Cục Chính Trị (Nguyễn Chí Thanh), Cục Tham Mưu (Hoàng Văn Thái), Cục Tình Báo (Trần Hiệu), và phối trí nhân sự thuần cộng sản để chỉ huy các Quân Khu: Nguyễn Bình ở Nam Bộ, Nguyễn Sơn ở Trung Bộ, Hoàng Sâm ở Trung châu Bắc Bộ, Bằng Giang ở Tây Bắc, Chu Văn Tấn ở Việt Bắc. Tuy nhiên, mọi cố gắng của chính quyền Hồ Chí Minh không gây lại được niềm tin bị xói mòn, không đáp ứng đuợc khát vọng của giai tầng thượng lưu trí thức và tuổi trẻ yêu nước thiết tha với lý tưởng phụng sự quốc gia dân tộc. Trong tình huống đó, Cựu Hoàng Bảo Đại trở nên hạt nhân hình thành của một giải pháp chính trị mới.
            Lúc này, Bảo Đại đã ra ở Hồng Kông. Trước đó, ngày 16 tháng 3 năm 1946, Bảo Đại rời Hà Nội đi Trùng Khánh theo phái đoàn Nghiêm Kế Tổ, Nguyễn Công Truyền, Hà Phụ Hương, với tư cách riêng (8) hơn là với danh nghĩa Tối Cao Cố Vấn của Chính phủ Hồ Chí Minh. Sau đó, trên đường về nước, Bảo Đại đã dừng chân ở Côn Minh một thời gian, phân vân trước sự lôi kéo của Nam Kinh và Hồng Kông. Cuối cùng, ngày 15 tháng 9 năm 1946, Bảo Đại quyết định ra ở Hồng Kông, buổi đầu ở khách sạn Gloucester, về sau ở trong một biệt thự tại mũi Republic Bay trên đảo Victoria.
            Những người đầu tiên tìm đến với Bảo Đại là Yole, thám tử riêng của Tòa Lãnh Sự Pháp tại Hồng Kông (1); Phạm Ngọc Thạch, Chánh Văn Phòng của Hồ Chí Minh, từ Việt Nam đến qua ngã Quảng Châu; và các lãnh tụ chính đảng cũng từ Quảng Châu sang, trong số đó có Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam và Nguyễn Hải Thần. Yole thường xuyên qua lại Sài Gòn nên tự nguyện làm liên lạc viên cho Bảo Đại. Phạm Ngọc Thạch thì trình bày cho Bảo Đại biết diễn biến của chính trường Việt Nam từ ngày Bảo Đại rời Hà Nội và khẳng định sự tín nhiệm của Hồ Chí Minh nơi vị Cố Vấn Tối Cao của Chính Phủ. Các lãnh tụ chính đảng tường thuật cho Bảo Đại biết tình trạng quốc cộng phân tranh, sự phản bội của cộng sản, khát vọng độc lập thống nhất của quần chúng đang bị cộng sản lợi dụng, và gợi ý Bảo Đại tập hợp các lực lượng có khuynh hướng quốc gia để chống lại cộng sản. Quan điểm của các lãnh tụ chính đảng giống nhau về nhiều mặt, chỉ khác nhau ở mỗi một điểm là Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh khuyên Bảo Đại nên đi Nam Kinh tìm hậu thuẫn nơi chính phủ Trung Hoa Quốc Gia, còn Nguyễn Tường Tam thì có khuynh huớng thân Anh Mỹ. Cũng trong những tháng cuối năm 1946, tại khách sạn Gloucester, Bảo Đại còn tiếp kiến Trần Trọng Kim, Nguyễn Đệ và Phan Văn Giáo. Ngoại trừ Trần Trọng Kim và Nguyễn Đệ tìm đến để bàn luận và trao đổi quan điểm chính trị, những người khác trong nhóm Phan Văn Giáo tìm đến để tự nguyện phục vụ Bảo Đại trong tư thế cận thần.
            Bảo Đại dọn về ở một biệt thự tại mũi Republic Bay do chính phủ Hồng Kông cấp và khách khứa tới lui dập dìu. Lúc này, Thierry D'Argenlieu đã xác nhận sự phá sản của giải pháp Hồ Chí Minh, và mọi người đang hướng về Bảo Đại được xem như là biểu tượng cho sự liên kết các khuynh hưóng chính trị không cộng sản. Lần lượt kẻ trước người sau, Phan Huy Đán, Đinh Xuân Quảng, Trần Văn Tuyên, Lê Văn Hoạch, Phạm Văn Bính, Ngô Đình Diệm, Phạm Công Tắc, Trần Văn Soái, Nguyễn Tôn Hoàn, v.v., họ tìm đến với Bảo Đại và thảy thảy đều có quan điểm thống nhất là Bảo Đại phải đứng ra lãnh đạo các lực lượng chính trị trong và ngoài nuớc, thành lập một chính phủ quốc dân đoàn kết có nhiệm vụ thương lượng với người Pháp trao trả độc lập và thống nhất cho Việt Nam, đồng thời kêu gọi Hồ Chí Minh giải giới để kiến tạo hòa bình, tái thiết đất nước. Một khi có được độc lập và thống nhất, những nhân sĩ trùm chăn, và những người bấy lâu theo kháng chiến vì tinh thần yêu nước chứ không phải vì chủ nghĩa cộng sản, sẽ tức khắc trở về hợp tác. Phe kháng chiến sẽ không còn chính nghĩa, các ủy ban hành kháng sẽ mất thế hợp pháp, người Mác-xít Lê-ni-nít sẽ không còn có thể giơ cao cái chiêu bài tranh thủ độc lập quốc gia và thống nhất lãnh thổ để động viên toàn dân hy sinh xương máu chiến đấu cho chủ nghĩa cộng sản. Một khi có được độc lập và thống nhất mà Hồ Chí Minh vẫn ngoan cố không chịu ngưng bắn thì cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược sẽ chỉ là cuộc phản loạn chống chính quyền quốc gia do người Mác-xít Lê-ni-nít phát động để thực hiện chủ nghĩa quốc tế vô sản. Phe cộng sản chắc chắn sẽ thảm bại. Thế là giải pháp Bảo Đại được hình thành. Trước xu thế chính trị đồng nhất đó của các thành phần Việt Nam không cộng sản, người Pháp mau lẹ đáp ứng. Trung tuần tháng 1 năm 1947, Cousseau, một chuyên gia thương thuyết và rất am hiểu các vấn đề Việt Nam, được thuyên chuyển đến Tòa Tổng Lãnh Sự Pháp tại Hồng Kông. Người Mỹ cũng không phản đối giải pháp chính trị này. Trong năm 1947, Thiếu tá Buckley, thuộc cơ quan OSS Mỹ ở Viễn Đông, nhiều lần đến Hồng Kông tiếp xúc với Bảo Đại (1).
            Ý thức rằng giải pháp Bảo Đại có tầm vóc lớn lao gấp bội các tổ chức không cộng sản khác như Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp, Mặt Trận Quốc Gia Dân Tộc Chống Cộng Sản, và nếu thực hiện đúng mức, sẽ rất nguy hại cho kháng chiến, chính quyền Hồ Chí Minh bắn tiếng với Pháp yêu cầu tiếp tục điều đình. Tuy nhiên, những nỗ lực của cả Paul Mus lẫn Hoàng Minh Giám đều không mang lại kết quả, trong lúc đó, bên trong Việt Nam, số người ủng hộ giải pháp Bảo Đại mỗi ngày một đông đảo. Ngày 14 tháng 5 năm 1947, nhân dịp Bollaert đến Hà Nội, báo Thời Sự đăng bài ủng hộ Bảo Đại. Ngày 20, tại Sài Gòn, Nguyễn Văn Sâm lên tiếng tán dương Công dân Vĩnh Thụy. Qua ngày 24, Bollaert đến Huế, Hội Đồng Chấp Chánh Trung Kỳ và Phong Trào Tập Hợp Quốc Gia biểu dương lực lượng và tinh thần quốc gia bảo hoàng. Cuối cùng, ngày 5 tháng 7 năm 1947, Bảo Đại cho phổ biến trên tờ Union Francaise lời tuyên bố sẵn sàng đóng vai trò hòa giải giữa nước Pháp và các phe phái ở Việt Nam, đồng thời phái Trần Văn Tuyên về Việt Nam, đến Hà Nội, Huế, và Sài Gòn thăm dò và vận động công luận.
            Ngày 4 tháng 9 năm 1947, Bảo Đại gửi điện triệu tập Hội Nghị Chính Trị Hồng Kông lần thứ nhất. Ngày 9 khai hội, có cả thảy 24 người tham dự, trong số đó có Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Văn Sâm, Trần Quang Vinh, Trần Văn Lý, Cao Văn Chiểu, Nguyễn Tường Tam và các lãnh tụ chính đảng lưu vong ở Tàu. Hội nghị thông qua chính cương, phương hướng và chương trình hành động. Trong lúc đại đa số Đại Biểu nghiêng về thể chế quốc trưởng hoặc quân chủ lập hiến thì Nguyễn Tường Tam chủ trương định chế cộng hòa. Vì điểm bất đồng này, Nguyễn Tường Tam sau đó đã bỏ đi không quay trở lại. Ngày 18 tháng 9 năm 1947, Bảo Đại gửi lời hiệu triệu quốc dân, xác định ý chí tranh thủ độc lập và thống nhất cho Việt Nam, bởi lẽ trước đó hơn tuần lễ Bollaert đã đọc một bài diễn văn ở Hà Đông làm nãn lòng mọi người ở cả 2 phe quốc cộng. Ngày 29, Nguyễn Văn Xuân thay Lê Văn Hoạch làm Thủ Tướng chính phủ với danh hiệu đổi mới là Chính Phủ Lâm Thời Miền Nam Việt Nam. Sáng ngày 7 tháng 12 năm 1947, tại Vịnh Hạ Long, trên soái hạm Duguay Trouin, Bảo Đại và Bollaert ký Thông Cáo Chung nói về việc Pháp thừa nhận Việt Nam độc lập trong Liên Hiệp Pháp, có đính kèm một bản lịch trình thảo luận thể chế ngoại giao, quân sự, văn hóa, tài chánh v.v. của nuớc Việt Nam tương lai. Trong buổi họp ngày 19 tháng 12 ở Hồng Kông, Ngô Đình Diệm đã cực lực phản đối bản thể chế này. Ngày 22 tháng 3 năm 1948, Bảo Đại có ủy thác Ngô Đình Diệm về Sài Gòn gặp Bollaert để yêu cầu thảo luận trở lại vấn đề này, nhưng Bollaert không đổi ý. Ngày 26 tháng 3 năm 1948, Bảo Đại triệu tập Hội Nghị Chính Trị Hồng Kông lần thứ hai. Ngoài những nhân vật quen thuộc như Nguyễn Văn Xuân, Trần Văn Hữu, Trần Văn Lý, Phan Huy Đán, Đinh Xuân Quảng, Phan Văn Giáo, Trần Văn Ân, Trần Văn Tuyên, còn có đông đủ đại diện các chính đảng, các giáo phái cùng các nhân sĩ độc lập như Đặng Hữu Chí, Trần Quang Vinh, Lê Văn Hoạch, Phạm Công Tắc, Nguyễn Tôn Hoàn, Nguyễn Khoa Toàn, Hà Xuân Tế, Phạm Văn Hai, Đỗ Quang Giai, Lương Danh Môn, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Văn Ty, Ngô Quốc Côn, Nguyễn Thúc Loan, Phạm Đình Tuyên, Nguyễn Thức, Ngô Khánh Thục, Trương Vĩnh Tống, Nghiêm Xuân Thiện, Đặng Văn Dần v.v. Hội nghị đã biểu quyết việc đặt quốc hiệu, định quốc đô, chọn quốc kỳ và quốc ca, và thành lập chính phủ trung ương lâm thời. Ngô Đình Diệm không tham dự Hội Nghị này, không nhận lời mời làm Thủ Tướng, và đã bỏ đi cho đến năm 1954 mới trở lại nhận làm Thủ Tướng Toàn Quyền Dân sự và Quân sự trong một bối cảnh lịch sử hoàn toàn đổi khác. Chính phủ Nguyẽn Văn Xuân được thành lập ngày 27 tháng 5 năm 1948, và làm lễ ra mắt ngày 2 tháng 6 tại Sài Gòn. Hôm đó, lá cờ vàng ba sọc đỏ được kéo lên và chính thức trở thành quốc kỳ của Quốc Gia Việt Nam độc lập và thống nhất. Ngày 5 tháng 6 năm 1948, cũng tại Vịnh Hạ Long, cũng trên chiếc thiết giáp hạm Duguay Trouin, Bảo Đại chuẩn phê Tuyên Bố Chung ký kết giữa Bollaert một bên, và Nguyễn Văn Xuân, có sự dự kiến của Nghiêm Xuân Thiện và Đặng Hữu Chí, Phan Văn Giáo, Nguyễn Khoa Toàn và Đinh Xuân Quảng, Trần Văn Hữu và Lê Văn Hoạch, đại diện cho 3 miền Bắc, Trung và Nam Việt Nam, một bên. Tuy nhiên, độc lập và thống nhất vào thời điểm này chỉ mới là danh nghĩa; con đường tiến đến độc lập và thống nhất thực sự còn thăm thẳm xa vời. Tất cả chỉ mới là lời hứa hẹn; độc lập và thống nhất thực sự tùy thuộc vào thiện chí của người Pháp và tương quan lực lượng ngoài chiến trường. Giả thiết kháng chiến bị đánh bại, Việt Nam sẽ chỉ được cái bánh vẽ độc lập trong Liên Hiệp Pháp, không có quân đội riêng, không có ngoại giao riêng. Giả thiết Hồ Chí Minh nhượng bộ, Paul Mus và Hoàng Minh Giám đi đến một thỏa ước nào đó, Việt Nam sẽ bị chia làm 3 bang, cùng với Cao Mên và Lào họp thành Liên Bang Đông Dương, với Hồ Chí Minh ở Hà Nội, Bảo Đại ở Huế, và Nguyễn Văn Xuân ở Sài Gòn. Bởi vậy, Bảo Đại chưa vội về nước, và nhờ sự giúp rập của những người yêu nước quốc gia chủ nghĩa, đã ký kết tại Paris Thỏa Ước Bảo Đại-Auriol ngày 8 tháng 3 năm 1949. Ngày 10 tháng 4, Hội Đồng Lãnh Thổ Nam Kỳ gồm 50 đại biểu được thành lập để bỏ phiếu về việc Nam Kỳ sát nhập trở lại với Việt Nam, kết quả là 25 thuận/25 chống. Ngày 23 tháng 4 bỏ phiếu lại, kết quả là 45 thuận/5 chống. Ngày 1 tháng 7, Bảo Đại lập chính phủ; và ngày 3 tháng 7, Bảo Đại bổ nhiệm Thủ Hiến cho 3 kỳ Bắc Việt, Trung Việt và Nam Việt. Tháng 10, Việt Nam được nhận vào Á Châu Kinh Ủy Hội của Liên Hiệp Quốc, mở đầu cho các sinh hoạt ngoại giao độc lập. Thỏa Hiệp Quân Sự ký với Léon Pignon ngày 30 tháng 12 năm 1949 đặt nền móng cho việc thành lập Quân Đội Quốc Gia Việt Nam.
Đoạn kết.
            Vậy là lá cờ vàng ba sọc đỏ bắt đầu có đủ căn bản cụ thể để biểu tượng cho độc lập quốc gia và thống nhất lãnh thổ, đáp ứng khát vọng của giai tầng thượng lưu trí thức cũng như của tuổi trẻ yêu nước Việt Nam. Đành rằng người Pháp đã tỏ ra lươn lẹo, không thực tâm trao trả độc lập cho Việt Nam, cũng như Bảo Đại không có đủ bản lãnh của một người anh hùng được thời thế tạo nên, cho nên đã có nhiều người nghi ngại bỏ đi ngay sau khi tham dự các Hội Nghị Chính Trị Hồng Kông, cũng như đã có nhiều người lúc đầu hợp tác mà về sau lại quay ra chống đối, nhưng dù sao thì vẫn có một hiện tượng không thể phủ nhận là đã có một cuộc tập hợp rộng rãi những người Việt Nam yêu nước của cả 3 miền, đủ mọi thành phần chính trị, tôn giáo và xã hội, đằng sau lưng Bảo Đại, dưới bóng lá cờ vàng ba sọc đỏ. Ngoại trừ những người như Ưng An, Phan Văn Giáo, Vĩnh Cẩn, Nguyễn Đệ, Phạm Văn Bính, đã phục vụ Bảo Đại theo chiều hướng đồng hóa Quốc Gia với Quốc Trưởng, những người khác, đứng trong hàng ngũ Bảo Đại, dưới bóng lá cờ vàng ba sọc đỏ, đã phục vụ Bảo Đại vì tình tự dân tộc, vì tinh thần yêu nước, vì lý tưởng tự do, vì lập trường không cộng sản. Tờ báo Times số ra ngày 11 tháng 1 năm 1950 đã viết: "Những nhà ái quốc có lập trường quốc gia, vốn e ngại Bảo Đại vẫn chỉ là một thứ bù nhìn trong tay Pháp, nay đã thay đổi thái độ....Vua Bảo Đại đang từ từ liên kết được mọi người". Nói một cách khác, lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng khát vọng của toàn dân, ấp ủ hoài bảo đấu tranh cho độc lập quốc gia và thống nhất lãnh thổ. Người Việt Nam yêu nước và có lập trường không cộng sản không bao giờ đồng hóa lá cờ vàng ba sọc đỏ với cá nhân Bảo Đại, hay với bất kỳ nhân vật nào khác. Bởi thế cho nên về sau này, khi mà tình hình chiến sự sôi động, thời cuộc quốc tế đổi chiều, Bảo Đại không đủ khả năng đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của tình thế mới, thì giai tầng thượng lưu trí thức và tuổi trẻ Việt Nam, yêu nước nhiệt tình và có lập trường không cộng sản, lại đứng sau lưng Ngô Đình Diệm truất phế ngôi vị quốc trưởng của Bảo Đại và đưa Ngô Đình Diệm lên làm Tổng Thống Nước Việt Nam Cộng Hòa, và vẫn giữ cờ vàng ba sọc đỏ làm quốc kỳ. Rồi về sau này nữa, khi mà chính quyền Ngô Đình Diệm tỏ ra thiếu dân chủ, phân biệt địa phương, kỳ thị tôn giáo, thì lại vẫn những con người yêu nước không cộng sản đó, trí thức và bình dân, quân sự và dân sự, đứng lên lật đổ Ngô Đình Diệm để cải tiến chế độ, và vẫn giữ cờ vàng ba sọc đỏ làm quốc kỳ. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, cho dù là vì người Mỹ thay đổi chính sách đối ngoại, hay vì chính quyền Nguyễn Văn Thiệu quân phiệt và tham ô, hay vì những lý do gì khác chăng nữa, mà Nước Việt Nam Cộng Hòa mất, người dân Việt Nam Cộng Hòa bị cộng sản gọi là ngụy, nhân viên dân sự và quân sự Việt Nam Cộng Hòa bị tập trung vào các trại tù, thì những người Việt Nam yêu nước và không cộng sản vẫn kiên trì tiếp tục chống đối áp bức và bóc lột, đấu tranh để cải tiến dân sinh, thực thi dân chủ, kiện toàn độc lập quốc gia và thống nhất lãnh thổ, bảo vệ quyền nguời dân và quyền con người. Một phần dân tộc chạy được ra nước ngoài. Ngoại trừ thiểu số may mắn thoát đi trước, tuyệt đại bộ phận những nguời di tản, nếu không mất mạng vì sóng gíó biển khơi thì cũng lâm cảnh mình trần thân trụi vì hải tặc, hành trang còn lại chỉ là những lý tưởng vừa nói trên đây. Trong tình hình như vậy, thử hỏi còn có cái gì đầy đủ căn bản lịch sử và pháp lý hơn lá cờ vàng ba sọc đỏ để biểu tượng cho Cộng Đồng Việt Nam ở Hải Ngoại?
                                                Tháng 11 năm 1998
                                             Minh Vũ Hồ Văn Châm
Tài liệu tham khảo:
             
(1) Bảo Đại. Con Rồng Việt Nam. Xuân Thu, 1990. Los Alamitos, CA 90720, USA.
(2) Nguyễn Ngọc Huy. Quốc Kỳ và Quốc Ca Việt Nam.. Nguyệt san Tự Do Dân Bản của Liên Minh Dân Chủ Việt Nam, Bộ mới, số 27, tháng 3 năm 1988. Houston, TX, USA.
(3) Vũ Ngự Chiêu. The other side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Viet-Nam. Van Hoa, 1996. Houston, TX, USA.
(4) Đoàn Thái. Tiết lộ của Tráng Liệt tại nhà Cao Hữu Đính. Thư riêng gửi tác giả đề ngày 16-11-1997.
(5) Hồ Văn Châm. Câu chuyện xoay quanh lá cờ. Tạp Chí Cách Mạng của Đại Việt Cách Mạng Đảng, Bộ mới, số 6, Xuân Đinh Sửu, tháng 2 năm 1997. Houston, TX, USA.
(6) Trần Trọng Kim. Một cơn gió buị . Vinh Sơn, 1969. Sài Gòn, VN.
(7) Nguyễn Tường Tam. Chi bộ ba người. Phượng Giang, 1960. Sài Gòn, VN.
(8) Nghiêm Kế Tổ.Việt Nam Máu Lửa. Xuân Thu, 1989. Los Alamitos, CA 90720, USA.
(9) Trường Nguyên. Đại Việt Quốc Dân Đảng Lược sử. Tổng Bộ Tuyên Nghiên Huấn Đại Việt Quốc Dân Đảng, 1994, CA, USA.
(10) Nguyễn Xuân Chữ. Hồi ký Nguyễn Xuân Chữ. Văn Hóa, 1996. Houston, TX, USA.
(11) Nguyễn Xuân Thọ. Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam. Mekong, 1994. Santa Ana, CA, USA.
(12) Vũ Ngự Chiêu. Lá bài bí mật của De Gaulle: Hoàng tử Vĩnh San. Văn Hóa, 1992. Houston, USA
(13) Hoàng Trọng Thược. Hồ sơ Vua Duy Tân. Mõ Làng, 1993. San Francisco, CA, USA.
(14) Hoàng Văn Đào. Việt Nam Quốc Dân Đảng. Khai Trí, 1964. Sài Gòn, VN.
(15) Nguyễn Thế Anh. Hành trình chính trị của Hồ Chí Minh. Trong tuyển tập Hồ Chí Minh, Thân Thế và Sự Nghiệp, của nhiều tác giả. Nam Á, 1990. Paris, France.

No comments:

Post a Comment